(Baothanhhoa.vn) - Làng bích họa Trường Lệ đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện ngay dưới chân dãy núi này, hứa hẹn tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng bích họa Trường Lệ

Làng bích họa Trường Lệ đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện ngay dưới chân dãy núi này, hứa hẹn tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn.

Làng bích họa Trường Lệ

Nhóm họa sĩ của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiến hành khảo sát thực tế tại địa điểm thực hiện Làng bích họa Trường Lệ. Ảnh: CTV

Cái tên núi Trường Lệ, tự bao đời nay, vẫn gợi thương gợi nhớ về một vùng đất biển với bãi cát dài phẳng lặng, ngàn năm tiếng sóng ru vỗ những huyền thoại biển xanh gắn liền sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cư dân ven biển xứ Thanh. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch tiêu biểu đó, thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trường Lệ đã vinh dự được dùng để đặt tên cho làng bích họa đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện ngay dưới chân dãy núi này, hứa hẹn tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố biển xinh đẹp Sầm Sơn.

Về với phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn những ngày này, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui, sự hào hứng của người dân nơi đây khi Làng bích họa Trường Lệ đang từng bước được triển khai thực hiện. Bởi lẽ, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những bức tường vốn khô cứng, đơn điệu sẽ được khoác lên mình diện mạo mới rực rỡ, lung linh sắc màu. Làng bích họa được thực hiện với tổng chiều dài khoảng 700m (từ bến xe điểm du lịch Hòn Trống Mái - Cô Tiên, qua làng Trung Mới đến ngã ba giao với đường Tô Hiến Thành) với tổng diện tích thể hiện bích họa dự kiến hơn 1.800m2. Các tác phẩm bích họa sẽ được thể hiện trên 15 bức tường xây mới, một nhà vọng cảnh, một cụm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được bố trí dọc theo phía Bắc kênh chiến lược Trung Mới và trên diện tích tường nhà dân dọc theo phía Nam kênh chiến lược. Với quy mô như thế, dự án sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện, đồng bộ cho diện mạo của phường Trường Sơn nói riêng, TP Sầm Sơn nói chung. Từ đó, Làng bích họa Trường Lệ sẽ góp phần vào việc giới thiệu những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, cuộc sống, con người miền biển Thanh Hóa; quảng bá các giá trị văn hóa của Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung; tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Sầm Sơn, tăng khả năng kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Đồng thời,

Làng bích họa hình thành không gian mới cho cộng đồng tại điểm du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, đặc biệt là du khách trẻ, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư hưởng lợi từ du lịch, góp phần nâng cao nhận thức trong bảo tồn các giá trị văn hóa, ứng xử phục vụ phát triển du lịch.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Làng bích họa Trường Lệ đối với việc phát triển du lịch của TP Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung; thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15-1-2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (đơn vị chỉ đạo thực hiện), Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (đơn vị chủ trì thực hiện), UBND TP Sầm Sơn và các đơn vị khác có liên quan đã và đang tích cực triển khai công việc, cố gắng khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để có thể sớm hoàn thành và đưa Làng bích họa Trường Lệ vào khai thác trong mùa du lịch biển 2020.

Với tư cách là đơn vị phối hợp thực hiện, đồng thời cũng chính là địa phương được thụ hưởng, TP Sầm Sơn đã tích cực, năng động trong quá trình lấy ý kiến người dân tại nơi triển khai thực hiện làng bích họa, tổ chức họp dân cư thực hiện cam kết bảo vệ công trình bích họa. Song song với đó, thành phố đã cho chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cơ sở hạ tầng như: Sửa chữa, cải tạo kênh mương chiến lược với tổng chiều dài 1,8km; xây dựng tuyến đường dọc bờ kênh, khuôn viên cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, các bức tường phục vụ vẽ bích họa và hệ thống thoát nước của khu dân cư...

