Chùa Đông Sơn trên đất cổ Hàm Rồng
Nằm trong không gian của làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), tọa lạc trên triền núi Lợn Vàng, “nhìn” ra núi “con Voi, con Mèo” (theo cách gọi của người dân địa phương), chùa Đông Sơn tĩnh lặng như điểm nhấn cho “bức tranh” làng cổ thêm giàu giá trị.
Chùa cổ Đông Sơn trên đất Hàm Rồng được tôn tạo khang trang.
Nằm bên bờ sông Mã, làng cổ Đông Sơn dựa lưng vào núi Rồng. Nơi đây thuở xưa có ruộng sâu, ruộng cạn, vùng thấp núi cao, hang động, bến sông tấp nập, cảnh quan hữu tình... Phía trước làng là cánh đồng rộng màu mỡ, xung quanh được bao bọc bởi những núi đá nhỏ, đồi đất thấp xen kẽ nhau, dáng hình kỳ lạ. Trong đó “phía Đông của làng là hệ thống núi đất kéo dài từ Ngã ba Đầu - nơi sông Chu chạy theo bờ Nam, gặp sông Mã. Phía Nam làng là hệ thống đồi đất cao có nhiều ngọn núi, trong đó tiêu biểu nhất là núi Cánh Tiên với huyền thoại về những nàng tiên giáng thế. Phía Bắc làng là hệ thống núi Phượng, núi con Voi, có động tiên và chùa Tiên Sơn"...
Hình thành và phát triển từ rất sớm, làng cổ Đông Sơn còn được ví như một “đại diện” về sự phát triển liên tục, từ buổi đầu dựng nước của các vua Hùng cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt, tròn 100 năm trước, làng Đông Sơn cũng là địa điểm đầu tiên các nhà khảo cổ đã tìm ra dấu vết của nền văn hóa kim khí rực rỡ - văn hóa Đông Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Đông Sơn ra đời và phát triển dựa trên nền tảng của quá trình hội tụ lâu dài từ những nền văn hóa “Tiền Đông Sơn” trước đó. Và chủ nhân của văn hóa Đông Sơn chính là người Lạc Việt.
Nằm trong không gian làng cổ, chùa Đông Sơn (còn được biết đến với tên gọi chùa Phạm Thông, chùa Vân Am) cũng có lịch sử khởi dựng từ khá sớm. Căn cứ trên những tư liệu được lưu giữ, người ta tin rằng, chùa Đông Sơn được khởi dựng vào thời Trần. Ngôi chùa cổ trên đất làng Đông Sơn còn gắn liền với những truyền thuyết hấp dẫn về các bậc đại sư, còn được lưu truyền đến ngày nay.
Dẫn chúng tôi tham quan di tích, Đại đức Thích Nguyên Phong, trụ trì chùa Đông Sơn giới thiệu: “Qua khảo cứu các thư tịch cổ, như cuốn Nam Ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng cho hậu thế biết thêm các thông tin về ngài Quán Viên. Ngài là một nhà tu hành ở chùa Đông Sơn, cũng đồng thời là danh y thời Trần. Ngài đã có công chữa bệnh cho vua Trần Anh tông và được phong Quốc sư. Cùng với đó, ngài còn giúp dân trừ tà, mang lại cuộc sống bình yên”.
Theo sách “Nam Ông mộng lục”, chuyện chữa bệnh cho vua Trần được kể lại khá ly kỳ: Sư chùa Đông Sơn tên Quán Viên, giới hạnh thanh bạch, mắt tuệ vẹn tròn, nhiều năm liền không xuống núi. Khi vua Trần đau mắt đã hơn một tháng, chữa thuốc không khỏi khiến ngày đêm nhức mỏi. Một lần, nhà vua mộng thấy có một nhà sư đến, lấy tay xoa mắt cho ngài. Khi vua hỏi tên tuổi nhà sư thì được biết tên Quán Viên, đến để chữa mắt cho vua. Thần kỳ hơn, khi vua Trần tỉnh mộng thì thấy mắt đã được chữa khỏi. Cho là điều kỳ lạ, vua cho người đi khắp nơi dò hỏi, quả nhiên có một nhà sư tên Quán Viên tu ở chùa Đông Sơn, liền sai người mời đến. Khi gặp mặt, vua Trần thấy dáng vẻ nhà sư giống hệt người đã chữa mắt cho ngài trong mộng, liền phong Quốc sư và ban thưởng rất hậu hĩnh. Tuy nhiên, nhà sư Quán Viên đem hết tài sản tặng cho dân nghèo, còn mình vẫn chỉ quần áo giản đơn, một mình vân du.
