(Baothanhhoa.vn) - Việc tổ chức trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội đầu xuân đã trở thành nét văn hóa đẹp của nhiều địa phương trong tỉnh. Bởi thông qua đó, không chỉ góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống của cha ông để lại, mà còn tạo nên những “đặc sản” du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tham gia.

Trò chơi, trò diễn dân gian góp phần thu hút khách du lịch

Việc tổ chức trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội đầu xuân đã trở thành nét văn hóa đẹp của nhiều địa phương trong tỉnh. Bởi thông qua đó, không chỉ góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống của cha ông để lại, mà còn tạo nên những “đặc sản” du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tham gia.

Trò chơi, trò diễn dân gian góp phần thu hút khách du lịch

Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Quảng Nham (Quảng Xương).

Trong những ngày đầu xuân chúng tôi về tham dự lễ hội Mường Đòn, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) không chỉ cảm nhận được không khí sôi nổi của lễ hội, mà còn được tham gia cùng những chàng trai, cô gái Mường trong nhiều trò chơi dân gian độc đáo như chơi đu, đẩy gậy, kéo co, đánh mảng, bóng chuyền...

Với đồng bào dân tộc Mường nơi đây, các trò chơi dân gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, quan hệ giữa con người hòa quện cùng thiên nhiên. Khi hòa nhập vào trò chơi, con người như bước vào một thế giới mới, gạt bỏ được mọi ưu phiền và mong ước vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Một trong những trò chơi mang lại không khí rộn ràng, sôi động và thu hút đông đảo người dân tới cổ vũ, hò reo nhất phải kể đến trò kéo co. Theo một số người dân tham gia trò chơi kéo co cho biết, năm nào cũng vậy, mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội Mường Đòn là đông đảo người dân đến tham gia trò chơi kéo co. Khi tham gia các trò chơi, giá trị giải thưởng không quan trọng ở mặt vật chất mà mang ý nghĩa tinh thần. Đó được xem là sự khởi đầu của một năm mới đầy may mắn.

Nói về việc tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương chia sẻ: Từ bao đời nay các trò chơi, trò diễn dân gian có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống ở địa phương. Các trò chơi, trò diễn dân gian không chỉ tạo nên diện mạo độc đáo, hấp dẫn cho từng lễ hội, mà còn tái hiện lại một cách sinh động về lao động sản xuất, chiến đấu của Nhân dân ta, thể hiện khát vọng no ấm, hạnh phúc, hòa bình và lòng biết ơn trời đất, những người có công với đất nước, dân tộc. Việc tổ chức các trò chơi dân gian cũng góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách tham gia. Bởi vậy, thời gian qua huyện luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, phục dựng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các trò chơi, trò diễn dân gian “có đất” để phô diễn thông qua việc đưa vào nội dung thi đấu cũng như hoạt động trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - thể thao...

Với đặc trưng là vùng biển, đại bộ phận người dân quanh năm sống lênh đênh trên sóng nước, để rèn luyện thân thể khỏe mạnh, dẻo dai chống chọi với sóng to gió lớn và ước vọng khởi đầu cho một năm mới làm ăn mưa thuận, gió hòa, vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, trên sông Yên, xã Quảng Nham (Quảng Xương) lại tưng bừng diễn ra lễ hội đua thuyền. Các đội đều có quá trình chuẩn bị chu đáo từ thuyền rồng, mái chèo, cho tới việc lựa chọn lực lượng là những tay chèo khỏe mạnh và khéo léo nhất. Thông thường, mỗi đội đua có 21 người gồm 18 tay chèo, 1 tay lái, 1 đánh mõ và 1 tát nước. Sau hồi trống khai hội, cuộc đua bắt đầu, các thuyền đua sắp hàng ngang chờ hiệu lệnh xuất phát. Pháo hiệu nổ, các thuyền đua nhau xé nước nhắm cọc tiêu băng băng lướt tới trong tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình của khán giả, tạo nên không khí náo nhiệt khuấy động cả một khúc sông.

Ông Lê Văn Hòa, người dân xã Quảng Nham đến cổ vũ tại giải đua thuyền chia sẻ: Dù năm nào cũng diễn ra, nhưng giải đua thuyền truyền thống vẫn luôn tạo sức hút đối với bà con Nhân dân từ người già tới người trẻ. Người thì háo hức tham gia chơi, người thì rủ nhau đến cổ vũ làm cho không khí luôn sôi động, náo nhiệt. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều khách du lịch đến với địa phương cũng rất thích thú khi được tham gia đua thuyền. Đây cũng là nét văn hóa rất riêng để du khách nhớ về mảnh đất này.

Ngày xuân nhiều địa phương tổ chức trò chơi, trò diễn như một sản phẩm du lịch mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo cơ hội để người dân, du khách được tìm hiểu thêm về văn hóa, cảm nhận đời sống tinh thần, phong tục, tập quán địa phương. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay nhiều địa phương mới chỉ tổ chức được các trò chơi, trò diễn hay các môn thể thao dân gian trong các lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân chứ chưa tổ chức thường xuyên, rộng rãi trong các hoạt động du lịch. Bởi vậy, để trò chơi, trò diễn dân gian trở thành một sản phẩm du lịch thì cần sự vào cuộc hơn nữa của chính quyền địa phương, các tổ chức du lịch. Đồng thời, các địa phương cũng cần tích cực rà soát, nghiên cứu và hướng đến việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tích cực tham gia vào các trò chơi dân gian, lồng ghép tổ chức trong các hội thi, hội thao...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]