Du xuân lên thăm đền Tép
Thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Tép tọa lạc trên địa bàn xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cổ kính, linh thiêng, là nơi thờ khai quốc công thần Trung Túc vương Lê Lai. Trong hành trình du xuân đầu năm, ghé thăm đền Tép, hòa mình vào không gian lễ hội truyền thống để cùng cảm nhận nét đẹp văn hóa của đất và người nơi đây.
Đền Tép là nơi thờ Trung Túc vương Lê Lai.
Nằm trong không gian của mường cổ Dựng Tú xưa, làng Tép (nay là thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ) đẹp tựa bức tranh sơn thủy. Đây là quê hương của Khai quốc công thần Lê Lai - nhân vật đã đi vào lịch sử và cả truyền thuyết dân gian với hành động dũng cảm liều mình cứu chúa.
Theo sử liệu, Lê Lai vốn tính cương trực, chí khí lẫm liệt, ông là một trong những tướng sĩ tham gia Hội thề Lũng Nhai, nguyện cùng chung một lòng đánh giặc ngoại xâm. Lê Lai được chủ tướng Lê Lợi tin tưởng giao nhiệm vụ lo việc hậu cần. Những ngày đầu diễn ra khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn. Trong một lần nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm, chặn nơi hiểm yếu, tình thế cấp bách tựa “ngàn cân treo sợi tóc”. Để phá thế bao vây, Bình Định vương Lê Lợi đã hỏi các tướng: “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta có thể giấu tiếng, nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau”.
Giữa sự im lặng của tướng sĩ, Lê Lai khi ấy lên tiếng: “Tôi xin đi, sau này lấy được nước nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhớ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi”. Trước hành động lẫm liệt của vị tướng dưới trướng, Bình Định vương Lê Lợi cảm động, vái trời đất mà khấn: “Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu các tướng tá công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn”.
Nhờ có Lê Lai cưỡi voi cùng một số tướng sĩ xông thẳng vào trận địa bị giặc vây hãm khiến chúng tin rằng đã bắt được thủ lĩnh khởi nghĩa Lam Sơn, vì thế kẻ địch đã rút quân về thành Tây Đô, cũng từ đó lơi là việc phòng bị. Đây cũng là cơ hội cho nghĩa quân Lam Sơn khôi phục nhuệ khí, củng cố lực lượng để lật ngược tình thế, liên tiếp giành thắng lợi về sau.
Không quên hành động dũng cảm hy sinh vì nghĩa lớn của vị tướng dưới trướng, sau khi lên ngôi, Lê Thái tổ đã phong cho Lê Lai là công thần hạng nhất, truy tặng ông hàm Thiếu úy, thụy là “Toàn Nghĩa”. Sau đó, còn sai văn thần Nguyễn Trãi viết bản thề ước, thề nhớ công lao của Lê Lai cất vào hòm vàng, lại gia phong cho ông hàm Thái úy. Năm Thái Hòa thứ nhất (1443), Lê Lai được ban tặng là Bình chương quân quốc trọng sự...; đầu niên hiệu Hồng Đức, được ban tặng là Diên Phúc hầu, đến năm 1484 được truy tặng Thái úy Phúc Quốc công, về sau được gia phong Trung Túc vương.
Hành động cao cả liều mình cứu chúa của Lê Lai không chỉ được sử sách ghi chép, mà còn đi vào “ký ức” dân gian, được lưu truyền cho đến ngày nay. Hằng năm, vào dịp giỗ vua Lê Thái tổ - Lễ hội Lam Kinh, không chỉ người dân xứ Thanh, mà Nhân dân cả nước, lại cùng nhắc nhớ nhau: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ Hàng Dầu”.
Để tưởng nhớ khai quốc công thần Lê Lai, đền thờ ông trên vùng đất cổ Dựng Tú đã được xây cất, người dân địa phương vẫn thường gọi là đền Tép. Di tích cách Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh khoảng hơn 5km.Theo các tài liệu lưu giữ, đền Tép được khởi dựng dưới niên hiệu Thái Hòa, triều vua Lê Nhân tông. Trải qua thời gian, đến năm 1971 trên nền móng cũ, người dân làng Tép đã cùng nhau dựng lại đền thờ với kiến trúc 8 mái, lợp kè.
Năm 1997 trong Dự án trùng tu, tôn tạo Lam Kinh, đền Tép được Nhà nước đầu tư tôn tạo trên nền cũ bằng gỗ lim theo kiến trúc truyền thống, gồm tiền đường, hậu cung. Trong khu đền thờ, ngay bên tả còn có đền thờ đức chúa bà Nương A Thiện (vợ Lê Lai), người dân vẫn thường gọi là đền Mẫu.
Người dân tổ chức nhảy múa Pồn Pôông trong lễ hội đầu xuân diễn ra tại đền Tép.
Đền Tép tọa lạc trên khu vực cao mà bằng phẳng, thoáng mát, vẫn được ngợi ca là thế đất “long chầu hổ phục”. “Phía Bắc sau đền là dãy núi chạy dài lên đến núi Nan thuộc địa phận xã Phùng Giáo..., phía Nam, trước đền có cánh đồng rộng trải dài đến đường Hồ Chí Minh chạy qua. Phía Đông là dòng suối cong chín khúc chảy qua và hai bên bờ là cánh đồng phì nhiêu màu mỡ”. (Sách Lịch sử Đảng bộ xã Kiên Thọ). Ngày nay, trước mặt đền Tép là hồ bán nguyệt rộng lớn. Đền Tép vừa mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm mà vẫn rất đỗi mềm mại khi được điểm tô bởi các mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo.
Đặc biệt, tại đền Tép dịp đầu xuân còn diễn ra lễ hội truyền thống Trung Túc vương Lê Lai. Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ Nguyễn Thị Thiện, cho biết: “Làng Tép là địa bàn sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Mường. Hằng năm, tại Di tích đền Tép diễn ra hai kỳ lễ hội lớn vào tháng 8 âm lịch (lễ hội Lam Kinh) và ngày mùng 7, 8 tháng Giêng. Trong đó lễ hội vào dịp đầu xuân, bên cạnh các nghi lễ truyền thống trang nghiêm (cáo yết, rước kiệu, tế lễ) thì phần hội sôi động với các trò chơi, trò diễn dân gian như diện sắc phục dân tộc trình diễn cồng chiêng; múa Pồn Pôông; đánh bóng chuyền... Với những giá trị văn hóa đặc sắc được gìn giữ, lễ hội truyền thống dịp đầu xuân tại đền Tép thu hút đông đảo người dân, du khách cùng về tham gia”.
Di tích đền Tép linh thiêng ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm khiến du khách khi ghé nơi đây có cảm giác vừa cổ kính, thiêng liêng, mà rất đỗi gần gũi. Trong những ngày đầu xuân, ghé thăm đền Tép, hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi đẹp chắc chắn sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm du xuân nhiều ý nghĩa.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
(Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong các sách: 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn; Di tích lịch sử Lam Kinh).
- 2024-11-08 14:40:00
Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
- 2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
- 2024-02-11 08:28:00
Chiêm ngưỡng tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Phủ Na trang hoàng rực rỡ đón xuân Giáp Thìn
Chùa Đông Sơn trên đất cổ Hàm Rồng
Một vùng thắng tích
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc