(Baothanhhoa.vn) - Trước những thay đổi không ngừng của thị trường lao động, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, xu hướng ngành nghề... trong thời kỳ công nghiệp 4.0, đòi hỏi công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng phải được đổi mới về nội dung và hình thức triển khai trong công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông.

Đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinh

Trước những thay đổi không ngừng của thị trường lao động, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, xu hướng ngành nghề... trong thời kỳ công nghiệp 4.0, đòi hỏi công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng phải được đổi mới về nội dung và hình thức triển khai trong công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông.

Đổi mới công tác hướng nghiệp cho học sinhHọc sinh Trường THPT DTNT tỉnh trao đổi với bà Christine Farmer, Hiệu phó phụ trách Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Tours, Cộng hòa Pháp về môi trường học tập tại Pháp và cách lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Nhằm giúp cho học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp, để bản thân các em có thể định hướng đúng, đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực bản thân, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai... Ban Giám hiệu Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu mỗi năm học, gắn giữa lý thuyết và thực tiễn, trong đó chú trọng phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm trong hoạt động định hướng nghề nghiệp tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng cho học sinh.

Thầy giáo Hà Duyên Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh, cho biết: Nhà trường đã chú trọng tuyên truyền 5 bước, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp. Trong đó, không chỉ tập trung triển khai tới học sinh mà còn tới cả phụ huynh, giáo viên nhà trường để phụ huynh, giáo viên đồng hành cùng học sinh trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường đại học, mời các diễn giả, chuyên gia, như bà Christine Farmer - Hiệu phó phụ trách Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Tours, Cộng hòa Pháp, đến thăm và làm việc tại trường. Bà Christine Farmer đã giao tiếp bằng tiếng Anh với học sinh nhà trường, giải đáp các câu hỏi của học sinh về văn hóa Pháp, về môi trường học tập tại Pháp nói chung và tại Đại học Tours nói riêng. Chương trình đã mở ra các cơ hội học tập mới cho các em học sinh nhà trường trong đó có chương trình trao đổi du học sinh...

Em Phạm Lê Phương Vỹ, học sinh Trường THPT DTNT tỉnh, cho biết: "Thông qua các chương trình hướng nghiệp đã giúp cho chúng em có được các kỹ năng để nhận biết khả năng của bản thân, lựa chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Đồng thời, việc phối hợp với các trường đại học uy tín ở nước ngoài cũng giúp mở ra cho học sinh hướng đi và cơ hội mới trong tương lai".

Tại Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn), hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng được nhà trường chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp. Thầy giáo Mai Sỹ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Anh Tuấn chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là đối với học sinh lớp 10 để các em sớm có định hướng và đầu tư thời gian cho những môn học theo các ngành đã chọn. Cùng với đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp. Dựa trên kết quả học tập, nhà trường sẽ phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực của các em, hướng các em học những nhóm ngành, nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về nội dung và hình thức giảng dạy, trong đó hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong những nội dung bắt buộc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT và trở thành hoạt động trong khung chương trình chính khóa với 105 tiết/năm, phân công thời khóa biểu và giáo viên phụ trách như các môn học khác. Trong chương trình mới, trải nghiệm hướng nghiệp gồm nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường, như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ... Ngoài ra, do là hoạt động giáo dục bắt buộc nên học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ phù hợp điều kiện thực tế của các nhà trường.

Việc được định hướng sớm và có kiểm tra, đánh giá định kỳ buộc học sinh phải nghiêm túc học tập. Đồng thời, giúp thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh mới.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]