(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa (CGH) đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa (CGH) đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệpNông dân xã Hà Sơn (Hà Trung) sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2023, Tổ hợp tác dịch vụ CGH nông nghiệp xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa) được thành lập với mục đích tập hợp máy móc, phục vụ nhu cầu của người dân ở các khâu dịch vụ cơ bản như: làm đất, gieo cấy, thu hoạch, vận chuyển...

Ông Nguyễn Hữu Tập, Tổ phó Tổ hợp tác cho biết: Bên cạnh đầu tư các loại máy móc để đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ hợp tác còn hỗ trợ người dân sử dụng máy móc sao cho hiệu quả; kết hợp tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng CGH để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất.

Bà Hoàng Thị Hương, một trong những hộ dân sử dụng dịch vụ của tổ hợp tác cho biết: Những năm gần đây, vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao gấp 1,5 - 2 lần so với lúc nông nhàn. Vì vậy, khi được xã tuyên truyền, khuyến khích ứng dụng CGH, gia đình tôi đã thuê lại máy cấy của tổ hợp tác để tiết kiệm thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, cấy bằng máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc, lúa ít bị sâu bệnh, lúa cấy ngay hàng thẳng lối, khoảng cách phù hợp...

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh tỷ lệ áp dụng CGH các khâu trong sản xuất các cây trồng chính như: Cây lúa có tỷ lệ làm đất 98%, gieo trồng 22%, thu hoạch 82%, vận chuyển 79%; cây ngô có tỷ lệ làm đất 88%, gieo trồng 7%, thu hoạch 16%, vận chuyển 84%; cây mía, tỷ lệ làm đất 99%, gieo trồng 20%, thu hoạch 15%, vận chuyển 95%; cây sắn, tỷ lệ làm đất 83%, vận chuyển 71%... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.800ha rau an toàn, cây ăn quả và vùng mía thâm canh được ứng dụng, chuyển giao công nghệ tưới nước tiết kiệm. Không chỉ có máy làm đất, máy gặt..., các loại máy móc tiên tiến như máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, máy lên luống, máy gieo hạt... đã cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân và được xem là một bước đột phá của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh ứng dụng CGH trong trồng trọt, hiện nay tại các hộ nuôi trồng thủy sản cũng đã mạnh dạn đầu tư sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi ô xy trong các ao nuôi, ứng dụng công nghệ camera để kiểm soát đối tượng nuôi từ xa, quy trình công nghệ xử lý nước nuôi tôm tuần hoàn... Trong chăn nuôi, đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò, nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín, sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động, máy ấp trứng... Có 85% trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; 90% trang trại chăn nuôi lợn có quy mô chuồng kín hiện đại, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Ông Thiệu Văn Tươi, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Nga Bạch (Nga Sơn) cho biết: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, gia đình đã đầu tư mua máy trộn thức ăn công nghiệp, lắp đặt hệ thống máng ăn, uống tự động. Từ đó, giúp giảm được chi phí thuê nhân công cho gà ăn, hạn chế thức ăn rơi vãi, bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Sử dụng thức ăn tự trộn thay thế thức ăn công nghiệp có thể tiết kiệm 10 - 20% chi phí thức ăn.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước, đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa CGH vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn tại các địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động đầu tư mua sắm các loại máy móc, ứng dụng CGH trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]