(Baothanhhoa.vn) - Quan Hóa - mảnh đất Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cho đến nay, bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Thu hút khách du lịch đến với bản Bút

Quan Hóa - mảnh đất Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Cho đến nay, bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Thu hút khách du lịch đến với bản BútĐội văn nghệ bản Bút trong trang phục truyền thống biểu diễn phục vụ du khách.

Bản Bút cách thị trấn Hồi Xuân khoảng 10km, nằm trong vùng thung lũng rộng lớn, bao quanh là hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh nên khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Ở đây còn có hồ Pha Đay với diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Hồ Pha Đay được bao bọc giữa rừng cây trên núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Đây cũng chính là điểm nhấn của khu du lịch cộng đồng bản Bút. Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang. Bởi vậy, hồ Pha Đay còn mang trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, sự mềm mại của làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh. Mặt hồ quanh năm như chiếc gương khổng lồ gom hết những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng. Đường lên hồ Pha Đay chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc khi dựng đứng, lúc lại uốn lượn quanh co ôm chặt vào sườn núi. Đây là điểm đến lý tưởng cho những tour du lịch sinh thái, cắm trại, khám phá văn hóa và trải nghiệm.

Trở về sau chuyến du xuân ở miền Tây xứ Thanh cùng gia đình, chị Nguyễn Thị Huyên ở thị xã Nghi Sơn chia sẻ: “Bản Bút thực sự rất thơ mộng, bình yên. Dù dịch vụ du lịch ở đây chưa phát triển, song bản làng xinh xắn, người dân thân thiện đã mang đến cho du khách cảm giác ấm áp, gần gũi. Giữa không gian núi rừng, những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng cùng với nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái đã tạo nên điểm nhấn cho bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này”.

Mặc dù là điểm đến mới, song bản Bút đặc biệt thu hút du khách bởi sự bình yên và nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Rời chiếc thuyền độc mộc trên lòng hồ Pha Đay, du khách có thể dừng chân check-in tại các thửa ruộng bậc thang; mặc thử trang phục của đồng bào Thái; hòa mình vào những làn điệu khua luống, múa sạp, múa xòe và những trò chơi dân gian như tó lẹ, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co... Và nếu đã đến đây một lần, dừng chân nghỉ ngơi tại các homestay, được thưởng thức những món ngon truyền thống như xôi ngũ sắc, cá suối nướng, cá đồ, thịt lợn cỏ, gỏi cá dốc, cơm lam, bánh ú... hẳn du khách không thể quên được hương vị trong từng món ăn. Đặc biệt, bà con bản Bút rất hiếu khách, luôn mang đến cảm giác gần gũi, chất phác, thân thiện.

Trưởng bản Bút Hà Công Chức cho biết: Năm 2020 xã đã lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào Thái ở bản làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay. Với mục tiêu phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo không gian, sưu tầm những vật dụng, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc để trưng bày, bán lưu niệm cho khách du lịch. Cùng với đó, thôn cũng đã thành lập đội văn nghệ. Mặc dù bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ song được sự động viên, hỗ trợ của các cấp, ngành, đến nay các hộ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Cũng theo ông Hà Công Chức, để hoạt động kinh doanh dịch vụ bài bản hơn nữa, các hộ kinh doanh dịch vụ homestay nói riêng, người dân bản Bút nói chung mong muốn được tham gia vào các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ như chế biến món ăn; lưu trú; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ... Qua đó, người dân không chỉ được nâng cao kiến thức mà còn có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2019-2025 ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Đây là cơ sở quan trọng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng dựa vào thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tại mỗi địa phương; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc tại huyện Quan Hóa nói chung, bản Bút nói riêng.

Với điều kiện tự nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, sự nỗ lực của địa phương cùng lòng hiếu khách của đồng bào, bản Bút đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn trong tương lai. Theo đó, xã Nam Xuân phấn đấu năm 2023 thu hút hơn 800 lượt khách, năm 2025 có hơn 2.000 lượt khách (trong đó 60% là khách lưu trú ít nhất 1 đêm); năm 2023 tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt từ 250 triệu đồng trở lên; năm 2025 tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt trên 800 triệu đồng... Trong đó mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là trọng tâm.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]