Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào mảng phụ liệu ngành dệt may Việt Nam đã tăng trở lại, sau một thời gian các nhà đầu tư hầu như chỉ dồn vốn vào ngành vải sợi và may mặc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đón “khách quý”

Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào mảng phụ liệu ngành dệt may Việt Nam đã tăng trở lại, sau một thời gian các nhà đầu tư hầu như chỉ dồn vốn vào ngành vải sợi và may mặc.

Ngành dệt may đón dự án sản xuất chỉ

Dự án Nhà máy sản xuất chỉ may thêu phục vụ ngành dệt may và da giày của Tập đoàn Amann (Đức) vừa được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Quảng Nam), trong đó, giai đoạn I có quy mô công suất 1.000 tấn chỉ/năm. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn I là 13,8 triệu USD.

Theo kế hoạch, Nhà máy bắt đầu sản xuất vào tháng 6/2019, với 250 công nhân. Công ty sẽ nâng cao kỹ năng chuyên môn của công nhân trong các lĩnh vực nhuộm, hóa học dệt may, cơ khí… thông qua nhiều chương trình đào tạo hướng đến chuyển giao công nghệ nhanh nhất cho lao động Việt Nam.

Thành lập năm 1854 tại Đức, Tập đoàn Amann là một trong 3 tập đoàn hàng đầu về sản xuất, phân phối sản phẩm chỉ may thêu trên toàn cầu, phục vụ công nghiệp hỗ trợ trong các ngành như tự động hóa, sản phẩm ngoài trời, trang phục thể thao, may mặc, túi xách, giày dép…

Với nhà máy đặt tại Việt Nam, Tập đoàn Amann chủ trương sản xuất chỉ may chất lượng cao theo tiêu chuẩn châu Âu, chuẩn chung của tất cả các cơ sở sản xuất của Amann trên toàn cầu. Đây là cách Amann đảm bảo rằng, khách hàng nhận được chất lượng sản phẩm đồng nhất ở bất cứ đâu trên thế giới.

Thời gian gần đây, các khu công nghiệp tại Quảng Nam khá “có duyên” với các nhà đầu tư nguyên phụ liệu dệt may, đặc biệt là các dự án sản xuất chỉ.

Trước Amann, một nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Sản xuất sợi chỉ Rio Quảng Nam, thuộc Công ty Rio Industries Co., Ltd (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy sản xuất chỉ và nhà máy đang hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, hiệu quả, cung cấp nguồn nguyên liệu chỉ lớn cho các doanh nghiệp trong ngành và dành một phần để xuất khẩu.

Rio có vốn đầu tư 12 triệu USD, nằm trong Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm, chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ nilon và các loại chỉ may công nghiệp khác...

Cũng nằm trong nhóm các dự án phụ liệu, đầu năm 2018, một dự án sản xuất nguyên phụ liệu khác của nhà đầu tư Nhật Bản cũng được cấp phép đầu tư vào Hà Nam. Đó là Dự án Nhà máy YKK Hà Nam, chuyên sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, nguyên phụ liệu dùng cho ngành may, với quy mô sản xuất 420 triệu sản phẩm/năm. Dự án này có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, tại Khu công nghiệp Đồng Văn III (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Là nhà sản xuất dây kéo khóa, có thị phần lớn trên thế giới, YKK chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 1998, chuyên sản xuất khóa kéo cho quần áo, giày dép, va li, khóa nhựa cho mũ bảo hiểm và một số sản phẩm phụ trợ khác. Nhà sản xuất này đã chọn Việt Nam là địa chỉ đặt nhà máy mới để gia tăng sản lượng cung ứng ra thị trường toàn cầu.

Bổ sung nguồn cung thiếu hụt

Sau nhiều năm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành dệt may đã có thêm nguồn cung phụ liệu, như chỉ may, bông tấm, cúc nhựa, mex, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì... được bổ sung từ các dự án đầu tư trong và ngoài nước, giúp giảm nhập khẩu và tăng giá trị xuất khẩu cho ngành dệt may. Nhờ vậy, trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may (không tính bông, xơ sợi, vải) chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2017, với kim ngạch 1,975 tỷ USD.

Sau nhiều năm phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành dệt may đã có thêm nguồn cung phụ liệu, như chỉ may, cúc, khóa kéo...

Giai đoạn I của Nhà máy sản xuất chỉ thuộc Công ty TNHH Sản xuất sợi chỉ Rio Quảng Nam đã có sản phẩm ra thị trường từ năm 2016, trong đó, đầu ra là cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Ông Young S.Kwon, Tổng giám đốc Công ty TNHH Rio Quảng Nam cho biết, Nhà máy chỉ Rio cung ứng sợi chỉ polyester, sợi chỉ nylon và các loại sợi chỉ, chỉ may công nghiệp khác đạt chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, những đơn hàng đầu tiên ngay sau khi Nhà máy đi vào hoạt động đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, đồng thời cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp trong nước.

Các dự án FDI đầu tư vào sản xuất chỉ may đã góp phần tạo ra con số xuất khẩu 1,208 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may trong năm 2017 và dự kiến tăng mạnh trong năm 2019, khi Dự án sản xuất chỉ của Tập đoàn Anman và Dự án Nhà máy sản xuất khóa kéo YKK Hà Nam đi vào hoạt động.

Với các dự án sản xuất phụ liệu, chuỗi sản xuất hàng may mặc sẽ dần được hoàn thiện, chí ít với mảng phụ trợ phục vụ ngành may xuất khẩu. Nguồn cung tại chỗ gia tăng sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khuy, cúc, mex, khóa kéo… với số lượng lớn, chủ yếu từ Trung Quốc.

Đây đều là những mặt hàng thuộc danh mục diện ưu tiên đầu tư theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025, bao gồm: chỉ may trong ngành dệt may; hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải; phụ liệu ngành may: cúc, mex, khóa kéo, băng chun...

Theo Baodautu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]