Hoằng Hóa chủ động phương án bảo đảm an toàn cho tàu thuyền
Đã cuối tháng 10 âm lịch, song biển Đông vẫn xuất hiện những cơn bão khó lường. Theo các bản tin của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay đến muộn, công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu cá không thể lơ là. Huyện Hoằng Hóa vẫn đang triển khai các phương án và giải pháp đề phòng tình huống xấu nhất.
Tàu thuyền ngư dân Hoằng Hóa được hướng dẫn tránh trú tại vụng sông Lạch Trường sâu vào đất liền trong cơn bão số 3 - tháng 9/2024.
Ngay từ đầu tháng 5/2024, khi mùa mưa bão sắp bắt đầu, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Phương án số 07 để xây dựng các giải pháp và triển khai hàng loạt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền năm 2024. Trên cơ sở hạ tầng bến đậu và nơi tránh trú thực tế, huyện xây dựng và tuyên truyền rộng rãi đến chính quyền và ngư dân các xã phương án tránh trú.
Với các bè mảng và phương tiện tàu cá dưới 12m đang hoạt động tại vùng biển Thanh Hóa, khi biết thông tin có bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông và có nguy cơ ảnh hưởng, gây mất an toàn, huyện có phương án đưa phương tiện về neo đậu, tránh trú ở cảng cá, bến cá gần nhất hoặc kéo tàu cá lên bờ nơi sóng biển không có khả năng ập tới. Ngư dân Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ thực hiện phương án đưa phương tiện vào tránh trú ở vùng nội đê các xã có đê biển, đê cửa biển. UBND các xã và lực lượng bộ đội biên phòng đóng tại địa phương được giao phối hợp, tổ chức bố trí cho phương tiện vào khu neo đậu, tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn.
Đối với tàu cá từ 12m trở lên, ngư dân các xã Hoằng Trường và Hoằng Thanh được yêu cầu di chuyển đến neo đậu vào khu tránh trú bão xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc hoặc di chuyển lên sông Lạch Trường thuộc địa phận xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt - nơi ít chịu tác động của sóng và gió lớn. Ngư dân các xã Hoằng Phụ và Hoằng Châu được yêu cầu di chuyển tàu cá vào bến cá Hoằng Phụ hoặc neo đậu vào khu tránh trú bão phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Nếu bão gió vừa, có thể di chuyển vào khu neo đậu tự nhiên ít chịu ảnh hưởng của sóng biển, gió lớn.
Trong các cơn bão đi vào biển Đông những tháng vừa qua, huyện kêu gọi các chủ phương tiện nhanh chóng đi vào các khu tránh trú của các tỉnh, thành bạn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... để bảo đảm an toàn. Với các tàu thuyền tỉnh bạn đi vào các khu neo đậu của huyện, các xã cũng được huyện chỉ đạo hỗ trợ phân luồng, tạo điều kiện bố trí, sắp xếp nơi tránh trú an toàn.
Để thuận tiện cho việc giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền khi có tình huống thiên tai, các xã trên địa bàn đã lập danh sách các chủ tàu cùng số điện thoại, tần số của các phương tiện liên lạc trên tàu. Trong mỗi cơn bão, hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã liên tục thông tin để người nhà các chủ tàu thuyền nắm bắt, thông tin và nhắc nhở lao động trên biển đề cao cảnh giác, chủ động vào nơi tránh trú phù hợp, không khai thác cố khi có tình huống biển động.
Huyện còn thông báo rộng rãi và niêm yết các tần số của hệ thống đài thông tin duyên hải, các đài trực canh của Thanh Hóa để các ngư dân sẵn sàng liên lạc, yêu cầu ứng cứu khi gặp nạn hoặc tình huống khẩn cấp. Trong đó, Đài canh Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa: Ban ngày có tần số: 9030 KHZ, ban tối có tần số: 6820 KHZ. Máy trực canh Chi cục Thủy sản, tần số trực canh 8500 MHz, 7903 MHz, 7906 MHz. Thời gian phát sóng của các đơn vị thông tin cũng được phổ biến rộng rãi, như: Đài canh Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phát sóng ngày thường 15 phút đầu các giờ: 1 giờ, 5 giờ, 9 giờ, 13 giờ, 17 giờ, 21 giờ. Đài canh Đồn Biên phòng Hoằng Trường phát sóng ngày thường 15 phút đầu các giờ: 2 giờ, 6 giờ, 10 giờ, 14 giờ, 18 giờ, 22 giờ. Đài canh Biên phòng 126 Lạch Bạng - Nghi Sơn phát sóng ngày thường 15 phút đầu các giờ: 3 giờ, 7 giờ, 11 giờ, 15 giờ, 19 giờ, 23 giờ. Đài canh Đồn Biên phòng 112 Sầm Sơn phát sóng ngày thường 15 phút đầu các giờ: 4 giờ, 8 giờ, 12 giờ, 16 giờ, 20 giờ, 24 giờ. Máy trực canh của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa phát sóng lúc 3 giờ 30 phút, 11 giờ 30 phút, 14 giờ 30 phút, 17 giờ 30 phút, 23 giờ 30 phút hằng ngày. Từ đó, các thuyền viên, chủ tàu khai thác trên biển có thể chọn thời điểm chính xác để nghe tin tức và kêu gọi tránh trú bão của các lực lượng liên quan qua các thiết bị liên lạc.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, toàn huyện có 931 phương tiện tàu thuyền với 3.094 lao động thường xuyên tham gia khai thác trên biển. Trong đó, 117 tàu lớn từ 15 đến dưới 24m và 9 tàu dài trên 24m chuyên khai thác khơi xa; 805 phương tiện còn lại thường xuyên khai thác vùng lộng và vùng ven bờ. Địa phương có nhiều tàu thuyền nhất là xã Hoằng Trường với 518 phương tiện, tiếp đến là các xã Hoằng Thanh 268 phương tiện, Hoằng Phụ 85 phương tiện... Hoằng Hóa có 12,5km bờ biển, 5 xã tiếp giáp bờ biển, nhiều hộ dân nơi đây lấy nghề khai thác hải sản làm hướng mưu sinh chính. Việc bảo đảm cho người và tàu cá trong mùa mưa bão được huyện coi là nhiệm vụ quan trọng hàng năm.
Đến giữa tháng 11/2024, tuy đã dần về cuối mùa mưa bão, nhưng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn sát sao thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan để theo dõi tình hình hoạt động tàu cá trên biển. Đồng thời, duy trì tổ chức trực ban khi có thông tin gió mùa, áp thấp nhiệt đới và bão trên biển. Các đơn vị liên quan của huyện vẫn tổ chức tuyên truyền để ngư dân không chủ quan, luôn sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn nhất.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2024-11-25 16:25:00
Manulife tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho hơn 2.000 người tại Thanh Hóa và Hải Phòng
-
2024-11-25 16:18:00
Vietnam Airlines tăng thêm hơn 650.000 chỗ bay dịp Tết Ất Tỵ 2025
-
2024-11-25 15:35:00
Lang Chánh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống thiên tai
Minh bạch thực thi chính sách hình sự nhân đạo ở Trại giam Thanh Phong
Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng (Bài 2): Luật mới, quy định mới theo hướng thuận lợi cho người hiến đất
Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học vì mưa lớn
Quốc hội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do COVID-19 với Vietnam Airlines
Chàng trai 9X biến đất hoang thành “mỏ vàng”
Hiến đất làm đường giao thông và các công trình công cộng (Bài 1): Những trăn trở từ thực tiễn
Người dân bản Na Tao thấp thỏm lo bờ suối Poong sạt lở