(Baothanhhoa.vn) - Trên những đỉnh đồi cam chín rộ, vàng rực cũng là lúc bà con bản Con Dao, Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) rục rịch đón mùa xuân. Năm nay, cam được mùa, được giá, tết dường như cũng về sớm hơn.

Sức sống mới trên vùng đất bản Dao

Trên những đỉnh đồi cam chín rộ, vàng rực cũng là lúc bà con bản Con Dao, Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) rục rịch đón mùa xuân. Năm nay, cam được mùa, được giá, tết dường như cũng về sớm hơn.

Sức sống mới trên vùng đất bản DaoĐường bê tông đã về tận bản nhỏ, diện mạo bản Con Dao khoác màu áo mới khang trang.

Màu ấm no

Gần 5 năm tôi mới có dịp trở lại bản Con Dao và bản Suối Tút - 2 bản xa nhất, khó khăn nhất của xã Quang Chiểu. Nắng vàng lan tỏa trong lòng thung, trập trùng núi, đồi, bản nhỏ neo mình nơi lưng núi để những rừng cây nguyên liệu, bãi ngô, vườn cam... chở che, bao bọc. Trái với hình dung về bản biệt lập, nghèo đói, ảm đạm cách đây gần 5 năm, những ngày này bản Dao tràn ngập tiếng cười.

Lần trở lại này, điều đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là hệ thống giao thông, bộ mặt bản làng. Tuyến đường “đau khổ” duy nhất dẫn vào 2 bản ngày nào được thay thế bằng con đường bê tông tiêu chuẩn cấp VI miền núi. Hai bên đường những ngôi nhà nửa sàn, nửa đất, mới có, cũ thấp thoáng giữa màu xanh núi đồi. Còn nhớ lần đầu tiên lên “đặc khu” Con Dao, Suối Tút sau một ngày mưa. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Quang Chiểu khoảng 7 km, song chúng tôi phải mất gần một buổi sáng “đánh vật” với sình lầy, dốc đá mới lên đến nơi.

"Từ khi con đường nối từ bản Pùng đi Suối Tút, Con Dao hoàn thành vào năm 2021, và có cây cầu cứng, chúng tôi ra trung tâm xã chỉ mất khoảng 10 - 15 phút. Cây cầu, con đường mới đã đáp ứng lòng mong mỏi của bà con dân bản từ bao đời nay. Trước kia, mình làm ra củ sắn, hạt ngô mà chẳng có ai vào mua, cõng xuống chợ từ sáng có khi trưa mới tới nơi. Giờ thì, thương lái đã vào tận nhà đặt mua mà vẫn bán được giá cao. Chuyện học hành của con trẻ, chuyện khám bệnh của người già... cũng nhờ con đường mà dễ dàng hơn rất nhiều”, Trưởng bản Suối Tút Tặng Văn Lai nói.

Tháng 3/2023, người dân ở hai bản lại một lần nữa vui mừng khi điện lưới quốc gia về. Bản làng tăm tối bao đời được chiếu sáng. Có đường, có điện, người dân có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Nếu trước đây người dân chỉ trồng lúa, sắn, nuôi vài ba con gà để ăn, hay khi nhà nước đưa cây xoan về trồng, bà con cứ thế trồng, hướng dẫn gì làm nấy. Thì nay, cái gì nhìn thấy ra tiền là bà con làm theo rất nhanh.

Vì có vị trí địa lý giáp với nước bạn Lào, nhiều hộ dân đã sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây đặc sản. Nhờ thế, nhiều giống cây trồng hay đã được mang về, trong đó có giống cam Lào với vị chua ngọt dễ chịu, đặc biệt vỏ có mùi thơm đậm đặc tinh dầu và giống lúa nếp Cay nọi. Những đồi dốc đất đá lô nhô quanh năm độc canh cây sắn, dần được bà con dọn đá, đắp bờ thành ruộng cấy lúa, trồng cam. Một trong những hộ dân đầu tiên mang cây cam Lào về đất Quang Chiểu là gia đình ông Phan Văn San và bà Tặng Thị Mụi.

Gốc người Lào về làm dâu ở đất Suốt Tút, bà Mụi nhìn ra giá trị kinh tế của giống quả này nên chọn khởi nghiệp từ cây cam. Hơn 10 năm làm dâu đất khách cũng từng ấy năm cây cam lớn lên trên đồi đất Quang Chiểu. Từ 10 gốc cam ban đầu, đến nay gia đình bà đã trồng gần 300 gốc cam, trung bình mỗi cây cho thu hoạch từ 60 - 70 kg. Trừ tất cả chi phí, gia đình thu được trên 100 triệu đồng/năm.