Lại có truyền thuyết kể rằng, khoảng thế kỷ XIV, có một người họ Phạm vốn dòng dõi nhà quan, xuất gia tu hành ở am núi Thanh Lương. Ngài thường mặc y phục khổ hạnh, giữ giới luật nghiêm khắc, đạo hạnh cao siêu, được người đời kính nể, đã được vua Trần ban cho hiệu “Tuệ thông Đại sư”. Lúc già, ngài dời về tu ở chùa Đông Sơn. Ngoài 80 tuổi, Tuệ thông Đại sư ngồi suốt 21 ngày đêm trong rừng sâu để thiền. Tuy nhiên, hổ báo kéo đến rất đông nhưng chỉ ngồi chầu xung quanh. Đến khi nhà sư quay trở về chùa, trong một buổi đang giảng đạo cho đệ tử thì bất ngờ hóa (qua đời). Thương tiếc bậc chân tu, về sau người đời gọi nơi ngài tu là chùa Phạm Thông (tức chùa Đông Sơn).
Không chỉ nổi tiếng với những truyền thuyết hấp dẫn, chùa cổ Đông Sơn còn tọa lạc trong không gian thiên nhiên hài hòa, núi sông hữu tình, vì thế khi xưa nơi đây còn là chốn dừng chân vãn cảnh, làm thơ của nhiều bậc tao nhân mặc khách. Trong đó, có bài thơ chữ Hán “Đông Sơn tự hồ thượng lâu” (lầu ở trên hồ chùa Đông Sơn) của Phạm Sư Mạnh được cho là viết về chùa Đông Sơn trên đất Hàm Rồng: “Trì viên cổ tự quỳnh dao một/ Tùng trúc nhất sơn phong vũ lai/ Chí kim bạch phát ngôn tiền tẩu/ Do đạo Thái sư bình tặc hồi”, đại ý: “Vẻ ngọc hồ xưa đã mất rồi/ Trúc thông đầy núi gió mưa vùi/ Người già trong thôn vẫn thường kể/ Chuyện Thái sư năm xưa đánh giặc về qua đây”.
Văn bia được lưu giữ tại chùa cổ Đông Sơn.
Cũng theo Đại đức Thích Nguyên Phong: “Qua nghiên cứu các văn bia còn lưu giữ tại chùa Đông Sơn, suốt quá trình từ khi chùa được khởi dựng vào thời Trần đến thời Nguyễn hầu như không thấy tài liệu nào nhắc đến việc trùng tu, sửa chữa chùa. Còn từ thời Nguyễn đến khoảng giữa thế kỷ XIX, chùa Đông Sơn được người dân nhiều lần phát tâm công đức trùng tu. Trong đó, dòng họ Lương ở đất Đông Sơn có nhiều đóng góp cho việc trùng tu, tôn tạo chùa”.
Còn theo truyền ngôn được các bậc cao niên trong làng cổ Đông Sơn kể lại: Chùa Đông Sơn khi xưa được xây dựng khá kiên cố, tường được xếp gạch, mái xếp đá kiểu “chèn ép” khá công phu. Đáng tiếc, do bị bom đạn chiến tranh tàn phá và nhiều nguyên do khác khiến cho ngôi cổ tự bị hư hỏng nặng nề, chỉ còn lại hậu cung.
Năm 2014, chùa cổ Đông Sơn từng bước được trùng tu, tôn tạo trên nền móng cũ. Với nhiều nỗ lực đóng góp, phát tâm công đức của người dân và phật tử, đến nay ngôi chùa cổ trên đất Hàm Rồng đã có diện mạo khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, khi đến chùa, du khách sẽ có dịp chiêm ngắm nhiều hiện vật quý liên quan đến văn hóa Đông Sơn và các giai đoạn về sau.
Ghé thăm chùa Đông Sơn, tôi tình cờ gặp cụ bà Lương Thị Hoan (90 tuổi) - người dân làng cổ Đông Sơn đang có mặt tại đây, được cụ chia sẻ: “Mỗi ngày, bà thường đi bộ từ nhà ra chùa để vãn cảnh, nghe câu kinh lời kệ, tiếng chuông chùa ngân vang, những lúc khỏe thì lại làm công quả, quét dọn để chùa sạch sẽ”.
Rộng hơn 3.000m2, tọa lạc trong không gian làng cổ yên bình với nhiều truyền thuyết kỳ ảo về các bậc chân tu được lưu truyền, chùa Đông Sơn chắc chắn là điểm nhấn tham quan, chiêm bái hấp dẫn cho du khách khi về với đất Hàm Rồng cổ kính trong những ngày tết đến, xuân về.
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-20 15:07:00
Dưới chân núi Chiếu Bạch
-
2024-11-15 21:03:00
Du lịch Thanh Hóa thu hút dòng khách quốc tế, có khả năng chi trả cao
-
2024-01-14 13:16:00
Một vùng thắng tích
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh
Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Niềm tự hào của làng Hồi Cù
Làng nghề nước mắm Khúc Phụ: Chú trọng đầu tư “nâng tầm” sản phẩm
Kho báu của ngành “công nghiệp không khói”