(Baothanhhoa.vn) - Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, bằng nhiều cách làm chủ động, phù hợp, tỉnh Thanh Hóa đã sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị; là địa phương có số lượng ĐVHC cấp xã giảm nhiều nhất cả nước. Đến nay, các xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập đã hoạt động ổn định, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, từ đó tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - những vướng mắc cần giải quyết (Bài 1): Địa phương dẫn đầu về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14-5-2019 của Chính phủ về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã, bằng nhiều cách làm chủ động, phù hợp, tỉnh Thanh Hóa đã sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị; là địa phương có số lượng ĐVHC cấp xã giảm nhiều nhất cả nước. Đến nay, các xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập đã hoạt động ổn định, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, từ đó tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - những vướng mắc cần giải quyết (Bài 1): Địa phương dẫn đầu về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xãTP Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu

Thành công nhờ sự đồng thuận

Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số hơn 3,6 triệu người, có 27 huyện, thị, thành phố, trước sáp nhập trên địa bàn tỉnh có 635 xã, phường, thị trấn (577 xã, 30 phường, 28 thị trấn). Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Thanh Hóa xác định việc sắp xếp, sáp nhập, làm giảm ĐVHC là việc lớn, khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý hành chính, hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống cũng như tâm lý, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Do đó, việc tạo sự đồng thuận, thống nhất, kịp thời giải quyết những băn khoăn, kiến nghị của cử tri đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương hết sức chú trọng, xác định đây là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định rất lớn đến sự thành công của việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Để thực hiện có hiệu quả, cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, quán triệt, triển khai đầy đủ về mục đích ý nghĩa của việc sáp nhập ĐVHC cấp xã; tiến hành thành lập các ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn xã, phường, thị trấn, tổ dân phố; ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Cấp ủy, chính quyền các địa phương linh hoạt, sáng tạo sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân như trên hội nghị, qua hệ thống loa phát thanh, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp; nội dung tập trung vào phương án sắp xếp, tên gọi mới của đơn vị hành chính, địa điểm công sở, trụ sở trường học, trạm y tế và công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù.

Trong 143 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập theo quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương rà soát đánh giá kỹ các yếu tố về lịch sử, phong tục tập quán, điều kiện địa hình và kinh tế. Về tên gọi các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp được nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở truyền thống lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển của đơn vị; có sự thống nhất của Nhân dân. Qua kết quả lấy ý kiến cử tri, Nhân dân về sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh đa số cử tri đồng thuận, thống nhất, với tỷ lệ đạt 93,81% cử tri đồng ý. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ cử tri đồng ý chưa cao (dưới 80%) và tỷ lệ cử tri không đồng ý cao (từ 17 - 48%) như xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc; xã Đông Anh, huyện Đông Sơn; xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương; xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa; xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân; xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát, nắm bắt tình hình, tư tưởng của cử tri; chưa kịp thời giải thích những băn khoăn, kiến nghị của cử tri về các chế độ, chính sách đặc thù, tên của đơn vị hành chính, vị trí đặt công sở, trụ sở...

Sau khi nắm bắt được kết quả lấy ý kiến cử tri tại 6 địa phương, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo tỉnh được phân công phụ trách địa bàn trực tiếp làm việc với lãnh đạo chủ chốt các huyện và các xã để đánh giá, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp thực hiện; các địa phương đã trực tiếp trao đổi, đối thoại, giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của cử tri nên sau đó đều nhận được sự thống nhất cao của cử tri. Kết quả đến tháng 10-2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện sắp xếp 143 ĐVHC cấp xã thành 67 đơn vị, giảm 76 đơn vị, đưa số ĐVHC cấp xã từ 635 đơn vị (trước sắp xếp) giảm còn 559 đơn vị (sau khi sắp xếp); đến ngày 1-12-2019, thực hiện Nghị quyết 786/NQ–UBTVQH14 các xã sau sáp nhập đã đi vào hoạt động ngay để phục vụ Nhân dân.

Cách làm phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm

Thọ Xuân là huyện có số ĐVHC cấp xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn huyện có 12 đơn vị (trong đó có 11 xã và thị trấn Sao Vàng) phải thực hiện sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính. Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, huyện Thọ Xuân đã chủ động triển khai xây dựng các phương án sáp nhập 12 đơn vị theo kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập, Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân đã chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng tổ chức lấy ý kiến cán bộ chủ chốt các xã sáp nhập, trên cơ sở đó phương án sáp nhập được dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn, yếu tố về dân số, diện tích, lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện địa lý... Trên cơ sở tình hình cụ thể, điều kiện của từng đơn vị, huyện đã lập 9 tổ công tác, mỗi tổ do đồng chí Ủy viên Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng chỉ đạo từ việc xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch đến nắm bắt tình hình, gặp gỡ để cán bộ, Nhân dân hiểu được chủ trương của Đảng. Sau đó làm các bước, tổ chức hội nghị từ chi bộ, các thôn, các địa phương để tạo sự đồng thuận, thống nhất. Căn cứ vào truyền thống lịch sử của địa phương, huyện Thọ Xuân đã lên phương án chia thành các cụm cơ bản, có các yếu tố tương đồng để thực hiện sáp nhập. Ví dụ, cụm các xã Thọ Trường, Xuân Tân, Xuân Vinh trước là xã Thọ Trường, sau năm 1954 thì tách thành 3 xã, nay huyện xây dựng phương án gộp 3 xã lại. Cụm thứ 2 gồm: Sáp nhập các xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên và Xuân Thành có vị trí liền kề. Cụm thứ 3: Thọ Minh, Xuân Châu, trước năm 1954 là xã Thuận Minh, thì nay gộp lại để bảo đảm tiêu chí về diện tích, dân số lấy tên là Thuận Minh.

Trước năm 2019, TP Thanh Hóa có 37 ĐVHC cấp xã trực thuộc, bao gồm 20 xã và 17 phường. Qua rà soát, quy mô ĐVHC trên địa bàn một số địa phương không đủ tiêu chuẩn, không gian phát triển đô thị bị chia cắt, gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội... Thực hiện chủ trương của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sáp nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã, TP Thanh Hóa đã xây dựng đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Theo đề án, TP Thanh Hóa sẽ nhập nguyên trạng xã Đông Hưng và phường An Hoạch, đổi tên thành phường An Hưng; nhập nguyên trạng xã Hoằng Lý và phường Tào Xuyên, đổi tên thành phường Tào Xuyên; nhập nguyên trạng xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long, đổi tên thành xã Long Anh (nay là phường Long Anh). Sau khi nhập, thành lập ĐVHC, TP Thanh Hóa còn 34 ĐVHC trực thuộc, gồm 14 xã và 20 phường.

Trong quá trình thực hiện đề án, UBND TP Thanh Hóa đã hướng dẫn, tập huấn cho lãnh đạo, công chức 6 xã, phường thuộc diện sáp nhập về công tác tuyên truyền, niêm yết tài liệu lấy ý kiến cử tri, cách viết phiếu, hình thức phát phiếu và hoàn chỉnh các hồ sơ. Ban chỉ đạo thành phố phân công nhiệm vụ kiểm tra việc lấy ý kiến cử tri cho từng thành viên, các tổ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, dự lễ khai mạc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại từng thôn, tổ dân phố và trong suốt thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri. Các phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập các ĐVHC. Tổ chức họp thôn, tổ dân phố để thông qua dự thảo đề án, thông báo cho toàn thể cử tri biết ngày phát phiếu lấy ý kiến cử tri.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, diện tích tự nhiên bình quân mỗi đơn vị trên địa bàn tỉnh đạt 19,9km2, dân số bình quân đạt 6.365 người; các ĐVHC cấp xã mới cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có 14 đơn vị đạt cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và dân số; 6 đơn vị sau sắp xếp được hình thành do nhập 3 đơn vị; 47 đơn vị sau sắp xếp đạt một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Từ quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Thanh Hóa đã rút ra những bài học kinh nghiệm đó là: phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ; cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn; phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch đô thị, yêu cầu phát triển của các địa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy đảng; quá trình thực hiện phải có kế hoạch, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức liên quan; thời gian, lộ trình thực hiện cụ thể.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh, cuộc sống của Nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân...

Làm việc với tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu và thực hiện sớm nhất trong cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Với sự chủ động và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, việc tổ chức thực hiện các phương án sáp nhập đã tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo dư địa lớn cho các địa phương phát triển.

Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]