Iran hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị dưới thời tân Tổng thống Pezeshkian
Ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Iran. Theo giới chuyên gia, chiến thắng này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển đổi chính trị trong tương lai ở Iran.
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran dự kiến diễn ra vào năm 2025 nhưng đã được tổ chức sớm hơn một năm, sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng hôm 19/5. Iran đã phải tổ chức bầu cử vòng 2 vào ngày 5/7 do không có ứng viên nào trong vòng 1 giành được ít nhất 50% số phiếu.
Cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra giữa hai ứng viên dẫn đầu trong vòng 1 là nhà lập pháp theo đường lối cải cách Massoud Pezeshkian (69 tuổi) và cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili (58 tuổi). Theo Cơ quan bầu cử Iran, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vòng 2 đạt 49,8%. Số liệu chính thức được ghi nhận, ông Pezeshkian đã giành được 53,7% số phiếu bầu, tương đương 16,3 triệu phiếu. Đối thủ Saeed Jalili nhận được 44,3%, tương đương 13,5 triệu phiếu.
Tổng thống đắc cử Pezeshkian từng là một bác sĩ phẫu thuật tim, được bầu vào Quốc hội Iran từ năm 2008. Ông cũng từng giữ chức vụ Bộ trưởng Y tế nước này dưới thời cựu Tổng thống Mohammad Khatami, cũng như nhiều vị trí quan trọng khác.
Ở Iran, có sự phân chia có điều kiện giữa ba phong trào chính trị: những người theo trào lưu chính thống, ủng hộ việc quay trở lại hệ tư tưởng của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979; những người bảo thủ, có ý tưởng tương tự như những người theo trào lưu chính thống, nhưng linh hoạt hơn; những nhà cải cách kiên quyết chuyển đổi hệ thống quản lý (đặc biệt, để các công việc nhà nước không phải do nhà lãnh đạo tối cao lãnh đạo mà bởi các thể chế cộng hòa). Ông Pezeshkian trở thành ứng cử viên duy nhất trong số những người cải cách. Trong khi chương trình của các ứng cử viên khác phù hợp với chính sách của tổng thống tiền nhiệm, Ebrahim Raisi (người đã chết trong một vụ tai nạn trực thăng vào tháng 5 năm 2024), thì ông Pezeshkian thường xuyên chỉ trích chính quyền đương nhiệm, ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Mỹ và quyền tự do của phụ nữ.
Theo Associated Press đánh giá, quan điểm của tân Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh tính hai mặt của các nhà cải cách trong chế độ thần quyền Shiite của Iran; một mặt, tìm kiếm sự thay đổi, thúc đẩy các chương trình cải cách, song mặt khác, không bao giờ thách thức triệt để hệ thống do Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei kiểm soát.
Còn theo các nhà phân tích tại International Crisis Group, tân Tổng thống Pezeshkian đắc cử trong bối cảnh đất nước Iran đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nước. “Sự bất mãn trong xã hội, vốn đã nhiều lần dẫn đến các cuộc biểu tình, và nền kinh tế yếu kém là những vấn đề nội bộ quan trọng. Trong chính sách đối ngoại, căng thẳng với Israel và Mỹ, cũng như tương lai của chương trình hạt nhân Iran, được đặt lên hàng đầu”, các chuyên gia International Crisis Group lưu ý.
Năm 2023, lạm phát ở Iran lên tới 40% (năm 2016, một năm sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết và một số lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, ở mức 7,2%), và sức mua của người dân giảm sút. “Giá các mặt hàng cơ bản như sản phẩm sữa, gạo và thịt đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Giá trợ giá của bánh mì pita, sản phẩm phổ biến nhất trong các hộ gia đình Iran, đã tăng ít nhất 230% trong 3 năm qua, còn thịt đỏ đã trở nên quá đắt đối với nhiều người, với giá tăng 440% lên 10 USD một kg”, theo Reuters.
Bản thân ông Pezeshkian cũng thừa nhận những khó khăn, thách thức sẽ phải đối mặt. Phát biểu tại cuộc tranh luận thứ hai vào ngày 21/6, ông Pezeshkian nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi nhiều người ăn xin trên đường phố” và hứa rằng chính quyền của ông sẽ “ngay lập tức” bắt đầu hành động để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đưa nền kinh tế hoạt động trở lại. Theo ông Pezeshkian, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể được xử lý bằng cách giải quyết những khác biệt giữa các đảng phái chính trị trong nước cũng như các nhân tố bên ngoài.
Tại Iran, lãnh tụ tối cao đóng vai trò là người cuối cùng ra quyết định về các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước, từ đó làm giảm bớt quyền lực của tổng thống. Từ đặc điểm này của hệ thống chính trị Iran, Nikita Smagin, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định, câu hỏi ai sẽ trở thành tổng thống mới trong tình huống này ở Iran không phải là vấn đề cơ bản. Tân Tổng thống Pezeshkian trông không giống một chính trị gia có thể thay đổi luật chơi, và do đó ông Pezeshkian sẽ không gây ra những bất đồng, mâu thuẫn nghiêm trọng với lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Theo chuyên gia Nikita Smagin, việc ông Pezeshkian giành chiến thắng trước đối thủ Saeed Jalili, vốn là một đồng minh trung thành của lãnh tụ tối cao theo đường lối cứng rắn, cho thấy người dân Iran mong muốn vào một quá trình chuyển đổi chính trị để có thể giải quyết các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt, nhất là khi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã bước sang tuổi 86.
Tờ RBC của Nga dẫn nhận định của chuyên gia Nikita Smagin đánh giá, sự khác biệt cơ bản giữa tân Tổng thống Pezeshkian và đối thủ Jalili là ông Pezeshkian thiên về đối thoại với phương Tây. Do đó, không loại trừ khả năng chính quyền mới ở Iran sẽ cố gắng thiết lập các cuộc đối thoại, bắt đầu gặp gỡ các đại diện của phương Tây trong thời gian tới. Về quan hệ hợp tác Iran-Nga sẽ không có thay đổi nhiều dưới thời tân Tổng thống Pezeshkian. “Các bên hiểu rằng họ cần nhau, và xu hướng xích lại gần nhau này khó có thể bị thay đổi trong thời gian tới. Câu chuyện tương tự với chương trình hạt nhân của Iran - không nên mong đợi những thay đổi nào đột phá khi các cuộc đàm phán giữa Iran và phương Tây đang rơi vào bế tắc. Chiến thuật của Tehran là phát triển chương trình hạt nhân của mình đến mức tạo ra bom hạt nhân càng nhanh càng tốt, vừa để nắn gân các đối thủ trong khu vực, vừa tạo tấm lá chắn trước sức ép của phương Tây. Đường lối hành xử ở đây không phải do tổng thống quyết định mà do nhà lãnh đạo tinh thần và ê-kíp của ông ấy quyết định”, chuyên gia Nikita Smagin kết luận.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-26 08:05:00
So sánh kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và Hoa Kỳ
-
2024-12-24 08:35:00
Sẽ lại có những kỷ lục mới về mức chi tiêu quốc phòng của NATO?
-
2024-07-06 08:53:00
Các nước châu Âu chỉ trích gay gắt chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary
Định hướng chính sách đối nội, đối ngoại của Nội các mới ở Anh
Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah
Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024: Cơ hội để Nga thúc đẩy không gian Đại Á - Âu
Chuyển động quân sự đáng chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Rạn nứt lớn trong chính trường Pháp sau kết quả vòng bầu cử sớm
Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm hy vọng giữa thách thức
Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga