(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là đối với các khu di tích đã được xếp hạng. Đồng thời, gắn thu hút đầu tư phát triển với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường, nâng cao trình độ dân trí để phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch ở huyện Thạch Thành

Thời gian qua, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là đối với các khu di tích đã được xếp hạng. Đồng thời, gắn thu hút đầu tư phát triển với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường, nâng cao trình độ dân trí để phát triển bền vững.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch ở huyện Thạch Thành

Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo.

Huyện Thạch Thành có hệ thống di tích lịch sử không chỉ có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại, với 46 di tích và địa điểm di tích đã được kiểm kê, 14 di tích được xếp hạng. Trong đó, có những di tích lớn có giá trị cao về ý nghĩa lịch sử cũng như về kiến trúc nghệ thuật, như Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Đây là di tích có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng ghi lại dấu vết của người tiền sử sinh sống tại đây cách ngày nay khoảng 60.000 năm. Đồng thời, ngày 24–8–2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg về việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tổng diện tích quy hoạch 977,568 ha, gồm khu vực bảo vệ của di tích, có diện tích là 499,818 ha (theo Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ); khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích (trên cơ sở tích hợp với phần đất giành cho phát triển khu du lịch sinh thái và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của hai xã Thành Minh và Thành Yên), có diện tích 477,75 ha; phạm vi quy hoạch bao gồm phần đất thuộc địa phận hai xã Thành Minh và Thành Yên. Mục tiêu quy hoạch dài hạn là bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận với các minh chứng xác thực cho diễn tiến văn hóa của người Việt cổ. Khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ nghiên cứu, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa; giữ gìn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Mục tiêu ngắn hạn là nhận diện giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận; bảo vệ di tích và cảnh quan, môi trường di tích gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích...

Giải pháp về đầu tư, tại Quyết định số 1290/QĐ-TTg nêu rõ, sớm đầu tư phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, bảo đảm phát huy có hiệu quả giá trị các điểm di tích và môi trường cảnh quan sinh thái của khu vực. Lựa chọn ưu tiên đầu tư một số công trình điểm nhấn quan trọng tại dự án phát triển du lịch lịch sử - văn hóa gần với phát huy giá trị di tích, di sản để hình thành loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm du lịch tại khu di tích nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư tổng thể cho khu di tích... Đi đôi với đó, Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo được xếp hạng di tích quốc gia - nơi ra đời và đóng quân của đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang Thanh Hóa; Di tích thắng cảnh Phố Cát, một trong 3 trung tâm lớn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và 11 di tích cấp tỉnh khác... Ngoài ra, Thạch Thành còn có hàng trăm ngôi nhà sàn cổ, có tuổi đời hàng trăm năm, với kiến trúc truyền thống độc đáo, hấp dẫn khách du lịch ở các thôn Nội Thành, thôn Đăng Thượng, thôn Đồi của xã Thạch Lâm.

Để tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch, huyện Thạch Thành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, các xã, thị trấn bảo vệ cảnh quan môi trường các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch, kinh doanh du lịch và các hoạt động liên quan, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển du lịch trên địa bàn... Hiện Thạch Thành đã thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển hạ tầng các dự án du lịch, với tổng kinh phí 134 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ); gồm các dự án trọng điểm, như: Tuyến giao thông từ đường Hồ Chí Minh đến điểm du lịch thác Mây, xã Thạch Lâm; tuyến đường từ Quốc lộ 217B đến Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, xã Thành Yên; tuyến đường từ Quốc lộ 45 đi Di tích hang Treo, xã Thành Tâm... Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, nhà nghỉ, nhà hàng, dịch vụ với quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch. Đi đôi với đó, đến nay, huyện Thạch Thành đã thu hút được một số dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 850 tỷ đồng; như: Dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng, xã Thành Minh hơn 610 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng Thiền viện Tịnh Lạc, tại thị trấn Vân Du 104 tỷ đồng; dự án đầu tư khu du lịch sinh thái hồ Cầu Mùn, thị trấn Vân Du 50 tỷ đồng; dự án khu dịch vụ du lịch cộng đồng Memorina Thác Mây Ecologe, xã Thạch Lâm 88 tỷ đồng... Hiện nay, các dự án này đang triển khai thực hiện về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng. Ngoài ra, huyện chỉ đạo và triển khai xây dựng nhà phục vụ quản lý Di tích quốc gia hang Con Moong, với tổng vốn đầu tư hơn 6,197 tỷ đồng; dự án tu bổ, tôn tạo Di tích chiến khu du kích Ngọc Trạo, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng và đã hoàn thành, đưa vào quản lý, phục vụ phát triển du lịch.

Đồng chí Phạm Đình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Khôi phục, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện nhằm thu hút du khách, như du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại thác Mây, thác Voi, thác Đẹn; du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phố Cát, chiến khu du kích Ngọc Trạo; du lịch khám phá, trải nghiệm tại hang Con Moong... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hoạt động du lịch trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài và ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]