Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm lĩnh phần lớn trên kệ hàng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, chủ yếu đến từ các thương hiệu Việt như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan...
Các loại bánh, kẹo, mứt Tết tại siêu thị BRGMart sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp trước trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ, hệ thống siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trong năm; đảm bảo hàng hóa phong phú, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường.
Với chủ đề “Rồng rắn lên mây, Tết đầy ưu đãi 2025,” siêu thị BRGMart tưng bừng triển khai chương trình bán hàng phục vụ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 diễn ra từ ngày 2/1-28/1/2025 với hàng ngàn ưu đãi lên tới 50%.
BRGMart cung cấp đầy đủ những thực phẩm Tết, gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, bánh chưng, giò chả, rau củ, trái cây tươi ...; nông đặc sản Tết từ các vùng miền (măng, miến, mộc nhĩ, gia vị, ...), bánh mứt kẹo, hạt, rượu bia, nước giải khát..., sản xuất tại Việt Nam và các mặt hàng nhập khẩu bánh kẹo trái cây.
Khách lựa chọn hàng hóa tại siêu thị BRGMart Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc vùng miền Bắc chuỗi siêu thị Tops Market (Central Retail), thông tin trong cơ cấu hàng hóa của hệ thống siêu thị có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Tops Market còn giới thiệu tới người tiêu dùng nhiều món ăn đặc trưng của Tết Việt Nam như bánh chưng, bánh pía, lạp xưởng, giò lụa...
Từ đầu tháng 12, các siêu thị bắt đầu triển khai chương trình “Đặc Sản Việt cho Tết Việt” với loạt đặc sản từng vùng miền như thịt trâu gác bếp, thịt heo sấy gác bếp, khô bò, khô trâu, măng khô Tây Bắc, các loại gạo đặc sản, mực, ghẹ rim, cá chỉ vàng; kẹo dừa, bánh phồng tôm...
Tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Kim Dung-Giám đốc siêu thị này chia sẻ, dự kiến doanh số Tết Ất Tỵ 2025 tại hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc sẽ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ. Để phục vụ người tiêu dùng Tết, hệ thống Co.op Mart chọn chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” với những chuỗi hoạt động đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo đó tại 800 điểm bán của hệ thống Saigon Co.op bao gồm Co.op Mart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, Cheers, Sense City, Sense market sẽ đưa khách hàng trải nghiệm không gian Tết truyền thống, các gian hàng sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Đặc biệt năm nay, Co.op Mart đưa thị trường giỏ quà Tết là hàng Việt Nam Nam chất lượng cao.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op (Đơn vị quản lý khai thác hệ thống siêu thị Co.op Mart) Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ: "Để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc dự trữ khoảng 12.000 tấn hàng hóa, tăng từ 30-50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên siêu thị tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu, mức giá bán ra luôn ổn định."
Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng chiếm ưu thế trong cơ cấu hàng hóa. Những ngày này, trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo như phố Hàng Giầy, Hàng Buồm, chợ Hôm Đức Viên, Hàng Bè... điều dễ nhận thấy hầu hết sản phẩm bầy bán được cung cấp từ doanh nghiệp nội.
Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng bánh kẹo Việt Nam chiếm ưu thế trước hàng nhập khẩu, anh Nguyễn Hoàng Long, chủ cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Giầy (Hà Nội) cho biết, sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại, bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng 50-60% hàng ngoại.
Theo đánh giá của bà Vũ Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, chiếm lòng tin người tiêu dùng, thời gian qua doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, bao bì... quan trọng hơn cả là giá bán rẻ hơn hàng ngoại nhập.
Hàng Việt ngày càng có lợi thế nhờ đáp ứng được cả ba yếu tố: giá cả cạnh tranh, chất lượng cải thiện và mẫu mã phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc ưu tiên hàng Việt không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết, thành phố đã ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.
Thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo nguồn cung tại chỗ và kết nối, khai thác nguồn cung hàng hóa nông lâm thủy sản từ 1.327 chuỗi của các tỉnh, thành phố theo Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025.”
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cho biết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dữ trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo...
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên việc mua sắm Tết Ất Tỵ 2025 của người Việt sẽ thay đổi theo hướng tiết kiệm, đơn giản. Vì vậy doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, đồng thời tổ chức các chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-10 14:59:00
Hoằng Hóa: Xác định đột phá về phát triển công nghiệp, đô thị và du lịch
-
2025-01-10 14:50:00
Cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động
-
2025-01-10 07:27:00
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
Bản tin Tài chính 10/1: Giá vàng tiếp tục tăng dữ dội
Năm 2025, lĩnh vực công thương tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế
Năm 2024, các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp nộp ngân sách 31.100 tỷ đồng
Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt tốc độ cao
Năm 2024, ngành nông nghiệp giải quyết trước hạn, đúng hạn 18.443 hồ sơ
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, xăng RON95-III vượt 21.000 đồng/lít
Vietnam Airlines thuê thêm 3 máy bay Airbus A320 để phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024
Bản tin Tài chính 9/1: Giá vàng đồng loạt tăng