(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển vượt bậc, khi sản lượng khai thác năm sau đều cao hơn năm trước, số lượng tàu khai thác công suất lớn ngày càng nhiều... Để đáp ứng tốt điều kiện an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, ngư dân luôn ý thức tu sửa, nâng cấp, cải hoán tàu cá.

Gỡ khó trong cải hoán tàu cá cho ngư dân

Những năm qua, hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển vượt bậc, khi sản lượng khai thác năm sau đều cao hơn năm trước, số lượng tàu khai thác công suất lớn ngày càng nhiều... Để đáp ứng tốt điều kiện an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, ngư dân luôn ý thức tu sửa, nâng cấp, cải hoán tàu cá.

Gỡ khó trong cải hoán tàu cá cho ngư dânTàu, thuyền neo đậu tại Cảng Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Tuy nhiên, việc cải hoán tàu cá theo đúng quy định của Luật Thủy sản 2017 còn là thách thức đối với ngư dân, đòi hỏi ngành nông nghiệp, các địa phương cùng chung tay gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế bền vững.

Với chiều dài đường bờ biển 102 km, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện để phát triển ngành khai thác thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.877 tàu cá. Trong đó, tàu khai thác xa bờ có chiều dài 15m trở lên là 1.109 chiếc. Phần lớn các tàu có thiết kế vỏ gỗ, làm từ xi măng, lại hoạt động thường xuyên, quanh năm. Vấn đề tu bổ, sửa chữa là điều cần thiết, nhằm đảm bảo vươn khơi, bám biển được dài ngày hơn để nâng cao sản lượng khai thác. Thực tế cho thấy, tại các vùng biển vẫn còn tình trạng tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, thiếu giấy tờ vẫn hoạt động; người dân tự ý cải tạo, nâng cấp tàu cá không báo cáo, không có xác minh của đơn vị có thẩm quyền...

Xuất phát từ thực tế đó, đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc cải hoán, đóng mới tàu cá như: Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm đảm bảo tàu cá thực hiện đúng quy định an toàn về cải hoán, đóng mới. Sau thời gian được Chi cục Thủy sản, lực lượng chức năng, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, nhận thức của ngư dân về việc chấp hành tốt các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá được nâng lên. Ông Nguyễn Văn Tha, ngư dân xã Quảng Thạch (Quảng Xương), cho biết: "Hoạt động khai thác hải sản trên biển luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nguy hiểm. Để hạn chế những rủi ro trên, gia đình tôi thường xuyên kiểm tra duy tu bảo dưỡng tàu. Hiện nay, gia đình đã có văn bản xin cải hoán tàu cá mang số hiệu TH-92779-TS chiều dài 16,5m, công suất 88,24 KW để đáp ứng nhu cầu khai thác vùng khơi. Nhờ bảo đảm các thủ tục, quy trình theo quy định nên đề xuất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, chấp thuận cải hoán; khi tiến hành cải hoán, hạ thủy cũng cần sự đánh giá, kiểm định của cơ quan chức năng.

Được biết, để có đủ điều kiện cải hoán tàu cá, bên cạnh việc đủ chiều dài, công suất, ngư dân phải liên hệ với đơn vị chuyên thiết kế, cải hoán tàu cá. Sau khi có hồ sơ thiết kế được cơ sở đăng kiểm phê duyệt theo quy định, ngư dân phải gửi đơn yêu cầu sửa chữa, cải hoán đến Chi cục Thủy sản qua Trung tâm Hành chính công tỉnh. Qua quy trình xét duyệt của đơn vị có thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phê duyệt chấp thuận yêu cầu cải hoán tàu cá để chủ tàu thực hiện cải hoán. Trường hợp ngư dân tự ý cải hoán tàu cá, không có chấp thuận của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Để đảm bảo các tàu cá được cải hoán, đóng mới một cách an toàn, đảm bảo về chất lượng, tại Điều 63 Luật Thủy sản 2017 cũng quy định rõ các điều kiện đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Cùng với đó, năm 2019 UBND tỉnh cũng có Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tiêu chí đặc thù đối với đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển; quy định về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trong nội địa; quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá; phân công, phân cấp quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý khai thác nghề cá, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Việc cải hoán tàu cá đang gây nhiều khó khăn cho ngư dân, như: Bảo đảm các quy định của Luật Thủy sản, số lượng tàu có nhu cầu cải hoán, thuộc diện phải cải hoán lớn nhưng toàn tỉnh chỉ có 10 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá và 2 cơ sở được UBND tỉnh công bố đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép; kinh phí để cải hoán tàu cá lớn... Do đó, Chi cục Thủy sản tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện cải hoán theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất, ưu tiên đóng mới, cải hoán tàu cá tham gia khai thác xa bờ. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 179 văn bản chấp thuận cải hoán tàu cá, góp phần phát triển thủy sản bền vững và bảo đảm quy định về chống khai thác thủy sản IUU.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]