Là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng”, Trường Đại học Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức hội nghị để thảo luận, trao đổi về nhiệm vụ tỉnh giao, tìm hiểu mục đích, yêu cầu, hình thức, nội dung công việc. Trên cơ sở đó, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo thành lập nhóm họa sĩ thực hiện dự án Làng bích họa Trường Lệ gồm 10 họa sĩ, giảng viên Khoa Mỹ thuật và Khoa Sư phạm Nghệ thuật. 10 họa sĩ, giảng viên này cũng chính là những gương mặt tiêu biểu của đời sống mỹ thuật trẻ Thanh Hóa hiện nay. Với tinh thần trách nhiệm, hào hứng, phấn khởi khi được đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ của mình cho sự phát triển của quê hương, nhóm họa sĩ đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát thực tế tại địa điểm triển khai thực hiện làng bích họa. Qua khảo sát thực tế, nhóm họa sĩ đã cùng nhau thảo luận, thống nhất đưa ra các nhóm chủ đề vẽ bích họa phù hợp như: Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân miền biển; thuyền và biển Sầm Sơn; đời sống cư dân miền biển; những nét đẹp thiên nhiên vùng biển,... Đối với cụm nghệ thuật sắp đặt, các họa sĩ sử dụng các vật dụng đồ nghề quen thuộc, gần gũi của ngư dân Sầm Sơn, dụng công đưa một số ngư cụ tiêu biểu, gắn bó với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất vào tác phẩm nhằm mô phỏng lại vẻ đẹp, nhịp sống của cư dân miền đất biển Sầm Sơn. Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh, giảng viên, thư ký Hội đồng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chia sẻ: “Quá trình thảo luận và xây dựng những phác thảo bích họa là một quá trình nỗ lực sáng tạo của tập thể nhóm họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, với trăn trở làm sao để các bức bích họa vừa có thể đảm bảo được tính thực tiễn của một sản phẩm du lịch, thỏa mãn niềm yêu thích chụp ảnh của du khách mà vẫn không làm mất đi giá trị văn hóa và thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật. Nội dung các bức bích họa ấy phải phong phú, đa dạng cả về chủ đề cả về ngôn ngữ biểu đạt thì mới đủ sức tái hiện được những hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên, về đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư Sầm Sơn nói riêng và các vùng biển Thanh Hóa nói chung”.

Để có thể đảm bảo được những yêu cầu đó, nhóm họa sĩ của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phải trăn trở, đầu tư sức lực, thời gian, trí tuệ để xây dựng các phác thảo bích họa. Ngoài kiến thức thu nhận được trong quá trình khảo sát thực tế, nhóm họa sĩ dụng công tìm kiếm, tiếp cận nhiều tư liệu, hình ảnh về văn hóa - tín ngưỡng, văn hóa vùng miền... Từ đó, kết hợp với cá tính sáng tạo, tài năng của mỗi cá nhân sẽ tự hình thành, xây dựng cho riêng mình phông văn hóa, “kho tư liệu” phục vụ cho quá trình phác thảo các bức bích họa theo các nhóm nội dung, chủ đề đã được lựa chọn. “Tuy vậy, dù có phong phú, đa dạng, sáng tạo như thế nào đi chăng nữa, các bức bích họa phải đảm bảo được sự hài hòa với không gian, môi trường và thiên nhiên tại khu, điểm du lịch được thực hiện. Trong đó, yếu tố văn hóa phải được tôn trọng tối đa. Bởi lẽ, Làng bích họa Trường Lệ là sản phẩm văn hóa phục vụ sự phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của đất và người Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung”. - Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh nhận định.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, hiệu quả, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhóm họa sĩ đã hoàn thành hơn 100 phác thảo bích họa với nội dung phong phú, phong cách, hình thức thể hiện đa dạng như: Hiện thực, hiện thực 3D, tranh trang trí, tranh graffiti, nghệ thuật sắp đặt... Trong thời gian sắp tới, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình bày, thuyết minh hệ thống phác thảo trước Hội đồng nghệ thuật của tỉnh để hội đồng xem xét, góp ý và lựa chọn 70 phác thảo bích họa tiêu biểu, đảm bảo yếu tố nội dung, nghệ thuật để triển khai thực hiện. Thời gian gần đây, một số phác thảo bích họa đã được nhóm họa sĩ vẽ thử nghiệm tại Làng bích họa Trường Lệ. Với những nét vẽ tài hoa, tỉ mỉ, đầy sức sáng tạo; màu sắc tươi sáng, hài hòa; nội dung phong phú, sinh động, gần gũi với đời sống; các bức bích họa vẽ thử nghiệm đã thu hút được sự quan tâm, chú ý, đồng tình ủng hộ, tán thưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Để có thể chạm tay vào “giấc mơ” du lịch bốn mùa, thành phố biển Sầm Sơn không thể chỉ hát mãi bài ca “mùa biển gọi”. Thiết nghĩ, bản chất của du lịch bốn mùa chính là sự đa dạng, phong phú về các loại hình, sản phẩm du lịch. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa nói chung, TP Sầm Sơn nói riêng vẫn không ngừng nỗ lực tìm tòi, khám phá, thử nghiệm nhiều ý tưởng nhằm đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, ban, ngành và sức sáng tạo dồi dào, nhiệt huyết với công việc của các họa sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Làng bích họa Trường Lệ sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng, góp thêm những sắc màu rực rỡ vào bức tranh toàn cảnh du lịch của tỉnh nhà.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]