Điểm danh những “ông lớn” đóng góp cho ngân sách Nhà nước
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa vẫn vượt dự toán 16,6%, với số thu đạt 41.200 tỷ đồng. Trong thành quả này, các doanh nghiệp (DN) lớn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các khu công nghiệp (KCN) đóng góp tới 22.922 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 1.
Trong đó, phải kể đến đầu tiên là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong năm 2023 nhà máy phải dừng hoạt động 48 ngày để tiến hành bảo dưỡng tổng thể. Tuy nhiên, với việc hoạt động tối đa công suất để dự trữ sản lượng và tăng công suất thêm 17% sau kỳ bảo dưỡng đã khiến công ty sản xuất thành công tổng cộng gần 7,6 triệu tấn sản phẩm các loại, lần đầu tiên hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất đề ra và đóng góp tới 820 triệu USD, xấp xỉ gần 20.000 tỷ đồng vào ngân sách. Kỳ vọng với hoạt động ổn định sau kỳ bảo dưỡng và các phương án tái cấu trúc đang được tích cực nghiên cứu, triển khai, nhà máy sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cũng như gia tăng nguồn thu vào ngân sách tỉnh.
Sau Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, 2 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất thiết kế tới 11,4 tỷ kWh/năm đã được huy động tối đa công suất phát lên lưới điện quốc gia. Cùng với tổng sản lượng tăng tới gần 80% so với cùng kỳ thì 2 DN tại Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn cũng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; trong đó Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 đóng góp 1.148 tỷ đồng và Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đóng góp 112 tỷ đồng.
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 có công suất thiết kế 2 tổ máy có tổng công suất 600 MW. Đi vào hoạt động năm 2015, tính đến nay Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đã phát tổng sản lượng điện hơn 31,5 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia. Mỗi năm, công ty thực hiện nghĩa vụ thuế cho tỉnh Thanh Hóa từ 120 - 130 tỷ đồng. Bắt tay vào kế hoạch sản xuất năm 2024, DN đã lên kế hoạch, chuẩn bị các giải pháp sẵn sàng vận hành năm 2024 như đàm phán với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo đủ than cho nhà máy hoạt động với công suất tối đa, ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình nhằm cung ứng điện cho sản xuất, dân sinh, bảo đảm các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và tăng nộp ngân sách Nhà nước.
Trong 1 năm nhiều khó khăn với ngành thép, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng đã đóng góp 1.072 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh. Được biết, cùng với khai thác và giữ vững các thị trường truyền thống, các sản phẩm thép VAS đã chinh phục thêm các thị trường mới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Guatemala... từ đó định vị thương hiệu và gia tăng sản lượng tiêu thụ cho DN. Hiện nay, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho tỉnh trong những năm sắp tới. Theo đại diện đơn vị, song hành với việc nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh hàng năm, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách cũng luôn được công ty quan tâm, chú trọng bởi đó chính là thể hiện uy tín cũng như khẳng định thương hiệu, hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh của DN.
Mới đi vào vận hành năm 2023, không chỉ gia tăng năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp của tỉnh, Nhà máy xi măng Đại Dương 1 cũng đã đóng góp cho tỉnh số thu ngân sách 142 tỷ đồng. Ngoài ra, một số DN truyền thống như bao bì, may mặc, giày da... cũng đã khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, mang lại những nguồn thu đáng kể như: Công ty TNHH dầu thực vật khu vực Bắc Việt Nam 152 tỷ đồng; Công ty xi măng Nghi Sơn 180 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Lam Sơn (KCN Lễ Môn) 113 tỷ đồng; Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam (KCN Lễ Môn) 65 tỷ đồng...
Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, bước sang năm 2024 các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao. Cùng với đó là những rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại lớn dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu.
Với mục tiêu tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu” kinh tế của tỉnh, cùng với kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư mới, đơn vị sẽ thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động của các dự án lớn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, các nhà máy sản xuất thép giày da, may mặc... có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; đồng thời đôn đốc, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để sớm đưa Nhà máy xi măng Đại Dương 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy hóa chất Đức Giang, Cảng container Long Sơn, Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam... sớm đi vào hoạt động, gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh trong những năm tới.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2024-12-27 22:56:00
Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện, xuống 2 tháng/lần
-
2024-12-27 19:24:00
Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều gam màu sáng
-
2024-01-14 11:15:00
Những mô hình giảm nghèo bền vững tại Bá Thước
Xuất khẩu một năm nỗ lực vượt khó
Tập trung thu mua và chế biến nguyên liệu sắn phục vụ xuất khẩu
Đấu giá biển số ô-tô ghi nhận kỷ lục mới với 75,2 tỷ đồng
Bảo đảm cung ứng nông sản dịp cuối năm
Sự trở lại hoành tráng của chiến dịch “Love Connection”, Vietjet tặng 50 cặp đôi Ấn Độ vé bay miễn phí khắp Việt Nam
Vinamilk “bội thu” giải thưởng phát triển bền vững
Tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, ưu tiên dùng hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước
Vietcombank Nghi Sơn khai trương Phòng giao dịch Hoằng Hóa
Tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