Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường
Nếu như Lam Kinh là “kinh đô tâm linh” của các vị vua nhà Lê thì trước đó Vạn Lại là phên dậu của hương Lam Sơn, nơi tập trung nhân tài vật lực phục vụ cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi và sau này lại là “kinh thành kháng chiến” trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.
Cặp giếng Mắt Rồng còn sót lại ở kinh thành Vạn Lại - Yên Trường.
Lợi thế của Vạn Lại là cửa ngõ ra vào của Lam Kinh theo đường bộ và đường sông. Vì thế, truyền thuyết trong dân gian còn lưu lại: Trong một trận đánh với quân Minh do tướng ít quân mỏng trong khi bị giặc Minh vây hãm truy quét, Lê Lợi đã dựa vào thế hiểm của sông, suối, núi đồi sự bao bọc che chở của Nhân dân Vạn Lại và Nhân dân vùng lân cận luồn lách trước cuộc vây hãm, truy lùng của giặc Minh, bảo toàn được lực lượng rút về dãy núi Pù Rinh.
Chúa Trịnh Kiểm với góc nhìn của nhà chiến lược, ông cho rằng: Lập quốc tất phải làm căn cứ vào nơi hiểm trở, Sách Vạn Lại núi đứng sừng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là thế đẹp. Đó là do trời xếp đặt để làm cho dấy nghiệp đế vương (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Sách địa lý cuối đời Nguyễn viết: Đất Vạn Lại cao vút, đó là cảnh do thiên nhiên tạo ra. Hình sông thế núi ở đây rất đẹp, mạch núi này chạy từ Ai Lao sang. Bên trong giống hình con dơi, có đàn chim phượng đang khoe vẻ đẹp thể hiện phúc lành... (Theo Lịch sử xã Xuân Châu, NXB Thanh Hóa, 2014).
Cũng bởi hình sông dáng núi ấy mà các bậc tiền nhân lập làng đặt tên Vạn Lại có nghĩa là “muôn nhờ” cũng là khéo léo nhắn gửi thông điệp cho muôn đời con cháu sau này. Câu ca: “Dù ai đi đâu, ở đâu/ Muôn nhờ là đất Tổ tông nhớ về” vẫn được người dân Vạn Lại lưu truyền.
“Đất có linh mới sinh ra con cháu hào kiệt”. Nơi đây từ thế kỷ XV là vùng đất đông dân cư, vùng đất của các công thần, nơi tụ họp của nhiều nghĩa sĩ, anh hùng về với ngọn cờ đại nghĩa của Bình Định vương Lê Lợi. trong đó không thể không kể tới Vạn thái bá Lê Bôn; Nghị quận công Lê Hối; Dương Trung hầu Lê Hà Viên... những người đã tự nguyện đưa con em làng Vạn Lại theo Lê Lợi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh.
Cặp linh vật voi đá và ngựa đá nằm dưới cánh rừng cao su của người dân địa phương.
Cũng như Vạn Lại, Yên Trường là vùng đất cổ, ngay từ thế kỷ thứ X đã có dân cư sinh sống, tập trung nhiều ở triền sông Chu. Yên Trường nằm trong vùng đất quý hiếm “Tiền tam yên, hậu ngũ phúc”. Theo truyền thuyết khi Lê Hoàn lên ngôi vua, chuẩn bị khởi binh đánh giặc Tống; đêm hôm đó, tại chùa An Trường, nhà sư Cự Lãm được thần linh báo mộng đọc cho hai câu thơ: “An Trường địa hiểm hữu thần linh/ Bảo quốc đăng phù thoái Tống binh” (An Trường đất tốt có thần linh/ Phù hộ Đại Việt đuổi giặc Tống). Ngay sau đó nhà sư thân chinh ra kinh thành Hoa Lư tâu rõ sự tình, Lê Hoàn đã về chùa An Trường cầu đảo, quả nhiên mùa xuân năm 981 Lê Hoàn đã phá tan quân Tống.