Giờ ở bản Con Dao, Suối Tút nhà nhà trồng cam. Nhà ít cũng vài chục gốc, nhiều tính bằng ha. Đây trở thành “thủ phủ” cam của xã Quang Chiểu với hơn 20 ha cam, trong đó có ngót 5 ha đã cho thu hái quả. Câu chuyện thu tiền trăm triệu từ cam không còn xa lạ đối với đồng bào Dao. Gia đình Trưởng bản Tặng Văn Lai cũng có trên 1 ha với gần 400 gốc cam. Trước đó gia đình ông làm lúa, trồng xoan nhưng không hiệu quả. Ông Lai chia sẻ: “Diện tích đất canh tác ở bản chủ yếu đồi núi dốc, lại khan hiếm nguồn nước, vì vậy trước đây các cây trồng đều cho hiệu quả kinh tế kém. Sau khi sang Lào xem cách họ trồng, chăm sóc, tôi mua giống cây về trồng thử. Hiện vườn cam đã trồng được 8 năm, cho thu hoạch 3 năm nay”.

Rộn ràng giai điệu chào xuân

Những năm trở lại đây, cam phát triển nhanh cho thu hoạch cao. Các hộ dân tiếp tục nghĩ ra cách tiêu thụ chủ động để không phụ thuộc nhiều vào thương lái. Trừ những nhà trồng ít nên bán tại vườn, còn lại người dân tự làm “con buôn” cho nhà mình. Đơn cử như gia đình ông Tặng Căn Cấu, Trưởng bản Con Dao, ngoài diện tích vườn của mình, từ đầu vụ đến nay đã mua thêm cam của người dân trong và ngoài bản đưa xuống huyện bán. “Tự đưa đi bán vất vả chút nhưng thu nhập cao hơn nhiều. Đấy, 2 vườn cam vừa rồi, tôi kiếm cũng được vài triệu đồng”, ông Cấu cười nói.

Sức sống mới trên vùng đất bản DaoĐến "Vườn cam May Mắn" có thể trực tiếp tham quan, hái và thưởng thức cam tại vườn.

Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, cuộc sống gia đình ông Cấu trước đây rất nghèo khó. Nhờ tích cực lao động sản xuất, trồng keo, trồng cam kết hợp chăn nuôi, nay gia đình ông đã có cuộc sống khấm khá với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Vì địa bàn khá xa trung tâm, thanh niên không có chỗ chơi, “Nhà vườn San Mụi” ở bản Suối Tút, “Nhà vườn May Mắn” ở bản Con Dao đã ra đời... Tại đây, khách có thể đến tham quan, chụp ảnh và hái cam ăn thoải mái, mà chỉ mất tiền vé vào cửa là 20.000 đồng/người.

Cùng với cây cam, những đồi cao không trồng được cam đã được bà con dân bản phủ toàn bộ các loại cây như keo, xoan. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, ở 2 bản Suối Tút, Con Dao hiện nay phụ nữ và người già ở nhà thêu dệt thổ cẩm người Dao và làm thuốc. Đặc biệt, những hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động đều đã xây nhà 2 tầng. Điển hình là gia đình anh Tặng Văn San, nhờ số tiền anh gửi về hàng tháng là gần 40 triệu đồng mà vợ và con anh đã xây được ngôi nhà khang trang nhất bản Suối Tút.

Theo Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Hiện, chỉ cách đây vài ba năm, đồng bào dân tộc Dao sống ở Quang Chiểu 100% là hộ nghèo, thì đến nay, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, sự vươn lên của bà con mà đã có 28/80 hộ thoát nghèo. "Sự đổi thay ở bản Con Dao, Suối Tút không chỉ dừng lại ở cơ sở vật chất mà ngay trong nhận thức của bà con về xóa đói giảm nghèo và kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình đều có sự tiến bộ rõ rệt”, ông Hiện nhận định.

Thời điểm này, ngoài việc thu hoạch cam, một số chị em trong thôn đã rục rịch may váy, lên rừng kiếm củi... chuẩn bị tết. Ở bản Con Dao, Suối Tút, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẫn còn nguyên vẹn. Trang phục Dao của bà con luôn được giữ gìn và sử dụng thường xuyên, nhất là trong các dịp đặc biệt, lễ, tết. Được biết, hưởng ứng Đề án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái của huyện Mường Lát, người dân hai bản đang lên ý tưởng làm du lịch cộng đồng.

Trên đường xuống núi, hình ảnh người phụ nữ tất bật thu hái những quả cam chín mọng, những đứa trẻ reo vui khi nhận chiếc váy mới từ mẹ, những chuyến xe chở đầy cam về xuôi gây ấn tượng mãi trong tôi. Một mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc hơn đang về với đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]