Giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước
Thanh Hóa tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, đất căn bản, quý hương, nơi phát tích của nhiều triều đại, cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài cho đất nước... Là mảnh đất cách mạng với những con người trung kiên chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục về những giá trị lịch sử, khơi dậy niềm tự hào truyền thống quê hương cách mạng là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải được đẩy mạnh.
Những chuyến đi về nguồn, giúp các em học sinh Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn) thêm tri thức, thêm tình yêu quê hương.
"Thắp lửa" tình yêu quê hương, đất nước
Trong số 1.535 di tích được kiểm kê và công bố, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 856 di tích được xếp hạng... Cùng với cả tỉnh, huyện Thọ Xuân có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có nhiều di tích gắn liền với sự thành lập các chi bộ đảng, với những chiến thắng vang dội, những con người trung kiên. Hằng năm, tại các địa điểm di tích, nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu; cũng là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc đối với thế hệ trẻ; từ đó thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi người, nguyện phấn đấu, rèn luyện để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Ở làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, trên diện tích 3.500m2, ngôi nhà của ông Lê Văn Sỹ, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930) luôn là địa chỉ đỏ để Huyện đoàn Thọ Xuân tổ chức các cuộc về nguồn cho đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trong huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay có khoảng hơn 5.000 lượt học sinh, học viên, cán bộ, đảng viên trong, ngoài tỉnh Thanh Hóa tham quan, tìm hiểu di tích.
Giới thiệu với chúng tôi, ông Trần Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã, tự hào cho biết: Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, gắn với phát huy giá trị của quần thể Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường với phát triển du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn xã cũng là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ xã Thọ Lập quan tâm chú trọng và coi đây là một trong những tiêu chí nổi trội trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Khu Di tích cách mạng Yên Trường nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân, đồng thời cũng là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, giờ đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” để thường xuyên giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ của địa phương.
Nằm cách Thọ Lập không xa, xã Xuân Trường nổi tiếng với múa trò Xuân Phả có lịch sử ra đời từ hơn một ngàn năm trước. Trò Xuân Phả hấp dẫn bởi sự độc đáo, kết hợp được nghệ thuật múa cung đình và dân gian. Vì thế, việc giữ gìn loại hình nghệ thuật này được cả đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quan tâm. Ở đây hầu hết người lớn tuổi đều biết một vài điệu múa, họ hát, họ múa hằng ngày như là một cách nâng cao thể lực và trí lực. Tuy nhiên, với các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh để từ biết múa đến tự tin đi biểu diễn là điều không dễ. Vì thế, ngoài chương trình ngoại khóa, mỗi năm có khoảng 120 - 150 học sinh Trường THCS Xuân Trường được tập huấn, truyền dạy múa, hát Xuân Phả. “Nếu không có sự truyền dạy, giáo dục truyền thống thì chắc chắn khó có thể khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống, giữ gìn di sản. Nhờ đó mà thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản phi vật thể quốc gia trò diễn Xuân Phả”, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, khẳng định.
Một cách làm hay, hiệu quả
Đến nay, em Nguyễn Thảo Linh, học sinh Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn) vẫn còn nhớ rất rõ về hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Hồng Lễ do nhà trường tổ chức năm 2023. Để có bài dự thi đạt giải nhất, em Linh (khi ấy em là học sinh lớp 7A1) đã phải tìm hiểu tư liệu lịch sử, những hình ảnh phát triển của thành phố biển Sầm Sơn và của ngôi trường mang tên Nguyễn Hồng Lễ mà em đang học tập. Phần thuyết minh của em đã thuyết phục được các giáo viên và học sinh nhà trường, bởi em đã thể hiện một cách chân thực, đầy cảm xúc về công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Hồng Lễ - người con của TP Sầm Sơn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định, giáo dục truyền thống là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường, trong đó có Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ. Nói về vai trò của giáo dục truyền thống, em Trịnh Bảo Châu khẳng định: Thông qua việc giáo dục truyền thống, cụ thể là các buổi nói chuyện, không chỉ các đại biểu và các thầy cô giáo mà chúng em cũng có thể hình dung, hiểu biết thêm về cuộc sống khó khăn, gian khổ và tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm của các chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Đại tá Lương Sỹ Vui thường được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến: Ông truyền thống. Bởi, chỗ nào, đi đâu, ông cũng ôn lại truyền thống vẻ vang của quân đội Nhân dân Việt Nam. "Đi qua chiến tranh, tôi lúc nào cũng mong muốn các thế hệ trẻ, các cháu học sinh hiểu một phần nào đó những chiến công hiển hách của các lực lượng vũ trang Nhân dân ta, hiểu thêm về tình đồng chí, nghĩa đồng bào, hình ảnh người chiến sĩ và lớp lớp thế hệ cha ông trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó giúp các em học sinh, các đoàn viên thanh niên hiểu được ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước", ông Vui cho biết.
Bắt đầu nhập ngũ tháng 12/1967 đến khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, tổng cộng Đại tá Lương Sỹ Vui có 39 năm 6 tháng trong quân đội. Hiện ông là hội viên Hội Cựu chiến binh TP Sầm Sơn. 16 năm làm báo cáo viên cấp huyện, tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, kinh nghiệm của ông là để có bài báo cáo, thuyết trình hấp dẫn, ngoài các tài liệu cấp trên cung cấp, ông phải bỏ tiền ra mua sách, lên thư viện tỉnh, thư viện thành phố, rồi đọc, ghi chép, thậm chí hỏi thêm thông tin từ những người có kinh nghiệm, có trải nghiệm. “Mỗi lần đi truyền đạt, được nhận những tình cảm của các cháu học sinh với bộ đội, càng tự hào, tôi lại càng muốn truyền đạt nhiều hơn, muốn dùng tình cảm để chia sẻ, khơi gợi khát vọng học tập của các cháu học sinh”.
Ngôi nhà của ông ở thôn 3, xã Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) được ông dành một khoảng không gian lớn làm điểm đọc sách báo của cựu chiến binh. Lý do đầu tiên là bởi cả hai vợ chồng ông đều là đảng viên, là bộ đội, rồi sau này ông lại có tiêu chuẩn báo Quân đội Nhân dân, báo Thanh Hóa, báo Cựu chiến binh Việt Nam... Hằng tháng ông còn trích một phần lương hưu mua các loại sách báo khác, với mong muốn các cựu chiến binh thường xuyên đến đây đọc báo, giao lưu, cập nhật thời sự trong nước và quốc tế.
Ông Lương Sỹ Vui cho biết: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa hết sức to lớn đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các em học sinh. Qua những câu chuyện khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, từ đó giúp các em có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên trong học tập, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ; phát huy truyền thống hiếu học, mai sau khôn lớn trưởng thành sẽ tiếp bước cha anh xây dựng đất nước, xứng danh con Lạc cháu Hồng.
Chi Anh
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-06-21 09:39:00
Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình Minh
Kiên định
Âm vang ngày hội văn hóa gắn với phát triển du lịch thác Mây
Huyền bí thác Trai Gái
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ
Thanh Hóa chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Liên kết vùng để phát triển du lịch
Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch
Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh