Kiên định
Trương trở về nhà sau một ngày đi tác nghiệp ở khu mỏ. Trên tóc anh còn bám đầy bụi than, nụ cười rạng rỡ của người thợ mỏ còn in trong tâm trí. Đây không phải là lần đầu tiên anh tác nghiệp dưới những đường lò sâu hun hút.
Minh họa của Minh Anh
Mười sáu năm làm báo, mỗi lần xuống đưa tin, phản ánh quá trình lao động sản xuất dưới mỏ than anh đều xúc động. Dù điều kiện tác nghiệp chật hẹp, ánh sáng thiếu, độ ẩm cao, đối diện với vất vả, hiểm nguy nhưng chỉ càng làm cho anh thêm đồng cảm với những người thợ mỏ. Có đôi lúc anh bất lực khi câu chữ bày biện trên trang báo của mình không thể lột tả hết được sự tươi mới, niềm lạc quan, yêu đời lấp lánh trong đôi mắt bao người thợ. Nhiều khi anh thấy con đường nghề báo mà mình đi cũng giống đường đi xuống lò sâu của thợ mỏ. Đi xuyên qua bóng tối, vượt qua bao khó khăn, vất vả mới tìm thấy quặng than, quặng chữ. Nên lần nào trở về từ khu mỏ anh cũng nhặt một viên than nhỏ thả vào chiếc ly thủy tinh, đặt trên bàn làm việc. Để mỗi khi thấy mệt mỏi anh thường ngắm nhìn chúng. Anh nhớ đến bố mình, người thợ mỏ cặm cụi một đời dưới lò sâu để nuôi những giấc mơ của các con, cất cánh.
Trong bữa cơm chiều Huế kể chuyện chị bạn thân mới cho con đi du học. Nhìn hai đứa con gái đang ăn gà rán một cách thích thú, Huế thở dài bảo:
- Em cũng muốn sau này có tiền cho con đi du học để có tương lai rộng mở. Nhưng xem chừng khó quá. Lương ba cọc ba đồng. Đồng tiền thì ngày càng mất giá.
- Con mình vẫn còn nhỏ mà em. Với lại anh thấy có tiền đi du học thì tốt, không có cũng không sao. Biết bao nhiêu người học tập ở trong nước vẫn thành nhân tài đấy thôi. Cái chính là sức học của con mình đến đâu. Anh chẳng mong cầu nhiều. Chỉ mong con sống cuộc đời mà con muốn. Đã chắc gì giấc mơ của con nằm ở trời Tây.
- Nói chuyện với anh chán chết. Mình phải định hướng cho con ngay từ nhỏ thì sau này con mới đi đúng đường. Hơn nữa mình cũng phải có kế hoạch chuẩn bị tài chính ngay từ bây giờ. Chứ cái gì cũng đợi con lớn thì làm sao kịp. Mà em thấy đồng nghiệp của anh, người thì thăng chức, người thì giàu lắm, của ăn của để, nhà nọ xe kia. Mà sao anh cứ lẹt đẹt hoài. Em nói với anh rồi, phải tích cực quan hệ xã giao vào.
- Nghề nào thì cũng vậy thôi em. Mình không phụ nghề thì nghề cũng không phụ mình. Nghề nuôi sống mình đã là tốt rồi. Anh chọn nghề báo không phải để làm giàu.
- Sống thì cũng có nhiều mức sống. Lương mười triệu cũng là sống mà hai mươi, ba mươi triệu cũng là sống. Không lẽ anh định để con thiếu thốn mãi à?
- Em nói xem con thiếu thốn gì? Ăn ngon mặc đẹp. Thời của chúng ta chẳng có đứa trẻ nào được thế, vậy mà sao tất cả vẫn nên người?
- Ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu. Nhưng anh thử xem cả năm chẳng đưa con đi du lịch được mấy nơi. Mình cũng chẳng tích cóp được bao nhiêu. Lúc khỏe mạnh ừ thì chẳng sao, thế còn lúc ốm đau?
