(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch năm cả về lượng khách du lịch và doanh thu chỉ trong 9 tháng, song nếu theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú, thì tỷ lệ khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn thấp. Điều đó phần nào phản ánh dịch vụ, sản phẩm tại các khu, điểm du lịch chưa thực sự phong phú, hấp dẫn.

Du lịch Thanh Hóa trước thời cơ mới, thách thức mới (Bài 2): Nhận diện những hạn chế “cố hữu”

Mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch năm cả về lượng khách du lịch và doanh thu chỉ trong 9 tháng, song nếu theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú, thì tỷ lệ khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn thấp. Điều đó phần nào phản ánh dịch vụ, sản phẩm tại các khu, điểm du lịch chưa thực sự phong phú, hấp dẫn.

Du lịch Thanh Hóa trước thời cơ mới, thách thức mới (Bài 2): Nhận diện những hạn chế “cố hữu”Mức chi tiêu và thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến với Thanh Hóa còn khá thấp so với một số địa phương trong cả nước. Trong ảnh: FLC Luxury Resort.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 2 năm 2020 - 2021, có khoảng 25.000 lao động du lịch tại Thanh Hóa bị mất việc làm; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải bồi hoàn cọc cho 29.000 khách hủy tour, ước tính thiệt hại hơn 95 tỷ đồng; lĩnh vực lưu trú thiệt hại khoảng 4.700 tỷ đồng; lĩnh vực ăn uống khoảng 6.350 tỷ đồng; các dịch vụ mua sắm, giải trí, vui chơi khoảng 3.200 tỷ đồng...

Chỉ sau một thời gian ngắn du lịch mở cửa trở lại, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 3 cả nước về số lượng khách trong 9 tháng năm 2022 như đã nêu ở bài trước. Tuy nhiên, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong “cố hữu” của du lịch Thanh Hóa cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong đó nổi lên một số vấn đề như: tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu các sản phẩm độc đáo và các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch biển là thế mạnh bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh...

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, 6 tháng đầu năm 2022, mỗi khách du lịch đến Khánh Hòa bình quân chi tiêu hết 5,3 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh là 4,52 triệu đồng, Lào Cai là 3,45 triệu đồng, Hà Nội 2,93 triệu đồng, Đà Nẵng là 2,41 triệu đồng, Quảng Ninh là 2,2 triệu đồng. Tương tự, du khách đến Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Thuận... cũng có mức chi tiêu cao hơn đáng kể so với du khách đến Thanh Hóa (khoảng 1,7 triệu đồng).

Điều đó phần nào cho thấy, chất lượng, dịch vụ, sản phẩm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Mặt khác, Thanh Hóa có tới gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch, song những khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao còn rất hạn chế. Chỉ có khách sạn Vinpearl, Central tại TP Thanh Hóa và quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC tại TP Sầm Sơn đáp ứng được tiêu chuẩn này. Các thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới như: 4Seasons, Sixsence, Hyatt, Sheraton, Marriott, Hilton, Wyndham... hoàn toàn vắng bóng. Đây cũng là một phần nguyên nhân mà lượng khách quốc tế lưu trú tại Thanh Hóa hiện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặt khác, việc truyền thông quảng bá đến các thị trường quốc tế chưa thực sự được chú trọng đúng mức.

Vào đầu năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch Thanh Hóa trước thời cơ và thách thức mới”, với sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch; một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các địa phương khu vực phía Bắc cùng đông đảo các chuyên gia, cố vấn du lịch. Trên cơ sở những vấn đề được đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa gợi mở, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đã đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với du lịch Thanh Hóa trong tình hình mới.

Cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đã nhấn mạnh: Du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, du lịch cần thay đổi cả về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ trên mọi phương diện. Về cơ chế chính sách, Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để có các chính sách ưu tiên, đặc thù, cũng như có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy hoạch du lịch, quy hoạch liên quan đến du lịch và tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch du lịch. Hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đồng thời, chú trọng thị trường nội địa và liên kết để khai thác các thị trường nguồn như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thị trường khách nội tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu gồm cả du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng - sinh thái...

Tại một số hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch được tỉnh Thanh Hóa tổ chức trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại Thanh Hóa còn rất hạn chế; tỷ lệ khách đi trong ngày khá cao (chiếm 30 - 50% lượng khách nội tỉnh); các dịch vụ bổ trợ (mua sắm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe...) chưa thực sự phong phú, hấp dẫn... Do đó, du lịch Thanh Hóa cần tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp hướng tới thu hút thị trường cao cấp, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch. Cùng với đó, một số ý kiến tham vấn của các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới, trước hết Thanh Hóa cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng ứng dụng công nghệ số và các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch; chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa; tôn trọng và bảo vệ môi trường; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp du lịch phát triển...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng cho rằng: “Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội của Thanh Hóa thấp so với mặt bằng chung của cả nước, sự quan tâm và định hướng cho phát triển du lịch mới được tập trung trong những năm gần đây nên chưa thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu và xu thế phát triển... dẫn đến việc chậm thu hút các nhà đầu tư trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có tính cạnh tranh cao. Mặt khác, du lịch có thế mạnh là nghỉ dưỡng biển lại bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ đã gây khó khăn trong công tác quản lý, thu hút các dự án đầu tư có quy mô, đẳng cấp, thu hút khách du lịch và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Ngoài ra, các vấn đề về ứng dụng công nghệ số, các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa, tôn trọng và bảo vệ môi trường; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... cũng là những vấn đề đang đặt ra cho du lịch Thanh Hóa lúc này”.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Bài cuối: Để du lịch trở thành “át chủ bài” trong phát triển kinh tế - xã hội.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]