(Baothanhhoa.vn) - Với chức năng thực hiện việc chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng... những năm qua các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện cho hàng nghìn đối tượng, giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần hạn chế tệ nạn nghiện ma túy, ổn định tình hình an ninh - trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Với chức năng thực hiện việc chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy; phòng, chống tái nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu; chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng... những năm qua các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện cho hàng nghìn đối tượng, giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần hạn chế tệ nạn nghiện ma túy, ổn định tình hình an ninh - trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Giúp người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồngHọc viên cai nghiện ma túy học nghề, lao động trị liệu tại Cở sở cai nghiện số 1.

Xác định người nghiện ma túy là người bệnh, cơ sở cai nghiện là nơi chữa bệnh, điều trị nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 luôn nỗ lực trong điều trị, quản lý, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề; tổ chức lao động trị liệu cho người nghiện, giúp họ có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Bác sĩ Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 1, cho biết: Nhiều đối tượng được tiếp nhận cai nghiện, điều trị tại cơ sở mất hành vi làm chủ, rối loạn tâm thần do dùng ma túy trong thời gian dài. Do đó chúng tôi phải phân loại để điều trị cắt cơn giải độc. Khi họ ổn định sức khỏe sẽ thực hiện sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, bệnh lý và chuyển về các phòng điều trị cai nghiện, chăm sóc y tế. Đồng thời tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện, biện pháp phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm...

Có thâm niên, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực quản lý, giáo dục, dạy nghề, lao động trị liệu, ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất, cho biết: Sau khi giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy văn hóa, nâng cao trình độ, nhận thức cho người cai nghiện; tổ chức các hoạt động thể dục – thể thao, văn hóa, tư vấn tâm lý, xã hội... đơn vị sẽ dạy và truyền nghề cho đối tượng học viên nhằm bảo đảm điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, học viên sẽ lựa chọn một trong các ngành nghề như: may công nghiệp, cơ khí, xây dựng, mộc, nấu ăn, chăn nuôi... để học. Trong quá trình học, học viên được thực hành, thực tập tại các phòng, xưởng thực hành. Khi bảo đảm tay nghề, học viên được lao động trị liệu làm ra sản phẩm.

Qua quá trình giáo dục, lao động trị liệu và các hoạt động khác đã giúp học viên nhận thức được lỗi lầm, tác hại của ma túy, thấy được giá trị của sức lao động, từ đó biết chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau học tập, rèn luyện, quyết tâm rời xa ma túy.

“Đối tượng được đưa vào cơ sở cai nghiện là thành phần bị xã hội kỳ thị, gia đình ruồng bỏ. Nếu chúng tôi cũng xa lánh, bỏ rơi, họ rất dễ đi vào ngõ cụt, càng sa đọa hơn. Để giáo dục, cảm hóa được họ, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở cơ sở phải là người yêu nghề, tâm huyết với nghề và phải đóng nhiều vai. Khi vào vai công an phải rất nghiêm khắc; vai người cha, người chú thì nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ; vai người đồng cảnh ngộ để họ chia sẻ, nắm bắt tâm lý và có giải pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp”, ông Loan chia sẻ thêm.

Với những học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng được các phòng, ban xây dựng kế hoạch để truyền đạt kỹ năng phòng, chống tái nghiện, kỹ năng từ chối bạn nghiện; tư vấn hướng nghiệp cho học viên. Ví như trường hợp anh Quốc, quê ở huyện Triệu Sơn, bị cưỡng chế vào cơ sở cai nghiện số 1 đã gần 2 năm. Do đua đòi ham chơi theo chúng bạn, lại thường xuyên lái xe chạy đường dài một mình nên đã tìm đến ma túy và nghiện lúc nào không hay. Khi lún sâu vào nghiện ngập thì bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Anh Quốc cho biết: “Tôi rất hối hận vì đã làm cho người thân phải lo lắng, xã hội bất an. Vào cơ sở cai nghiện tôi được điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe, học văn hóa, rèn luyện thể chất và học nghề. Nhờ đó tôi đã thay đổi rất nhiều, từ sức khỏe, tinh thần đến suy nghĩ. 5 tháng nữa tôi sẽ được tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ cần bước chân ra khỏi cánh cổng kia, bên ngoài rất nhiều cám dỗ, cạm bẫy và phải đối mặt với những điều tiếng của xã hội. Nhưng tôi đã quyết tâm rồi, dự định khi tái hòa nhập sẽ tìm một việc làm phù hợp để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Là đối tượng nghiện ma túy và bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tới 3 lần, học viên Mạnh ở huyện Nga Sơn, chia sẻ: “Trước đây tôi là lao động phổ thông, nhưng ham chơi, đua đòi, thích thể hiện, ban đầu tôi dùng thử cho biết, sau nhiều lần thành nghiện. Để có số tiền tối thiểu 500.000 đồng/ngày mua hêrôin, tôi phải xoay sở đủ kiểu. Lần cai nghiện này tôi được các thầy truyền đạt, dạy dỗ, tư vấn kỹ về tâm lý, giúp tôi suy nghĩ thấu đáo hơn. Vì mẹ già đang héo mòn, không người nương tựa, tôi sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy”.

Theo số liệu thống kê, đến tháng 11-2022 các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện cho 1.451 đối tượng, trong đó cai nghiện mới cho 751 đối tượng. Tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 387 đối tượng hết thời hạn cai nghiện. Hiện các cơ sở cai nghiện ma tuý đang quản lý 1.065 đối tượng. Cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang tổ chức điều trị cho 114 bệnh nhân. Riêng Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 hiện đang quản lý, cai nghiện ma túy cho 777 người, trong đó có 70% người nghiện heroin, 20% người nghiện các chất ma túy tổng hợp và 10% người dùng từ 2 đến 3 loại ma túy. Từ đầu năm đến nay cơ sở đã chữa bệnh, điều trị khỏi các bệnh nội khoa cho gần 550 lượt người cai nghiện; điều trị hàng ngày tại các đội quản lý cho hàng trăm lượt người. Khám sức khỏe định kỳ cho hơn 2.500 lượt người cai nghiện ma túy. Điều trị cho 42 người cai nghiện ma túy nhiễm HIV bằng thuốc ARV... và hoàn chỉnh thủ tục cho hơn 200 người cai nghiện ma túy bàn giao cho gia đình.

Các đối tượng sau khi cai nghiện ma túy trở về với cộng đồng rất cần sự giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, sự quản lý chặt chẽ của gia đình để tránh tái nghiện. Vì vậy, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả, cần hơn nữa sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, gia đình và toàn xã hội nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tiến bộ, hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]