Trương buông đũa, đứng dậy đi ra chỗ khác để dừng cuộc tranh luận với vợ tại đây. Những cuộc đối thoại thế này diễn ra thường xuyên trong gia đình anh. Nay Huế nói chị bạn mới được chồng tặng nhẫn kim cương cả trăm triệu. Mai Huế kể gia đình bạn mới đổi xe. Khi khác Huế lại ước ao giá mà năm nào cũng mua được một mảnh đất nho nhỏ giống như nhà bạn. Mà mấy người bạn của Huế toàn sướng nhờ chồng. Lúc bực dọc Huế hay lẩm bẩm: “Người ta nói đúng, hơn nhau ở tấm chồng”. Trương không phải là một người đàn ông kém cỏi. Anh có ước mơ và kiên định với con đường làm báo của mình. Nghề giúp anh đủ lo cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Nhưng là đủ đầy với những người biết hài lòng chứ không phải với vợ anh. Anh không muốn kiếm những đồng tiền bất chính để nuôi các con mình. Anh lạ gì kiểu dàn xếp thông tin với doanh nghiệp địa phương của một vài nhà báo để nhận về những phong bì nặng tay. Nhưng anh không muốn vi phạm đạo đức nghề nghiệp và tôn chỉ của một người làm báo. Mỗi lần đứng trước những cám dỗ anh hay nghĩ về khuôn mặt bám đầy bụi than đen đúa của bố mình. Bố anh đã mất cả đời đi xuyên bóng tối để cho anh có thể tìm ra ánh sáng của cuộc đời.
Trương thường thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Vợ anh cũng từng có một thời ước mơ nghề báo. Sau khi thi báo chí không đỗ, Huế theo học ngành quản lý văn hóa. Ra trường Huế về làm cán bộ văn hóa phường, năng nổ, nhiệt tình. Chị đã từng yêu anh, yêu nghề nghiệp của anh. Trong giấc mơ tuổi trẻ chị từng ước ao giản đơn thôi, được cùng anh xây một mái ấm gia đình vui vầy sớm tối. Chị từng háo hức chờ đợi loạt bài phóng sự của anh lên trang. Từng thấp thỏm, lo âu mỗi khi anh đi tác nghiệp mà không thể liên lạc được. Từng cầm những đồng lương, đồng nhuận bút của anh mà chẳng so đo tính toán ít hay nhiều. Nhưng, từ khi có con cái, áp lực cơm áo gạo tiền khiến chị dần đổi khác. Cũng chẳng biết từ bao giờ chị không còn thấy anh là người đàn ông lý tưởng mà mình từng yêu thương nữa. Chị tha thiết một cuộc sống sung túc. Chị muốn những điều tốt nhất cho các con. Chị muốn đêm nằm không phải lo nhỡ tai họa, bệnh tật ập đến phải xoay xở thế nào.
Trương cố gắng gạt những vướng bận ấy để tập trung vào công việc. Sáng nay anh xuống địa phương tìm hiểu thông tin theo đơn từ bạn đọc phản ánh về vấn đề xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường của công ty tinh bột sắn. Anh đi từ mờ sớm, đến nơi trời tháng sáu đã kịp nắng chang chang. Do có hẹn trước với bà con, nên vừa đến anh đã thấy rất đông người chờ sẵn. Xộc vào mũi anh là mùi hôi thối bốc lên từ con mương đen ngòm chạy dọc bên đường. Những người dân chân chất thật thà, nón lá trên đầu, gót chân lấm đất ào ra đứng hai bên dòng mương. Trương cầm những bàn tay gân guốc, đen đúa mà thấy họ sao giống bà anh, mẹ anh đến quá chừng. Ai cũng bịt bọc khẩu trang kín mít vì không thể chịu đựng được mùi nước thải của công ty tinh bột sắn xả ra môi trường. Dưới mương, xác cá chết nổi lên trôi dạt. Chỉ tay ra phía xa xa, một bác nông dân bảo:
- Con mương này cung cấp nước cho cả cánh đồng. Chúng tôi không dám ra đồng vì ngộp thở. Hàng chục ha lúa bị chết. Không những vậy mùi hôi thối khiến ruồi muỗi xuất hiện dày đặc ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Rồi tất cả lại theo mương rạch ra sông.
- Các bác đã làm đơn lên cơ quan chức năng chưa ạ?
- Đơn kêu cứu gửi đi nhiều lần trong suốt mấy năm nay rồi ấy chứ. Chính quyền cũng kiến nghị nhiều lần rồi nhưng chẳng ăn thua. Chúng tôi nhờ báo chí lên tiếng để Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, may ra...
Trương đang tác nghiệp thì nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp.
- Biết tin gì chưa?
- Tin gì?
- Thanh bị bắt rồi.
- Thanh nào?
- Thì Thanh lớp mình chứ Thanh nào. Nó bị bắt quả tang khi đang cưỡng đoạt tài sản doanh nghiệp. Nghe nói Thanh lợi dụng doanh nghiệp này có sai phạm trong việc khai thác, vận chuyển khoáng sản nên tìm cách tống tiền. Tối nay có khi hình ảnh phơi đầy trên mặt báo. Chán thật!
Trên đường trở về tòa soạn, tâm trí Trương lộn xộn bao ý nghĩ về hình ảnh cậu bạn cùng lớp năm nào. Năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Thanh được coi là người thành công sớm với nghề báo. Ngay từ hồi còn là sinh viên Thanh đã cộng tác với nhiều báo. Ra trường đầu quân cho tờ báo mà mình yêu thích, Thanh dấn thân vào nghề với những loạt phóng sự nóng hổi. Bẵng đi một thời gian dài không gặp, Trương chỉ nghe về Thanh qua lời kể của bạn bè. Lần thì nghe nói Thanh mới mua nhà. Lần thấy kể bạn mới đổi xe. Lần khác lại thấy bảo bạn lên chức trưởng ban. Vài năm trôi qua thấy bạn bè chúc mừng Thanh ngồi ghế thư ký tòa soạn một tờ báo lớn. Trương mừng cho bạn, cũng lấy đó làm động lực cho mình. Thật ra cũng có lúc Trương tự hỏi bạn làm gì mà xe nọ nhà kia? Có thể là kinh doanh, đầu tư buôn bán gì chăng, chứ nghề báo đơn thuần sao giàu vậy. Nay nghe tin bạn sa cơ, anh thấy tâm trạng nặng nề. Vừa buồn vừa thương nhưng cũng thầm trách bạn nhiều. Có đáng để bạn phải đánh đổi thế không?
Cả tối nay Huế không thấy chồng mình nói lời nào. Nhốt mình trong phòng làm việc, anh rơi vào trầm tư, im lặng. Huế đọc được bài báo viết về đồng nghiệp của chồng. Đấy là người thỉnh thoảng chị vẫn lấy ra để so sánh với chồng về sự giỏi giang, kiếm nhiều tiền. Nhìn dáng Trương ngồi gục đầu trong phòng, Huế tự hỏi nếu người trên mặt báo hôm nay là chồng mình thì chị sẽ thế nào? Các con sẽ ra sao? Người thân của anh hẳn sẽ rất đau lòng. Nỗi ê chề ấy mang theo suốt cuộc đời, anh làm sao có thể ngẩng mặt lên để nuôi dạy các con? Vậy mà chị đã từng rất nhiều lần thúc ép anh chuyện kiếm tiền bằng nghề báo. Ý nghĩ ấy khiến chị thấy hổ thẹn trong lòng. Đã lâu lắm rồi chị mới thấy chỉ cần anh trở về nhà sau một ngày làm việc, quây quần vui vẻ, bảo ban các con chuyện học hành là đã thấy yên lòng.
Trương trút một tiếng thở dài, bật máy tính gỡ băng ghi âm. Giọng những người nông dân vang lên nhắc anh về bài báo cần phải hoàn thành sớm. Ở đó vẫn còn nhiều người chờ đợi bài báo được lên trang để cứu lấy con mương, dòng sông, cánh đồng lúa mênh mông và trả lại bầu không khí trong lành cho những người nông dân hít thở. Trên bàn làm việc của anh những hòn than đen đúa nằm trong lọ thủy tinh phát ra vẻ đẹp của lao động, ước mơ; của con đường kiên định mà bố anh đã từng đi xuyên qua bóng tối. Nó cũng giống như con đường nghề báo mà anh đang đi, lấp lánh thứ ánh sáng của sự thật được phát ra từ quặng chữ...
Truyện ngắn của Mai Dương
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-06-20 09:54:00
Âm vang ngày hội văn hóa gắn với phát triển du lịch thác Mây
Huyền bí thác Trai Gái
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ
Thanh Hóa chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Liên kết vùng để phát triển du lịch
Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch
Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh
Non nước Cửa Bạng
Bác Hồ sống mãi