(Baothanhhoa.vn) - Các chương trình bán hàng trả góp xuất hiện như một “cứu cánh” giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm có giá trị với chi phí ban đầu không quá lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cẩn trọng với các hình thức mua hàng trả góp

Các chương trình bán hàng trả góp xuất hiện như một “cứu cánh” giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm có giá trị với chi phí ban đầu không quá lớn.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm điều hòa tại Siêu thị Điện máy HC (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tuy nhiên, khi quyết định mua hàng theo hình thức này, người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ để tránh những tổn thất về tài chính không đáng có.

Tại thị trường Thanh Hóa có nhiều ngân hàng, công ty tài chính liên kết với các cửa hàng, siêu thị để cho khách hàng vay tín chấp mua hàng trả góp. Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hình thức bán hàng trả góp khá phổ biến, nhất là đối với mặt hàng điện tử, điện gia dụng, xe mô tô, xe ô tô... Hiện trên thị trường tỉnh ta có một số công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực mua, bán hàng trả góp với thủ tục và cách tính lãi khác nhau: Home Credit (PPF), FE Credit, VP Bank, HD Bank... để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Phần lớn các gói cho vay mua hàng trả góp đều được quảng cáo là cho vay với lãi suất thấp, ưu đãi, thậm chí là có những sản phẩm được cho vay với mức lãi suất 0%, khách hàng chỉ cần trả trước khoảng từ 10 đến 50% giá trị sản phẩm và có thể lựa chọn thời gian trả góp số tiền còn lại trong 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng. Mua hàng trả góp là sự lựa chọn của không ít khách hàng vì thủ tục đơn giản, không phải kê khai phức tạp. Chỉ trong khoảng thời gian tối đa 30 phút với khoản vay dưới 10 triệu đồng và 1 giờ đồng hồ với khoản vay hơn 10 triệu đồng làm thủ tục là khách hàng đã được sở hữu sản phẩm.

Bán hàng trả góp là một hình thức kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp cũng như tổng số tiền phải trả. Nhất là, cần đọc thật kỹ hợp đồng, quan tâm đến những điều khoản bất hợp lý để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ, tránh tình trạng mua giá quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm.

Chị Mai Thị Hà ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, cho biết: Vì không có tiền để trả một lần, chị được giới thiệu sử dụng dịch vụ mua hàng trả góp. Lúc đó chị chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số tiền trả mỗi tháng nên đã ký hợp đồng vay tiền với Công ty Tài chính FE Credit để mua xe mô tô nhãn hiệu Lead tại cửa hàng của Công ty TNHH Ngôi Sao, địa chỉ 27-29 Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) có giá 40 triệu 500 nghìn đồng. Mua trả góp với mức trả trước 18 triệu đồng, còn nợ lại 22 triệu 500 nghìn đồng. Giải pháp trọn gói trả góp 12 tháng thì người mua phải nộp mỗi tháng 2 triệu 240 nghìn đồng. Như vậy trong vòng 12 tháng, người mua phải trả 26 triệu 880 nghìn đồng. Cộng cả gốc lẫn lãi, chị phải trả cho sản phẩm này là 44 triệu 880 nghìn đồng, tương đương với mức lãi suất hơn 23%/năm. Đây là mức lãi suất không hề thấp so với các thông tin chào hàng, quảng cáo, thậm chí còn cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng thương mại. Trường hợp của chị Hà không phải là hiếm gặp trong số những “nạn nhân” của mua hàng trả góp khi không được nhân viên bán hàng tư vấn kỹ về lãi suất.

Thực tế mỗi đơn vị kinh doanh và tổ chức tài chính liên kết tính giá phải trả ban đầu, lãi suất hàng tháng, phương thức thanh toán... khác nhau trên cùng một loại sản phẩm. Ở đơn vị này, người mua cần trả trước từ 0-70% với lãi suất 1,69 - 4%/tháng, nhưng ở đơn vị khác, khách hàng cần trả trước 30-70% với lãi suất không cố định, phụ thuộc vào các yếu tố về số tiền vay, thời gian vay... Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của các tổ chức tài chính hình như cố tình... “quên” tư vấn cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể, những khoản phạt nếu nộp không đúng hạn hoặc thanh lý hợp đồng trước thời hạn... mà chỉ khi khách hàng hỏi đến họ mới giải thích, trong khi đa phần khách hàng khi mua trả góp thường không để ý đến những chi tiết này. Sau một thời gian trả góp, khách hàng muốn thanh toán luôn 1 lần trước thời hạn thì vẫn phải trả phí phạt nếu muốn thanh lý hợp đồng.

Vì tâm lý muốn nhanh chóng sở hữu món hàng ao ước, tin tưởng vào lời tư vấn của người bán hàng, người mua “choáng ngợp” bởi suy nghĩ chỉ phải bỏ ra vài triệu đồng đã có một chiếc điện thoại mười mấy triệu đồng, hay vài chục triệu đồng là mua được chiếc xe mô tô tay ga đắt tiền nên những bản hợp đồng với “loằng ngoằng” điều khoản thỏa thuận không được người mua tìm hiểu kỹ, khi vỡ lẽ thì không thể làm gì khác ngoài việc phải thực hiện theo hợp đồng.

Thực tế, mua hàng trả góp là hình thức giúp người tiêu dùng chưa đủ tiền mà vẫn có thể mua được các thứ hàng hóa cần thiết để giải quyết khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt bằng cách trả dần qua hàng tháng. Điều đáng nói, bên cạnh một số người chấp nhận lãi suất cao để có được sản phẩm yêu thích; nhưng có một số trường hợp khác không hiểu rõ hợp đồng, nhân viên bán hàng tư vấn không đầy đủ, chính xác về mức lãi suất vay, lãi phạt... làm cho người mua không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt.

Nếu có nhu cầu mua hàng trả góp, người tiêu dùng nên thăm dò, so sánh giá tiền sản phẩm, lãi suất của nhiều cửa hàng khác nhau, tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, tổng số tiền phải trả cũng như phát sinh khi vi phạm hợp đồng. Đồng thời, phải đọc kỹ hợp đồng, để ý đến những điều khoản bất hợp lý để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ. Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan cũng cần siết chặt quản lý hoạt động cho vay mua hàng trả góp nói riêng và cho vay tiêu dùng nói chung để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]