Hai địa danh Vạn Lại - Yên Trường tuy hai nhưng cùng chung một long mạch. Nhìn về góc độ phong thủy, cho thấy: “Vạn Lại ở thế cao hơn. Đây là thế dựa, thế huyền vũ của Yên Trường còn Yên Trường ở thế thấp hơn, nhưng thoáng rộng tạo ra thế minh đường tích thủy (âm dương kết hợp) của kinh thành Vạn Lại, lấy sông Chu làm án. Những yếu tố này đã tạo cho kinh thành Vạn Lại có chính diện và chiều sâu hợp lý, đầy đủ về không gian địa hình để cấu thành một kinh thành Vạn Lại - Yên Trường liên hoàn vững chắc” (Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, Lê Quốc Ẩm, NXB Thanh Hóa, 2021).
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Đại Nam nhất thống chí” đều viết rất rõ, trong khoảng gần 50 năm, do tình hình diễn biến phức tạp của lịch sử nên việc di dời kinh đô giữa hai địa danh Vạn Lại - Yên Trường gần như luân phiên. Cụ thể, từ năm 1546 đến 1553 ở Vạn Lại; tháng 6/1553 đến tháng 4/1570 di dời về Yên Trường; Tháng 4/1570 đến 8/1577 di dời về Vạn Lại; từ tháng 9/1557 đến tháng 6/1578 di dời về Yên Trường; tháng 7/1578 đến 3/1593 ở Vạn Lại cho đến khi vua di dời ra kinh thành Thăng Long.
Phải khẳng định “Kinh thành kháng chiến” chống quân Mạc đã tồn tại ở Vạn Lại gần nửa thế kỷ, qua 4 đời vua; hào kiệt, danh sĩ tứ phương tìm về, ai ai cũng đồng lòng góp sức. Quân sĩ nhà Lê ngày càng lớn mạnh, đánh đâu được đấy. Một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Từ đây, nhiều sắc phong, lệnh chỉ được ban ra khắp nơi. Cũng chính nơi đây, ba vua nhà hậu Lê là Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông lên ngôi. Sau khi băng hà, Lê Trang Tông và Lê Trung Tông đã chọn Vạn Lại làm nơi an nghỉ.
Điều đó cho thấy, nếu Vạn Lại là nơi căn bản vững chắc, khi chiến sự xảy ra, là nơi sống còn và gắn chặt với việc trung hưng của nhà Lê thì Yên Trường giữ vị trí chiến lược quan trọng nhằm bảo vệ kinh đô Vạn Lại, đảm bảo an toàn cho hành điện, là nơi tập trung hào kiệt bốn phương tụ về với lòng ngưỡng mộ. Chẳng thế mà, dù vua đã di dời ra kinh thành Thăng Long, nhưng vài chục năm sau đó, Vạn Lại - Yên Trường vẫn giữ giá trị là căn cứ địa mỗi khi ngai vàng của vua Lê bị uy hiếp...
Trong lúc đang dồn sức tập trung toàn lực lượng phục vụ cho nhu cầu chiến tranh với nhà Mạc, thì nhà Lê rất quan tâm tới việc chọn nhân tài để phục vụ đất nước. 7 khoa thi đã được mở ở Vạn Lại - Yên Trường từ năm 1554 đến năm 1592. Các sĩ tử tìm về hành điện Vạn Lại để kiếm đường tiến thân. Chính nơi đây cùng với kinh thành Thăng Long và Huế đã trở thành ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ cho cả nước.
Những mảnh gốm được nhận định là dấu vết kinh đô kháng chiến xưa của nhà hậu Lê.
Trong 7 kỳ thi với 45 người đỗ tiến sĩ thì có hơn 30 người trở thành thượng thư, nhiều người được nhà vua cử đi sứ. Một số người sau khi đỗ tiến sĩ và làm quan, sử sách đến nay còn nhắc đến, đó là Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú, Lê Nhữ Bật, Nguyễn Văn Giai...
Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có 7 bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại. Bia tiến sĩ năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng 3 (1580) ghi: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, không thể không vun trồng cho rộng. Chế độ ta là di văn của Nhà nước, không thể không ghi chép cho tường. Nay hoàng thượng ở nơi tôn vinh, giữ quyền chế tác, sửa sang chế độ, bồi dưỡng nhân tài. Dựng đá làm bia cho người đời sau lấy làm khuôn mẫu, khắc tên họ để cho thiên hạ để ý quan chiêm. Trên là để phát huy lòng trung nghĩa của người trước, dưới là để cảm kích kẻ hào kiệt đương thời, mà trong đó vẫn ngụ ý khen thưởng khuyến miễn...” (Lịch sử xã Xuân Châu, NXB Thanh Hóa, 2004).
Đã 431 năm kể từ ngày vua Lê Thế Tông di dời ra kinh thành Thăng Long năm 1593, kinh thành Vạn Lại - Yên Trường xưa nay chỉ còn một chút dấu tích. Nơi đặt hành điện giờ cỏ gai mọc rậm rạp với đôi voi đá, ngựa đá chơ vơ nơi thềm điện xưa. Rải rác xung quanh là những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá. Dải đất bao quanh làng được gọi là lũy thành giờ cũng mờ phai hình hài vì người dân san lấp để làm đường đi lối lại. Cái gò đất cao cách hành điện 1km về phía Tây được nhà Lê xây dựng đàn tế giờ là khu vườn hoang... Theo một số nhà sử học và các tài liệu có nhắc đến việc quân Tây Sơn lần đầu tiến quân ra Bắc khi đến Thanh Hóa đã tàn phá Lam Kinh và Vạn Lại để xóa mọi dấu vết của nhà Lê. Đó cũng có thể là một lý do, chỉ biết rằng, thời gian cùng những biến thiên của lịch sử đã cuốn theo tất cả những điện miếu, lăng tẩm, hành cung. Những chứng tích khác như giếng mắt rồng, Đàn tế Nam Giao, trường thi... nay cũng bị cây cỏ bao quanh hoặc mọc lên các công trình nhà ở, trường học.
Cuối năm 2021, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội và các đơn vị có liên quan, tiến hành công tác điều tra, thăm dò, khai quật di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường tại nhiều địa điểm, với tổng diện tích là 294m2. Di vật thu được tại di tích hành cung Vạn Lại tương đối đa dạng về loại hình. Tiếp sau đó, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê”. Cũng trong hội thảo này, các nhà nghiên cứu đã đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt ngang tầm với Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn và sẽ phát triển chuỗi du lịch trải nghiệm tâm linh Thành Nhà Hồ - Lê Hoàn - Vạn Lại - Yên Trường - Lam Kinh. Gần đây nhất, tháng 7/2023, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội thảo khoa học “Các vị vua, công thần thời đầu Lê Trung hưng và Lễ hội Vạn Lại - Yên Trường”.
Kinh thành xưa nay đã không còn, nhưng voi đá sau hơn 400 năm thì vẫn nhỏ lệ như nhắc nhở hậu thế về một thời vàng son, đồng thời cũng thôi thúc chúng ta cần phải sớm giải “bài toán” về việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích.
Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường”, Lê Quốc Ẩm, NXB Thanh Hóa, 2021 và các tư liệu khác.
KIỀU HUYỀN
- 2024-10-21 10:06:00
“Trăm năm còn gió heo may” và giai điệu cuộc đời
- 2024-10-20 19:42:00
“Bản chất XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, để nông thôn thật sự trở thành những làng quê đáng sống”
- 2024-08-24 10:26:00
Chàng Mo Ậu
Trên mảnh đất huyền thoại, tâm linh
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội
Cuộn băng ký ức về thời sinh viên
Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: “Huyện Hoằng Hóa bước vào hành trình xây dựng và phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Ký ức xứ Thanh qua các ngôi làng cổ
Để tình đồng chí là động lực trong “cuộc chiến” giữa thời bình
Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Những lá thư thời chiến: Chuyện không chỉ của ngày hôm qua
Ông Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng: Nâng cao năng lực quản lý và chất lượng quy hoạch đô thị, hướng đến phát triển bền vững