Đưa công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh và bền vững
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ trước tới nay vẫn được xác định là trụ cột của công nghiệp Thanh Hóa, với giá trị gia tăng (VACN) chiếm tới gần 87% so với VACN toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang chiếm tới 90% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Để phát huy thế mạnh, nâng tầm giá trị của ngành, thực hiện lộ trình đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực và cả nước, tỉnh tiếp tục đưa ra những định hướng và giải pháp mới tại Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành bảo dưỡng năm 2023, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Thanh Hóa.
Theo đề án, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hóa, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ; từng bước tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu; phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, hóa chất, may mặc, da giày, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp kim loại, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử - công nghệ thông tin có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Với việc kết hợp giữa phát triển công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng đồng bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); triển khai nhanh các dự án trong Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), tạo hạt nhân tăng trưởng cho nền kinh tế toàn tỉnh phát triển, mục tiêu ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng với giá trị VACN đến năm 2025 đạt 62.090 tỷ đồng; năm 2030 đạt 110.520, chiếm tỷ trọng 92,1% VACN toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của VACN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2025 đạt 16,4%; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành.
Trong định hướng này, nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại sẽ tập trung phát triển sản phẩm cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo; thu hút đầu tư cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại tại KKTNS, các KCN, trọng tâm là KCN phía Tây TP Thanh Hóa và KCN Lam Sơn - Sao Vàng; khuyến khích thu hút các dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy móc, động cơ điện, máy nông nghiệp, máy xây dựng, lắp ráp phương tiện vận tải, các sản phẩm cơ điện tiêu dùng.
Nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa sẽ thu hút các dự án mới, mở rộng các dự án hiện có như: đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nâng công suất lên khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP, polyethylen, paraxilene; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang tại KKTNS, công suất 136.000 tấn sản phẩm/năm; đầu tư mở rộng dự án số 2 và dự án số 3, đưa tổng công suất của cả 3 dự án đạt 386.000 tấn sản phẩm/năm; tạo điều kiện để dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial (giai đoạn 1), công suất 960.960 sản phẩm/năm tại KCN Bỉm Sơn vào hoạt động ổn định; thúc đẩy mở rộng giai đoạn 2 và 3 đưa tổng công suất của nhà máy cả 3 giai đoạn lên trên 1.960.000 sản phẩm/năm.
Với nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sẽ hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động ổn định 5 nhà máy xi măng; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến đá xuất khẩu, duy trì sản lượng đạt khoảng 25 triệu m2/năm; ổn định sản xuất sản lượng gạch lát nền đạt 15 triệu m2/năm; hạn chế phát triển sản xuất gạch, ngói nung, phát triển mạnh hơn các sản phẩm vật liệu xây không nung; sản xuất các loại tấm lợp thông minh, tấm lợp sinh thái, tấm lợp nhựa cao cấp lấy ánh sáng tự nhiên...
Nhóm ngành thực phẩm và đồ uống sẽ được đầu tư đổi mới công nghệ của các nhà máy đường hiện có nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; ổn định diện tích vùng nguyên liệu, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu; tập trung xây dựng nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, hoàn thành giai đoạn I trước năm 2025 và giai đoạn II trước năm 2030; tiếp tục thu hút thêm các dự án chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu.
Nhóm ngành dệt may, da giày sẽ khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi; khuyến khích doanh nghiệp may mặc, da giày đổi mới công nghệ, để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm; thu hút đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày có công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may mặc, da giày của tỉnh.
Sau khi Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt với định hướng “xương sống” phù hợp với tầm nhìn trên, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, địa phương công khai quy hoạch phát triển ngành. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang chỉ đạo việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng tại KKTNS và các KCN, CCN trên địa bàn, tạo mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh.
Theo Sở Công Thương, mặc dù còn nhiều khó khăn ở giai đoạn hiện nay, nhưng trong năm 2023 cũng đã có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 13.300 tỷ đồng và 228,4 triệu USD, trong đó chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số khu, CCN cũng đang được các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thủ tục thành lập, đón đầu các dự án mới trong ngành.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điển hình như Nhà máy STech Vina của nhà đầu tư Hàn Quốc tại KCN Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; Dự án xưởng bảo trì, bảo dưỡng, chế tạo PECI Việt Nam của Công ty TNHH PECI Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11 triệu USD tại KKTNS đang vận hành hiệu quả; Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam với chuỗi phụ kiện ngành may mặc chuẩn bị đi vào vận hành trong quý I/2024... Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy ngành công nghiệp chế biến - chế tạo Thanh Hóa đã bắt đầu có tín hiệu hình thành chuỗi phụ trợ theo xu hướng.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-01-22 14:46:00
“Cú bắt tay” lịch sử trị giá 500 tỷ USD của OpenAI, SoftBank và Oracle
-
2025-01-22 14:42:00
Bộ NN&PTNN đề xuất áp thuế suất 1% với khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi
-
2024-01-30 10:44:00
Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài cuối): Cuộc “cách mạng” làm mới chính mình
Bản tin tài chính sáng 30/1/2024: Giá vàng và USD đi lên, dầu giảm
Trải nghiệm không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tại quảng trường Lam Sơn
Đánh thức một vùng núi hoang
Doanh nghiệp sau “bão dịch” (Bài 2): “Miếng bánh” chính sách khó cầm
Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024
Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Hyundai Lam Kinh được vinh danh là “Đại lý chăm sóc khách hàng tốt nhất” năm 2023
Bản tin tài chính sáng 29/1/2024: Giá vàng chờ tin Fed, dầu tăng, USD giảm
Nhiều lợi ích từ hóa đơn điện tử