(Baothanhhoa.vn) - Dù cơ thể không còn lành lặn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng những người khuyết tật (NKT) luôn khao khát được làm việc, được phát triển kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Với khát khao ấy, cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội đã có một bộ phận NKT vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng khởi nghiệp của những người yếu thế

Dù cơ thể không còn lành lặn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng những người khuyết tật (NKT) luôn khao khát được làm việc, được phát triển kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Với khát khao ấy, cùng sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội đã có một bộ phận NKT vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Khát vọng khởi nghiệp của những người yếu thếBế giảng lớp sơ cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Gặp Ngô Văn Định, thôn 2, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc) tại hội nghị biểu dương NKT tiêu biểu của tỉnh năm 2019, chúng tôi rất ấn tượng bởi những chia sẻ của chàng thanh niên có chiều cao chưa đến 1,3m. Khi mới sinh ra Ngô Văn Định đã có biểu hiện của một đứa trẻ phát triển không bình thường, đầu to còn tứ chi teo và ngắn, thường xuyên đau ốm. Thương con, bố của Định đã xin nghỉ việc lái tàu về nhà chăm sóc Định. Bố là người theo sát em từ miếng ăn đến giấc ngủ, dạy cho em học và tập luyện bằng một số phương pháp bấm huyệt theo đông y. Cũng như bạn bè cùng trang lứa khác đến tuổi Định cũng được đến trường. Với nghị lực của một chàng trai có “trái tim nóng”, tuy đau yếu liên tục nhưng suốt 12 năm học Định đều đạt học lực khá, giỏi và em đã thi đậu vào 2 trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam... Tốt nghiệp Học viện Y dược cổ truyền, trở về quê, giờ đây Định là người thầy thuốc có uy tín, anh mở phòng khám tại nhà chữa trị cho bà con xóm làng. Nhiều người có bệnh nặng đã được Định chữa khỏi bằng phương pháp đông y như đau đầu, đau lưng... Tiếng lành đồn xa, Định không những chữa trị cho bà con trong xóm mà còn chữa trị cho các vùng lân cận. Bằng nỗ lực, ý chí mạnh mẽ, Ngô Văn Định đã vượt lên số phận để thực hiện ước mơ, hoài bão và truyền cảm hứng, nghị lực cho những NKT, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống.

Sở hữu 2 tấm bằng đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, tự thành lập doanh nghiệp và là chủ nhiệm của một câu lạc bộ thiện nguyện, nghe những lời chia sẻ của Nguyễn Thị Thu Hiền, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) ít ai nghĩ rằng chị là một NKT, từng bị từ chối cho nhập học lớp 1 do những trở ngại về thể chất. Có lẽ bởi vì chính bản thân chị chưa bao giờ nghĩ mình là NKT, kém may mắn trong cuộc sống. “Mình không thích sự thương hại, mình thích được ghi nhận và công nhận”, Thu Hiền tự hào khẳng định.

Nuôi dưỡng “khao khát làm giàu chính đáng” kể từ khi còn bé, bỏ qua bao lời can ngăn, khuyên bảo của gia đình, họ hàng và bạn bè, chị Hiền quyết định từ bỏ việc làm công ăn lương để tự xây dựng sự nghiệp riêng. Dành dụm số tiền ít ỏi, cô gái chỉ cao có 88cm đặt những bước chân đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ, bắt đầu với một công ty sản xuất ghế đá, sau đó là câu lạc bộ bi-da, công ty vận tải và kho bãi. “Mình chỉ có một tư duy là phải khởi nghiệp, khởi nghiệp mới khiến mình được sống là chính mình, mới tự chịu trách nhiệm một cách cao nhất cho điều mình làm”, chị Hiền chia sẻ. Không chỉ tự kinh doanh, Thu Hiền còn tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện để chia sẻ cơ hội và truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ.

Vốn là một đứa trẻ thông minh khỏe mạnh, nhưng không may bệnh tật đã khiến cậu bé không thể tự đi lại trên đôi chân của mình. Nhưng với nghị lực phi thường, niềm đam mê học tập da diết, đứa trẻ tàn tật hôm nào đã tạo nên những điều kỳ diệu, được xem là một “thần đồng toán học” và là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Đứa trẻ ấy nay đã là người thầy ngồi xe lăn lên bục giảng - thầy Lê Hữu Tuấn (sinh năm 1983), xã Đông Thịnh (Đông Sơn). Được biết kết thúc ba năm học THPT, Tuấn dự thi vào lớp học tài năng Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Hồng Đức và là thủ khoa của kỳ thi. Ra trường, nhiều cơ quan, trường lớp mời Tuấn về làm việc và giảng dạy, nhưng Tuấn đã từ chối. Bởi trong thời gian đó, nhiều em học sinh đến nhờ Tuấn dạy ôn thi đại học và rồi ý tưởng lóe lên trong anh. “Khi đó, tôi tự nhủ rằng mình có thể làm thầy giáo theo đúng mong ước và ngay tại nhà”, thầy Tuấn chia sẻ... Bao năm qua, hình ảnh người thầy với chiếc xe lăn lên lớp đã nức tiếng gần xa. Không chỉ nổi tiếng nhờ nghị lực phi thường của người thầy mà lớp học của Tuấn còn được biết tới về số lượng học sinh đến lớp (từ khắp các xã, huyện, vùng lân cận thậm chí cả tỉnh khác), nhất là số lượng các học sinh thầy dạy thi đỗ vào đại học, tính ra con số đã lên tới hơn 900 học sinh.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 217.000 NKT. Để trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với NKT. Nổi bật là các phong trào nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu NKT; xây dựng quỹ bảo trợ, quỹ xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ làm nhà, tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não; phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; chương trình khuyến học, khuyến tài... Đặc biệt là từ khi có Pháp lệnh về người tàn tật thì mục tiêu giáo dục và tạo việc làm cho NKT được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của toàn xã hội.

Song song với chương trình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm là dự án hỗ trợ sinh kế giảm nghèo cho NKT với các hoạt động như: Trao bò vàng sinh kế, lợn giống sinh sản, xây công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT... Nhờ đó, NKT được gặp gỡ, giao lưu, học tập cùng những người đồng cảnh ngộ giúp họ phấn khởi, vơi đi tư tưởng nặng nề về bệnh tật, tâm lý mặc cảm, tự ti, có thêm động lực chủ động vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Sau hơn 6 năm triển khai dự án, đã có trên 1.000 hộ được hỗ trợ về phương tiện, học bổng; hỗ trợ xây dựng công trình; hỗ trợ khác. Đến nay đã có 92% hộ gia đình là NKT tham gia mô hình sinh kế đã thoát nghèo. Qua triển khai mô hình, tất cả hộ tham gia đều nắm bắt được đầy đủ các quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Đặc biệt, để NKT có thêm kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2019, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức khóa đào tạo khởi nghiệp cho gần 100 NKT. Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã truyền đạt những kinh nghiệm, định hướng và trang bị những kiến thức, kỹ năng giúp NKT khởi nghiệp bằng những mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tạo việc làm và thu nhập cho mình và cho gia đình. Ngoài ra, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho hơn 70 học viên là NKT nhằm truyền đạt những kiến thức cơ bản và những kỹ năng, kinh nghiệm trong khởi nghiệp, quản lý doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể và toàn xã hội đã giúp cho một bộ phận không nhỏ NKT vượt khó vươn lên làm kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bản thân và giải quyết việc làm cho những người đồng cảnh.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]