(Baothanhhoa.vn) - Nghề báo là nghề mang nhiều ý nghĩa, tác động xã hội lớn nhưng thường trực những bộn bề, vất vả và không ít gian nan, thử thách. Đó là cảm nhận chung của nhiều bạn trẻ có bố, mẹ là những người làm báo được khắc họa trong những câu chuyện kể hồn nhiên, chân thực.

Nghề báo trong mắt con

Nghề báo là nghề mang nhiều ý nghĩa, tác động xã hội lớn nhưng thường trực những bộn bề, vất vả và không ít gian nan, thử thách. Đó là cảm nhận chung của nhiều bạn trẻ có bố, mẹ là những người làm báo được khắc họa trong những câu chuyện kể hồn nhiên, chân thực.

Nghề báo trong mắt con

Em Phạm Thảo Nguyên (12 tuổi, huyện Đông Sơn): “Bố em có những sở thích rất lạ lùng, có lẽ vì bố là nhà báo”

Nghề báo trong mắt con

“Bố Hải của em (nhà báo Phạm Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Thư ký - Tòa soạn, Báo Thanh Hóa - PV) có những sở thích rất lạ lùng, có lẽ vì bố là nhà báo” - em Phạm Thảo Nguyên bắt đầu câu chuyện về người bố làm nghề báo của mình một cách hấp dẫn, thú vị khiến chúng tôi phải gật gù tán thưởng: “Quả nhiên là “con nhà nòi”, chưa gì đã biết cách lẩy tít rồi đây”.

Không cầu kỳ tô vẽ, Thảo Nguyên kể về cái “rất lạ lùng” ở người bố làm báo của mình: “Vào những kỳ nghỉ lễ, thay vì đến những nơi vui chơi, nghỉ dưỡng nổi tiếng, ai ai cũng biết như biển Sầm Sơn chẳng hạn thì bố em thường khởi xướng một vài ý tưởng, lên kế hoạch đưa cả gia đình đi trải nghiệm hay khám phá những nơi... lạ lùng. Bố bảo: Những chuyến đi như thế này không đơn thuần để vui chơi mà còn để tìm hiểu, khám phá cuộc sống, văn hóa vùng miền, nếp sống của người dân nơi đó”.

Với Thảo Nguyên, khi nhắc đến nghề báo, điều đầu tiên em nghĩ đến không phải là những trang báo Thanh Hóa nóng hổi tin tức, sự kiện, bài viết chuyên đề, chuyên sâu. Ấn tượng nhất với Thảo Nguyên là các giải bóng đá báo chí miền Trung được tổ chức thường niên, thành viên các đội bóng tham gia giải đấu là các phóng viên, biên tập viên đang công tác trong nhiều cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung. Thảo Nguyên bảo: “Bố Hải có niềm đam mê mãnh liệt với bóng đá. Để ủng hộ bố, mỗi lần tổ chức giải, cả gia đình lại cố gắng thu xếp công việc cùng tham gia động viên, cổ vũ tinh thần cho bố và các đội bóng”. Cô bé hồn nhiên kể: “Trước đây, đội bóng của bố em thường thắng. Nhưng những năm gần đây, do làm việc nhiều và mọi người cũng “có tuổi” rồi nên thành tích không được như trước, thua nhiều lắm. Tuy nhiên, sau mỗi giải đấu, dù thắng hay thua, đội bóng của bố em cũng luôn nở nụ cười hài lòng với kết quả đạt được”. Có lẽ, trong hình dung của cô bé, bố và cả nghề báo đã cho em những trải nghiệm thú vị, đặc biệt.

Em Lưu Minh Hoàng (11 tuổi, TP Thanh Hóa): Từ những chương trình của mẹ mà biết yêu hơn lịch sử - văn hóa xứ Thanh

Nghề báo trong mắt con

“Nghề báo là nghề cống hiến nhiều cho xã hội, cho đất nước. Và em rất tự hào khi mẹ em là một nhà báo” - đó là những chia sẻ hồn nhiên, chân thành của em Lưu Minh Hoàng khi được hỏi về nghề báo. Có lẽ, bởi thương yêu mẹ Mai Ngọc (Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa) nhiều nên tình cảm của Minh Hoàng cũng dành một phần cho nghề báo - công việc mà mẹ đã và đang gắn bó suốt nhiều năm qua.

Minh Hoàng chưa thể hiểu cặn kẽ về công việc của mẹ. Nhưng với Minh Hoàng, nghề báo luôn gắn liền với tin tức, sự kiện, chương trình truyền hình và những lần công tác xa nhà của mẹ. Minh Hoàng tâm sự: “Do yêu cầu công việc nên mẹ em thường xuyên phải đi công tác, có những chuyến công tác của mẹ em kéo dài một tháng, sang nước Lào để làm chương trình”.

Từ sâu thẳm tâm hồn, Minh Hoàng cũng như bao đứa trẻ khác mong muốn có mẹ kề bên mỗi ngày. Nhưng cậu bé Minh Hoàng biết hiểu và cảm thông cho công việc của mẹ. Minh Hoàng bộc bạch: “Những lúc mẹ đi công tác vắng nhà, em thực sự rất nhớ mẹ, chỉ mong mẹ nhanh về với em. Nhưng khi nghĩ đến mẹ cũng đang phải vất vả làm việc, đến các nơi đèo cao, nước xiết để làm nên những tác phẩm hay, chất lượng em càng thương mẹ hơn. Và cho dù phải đi xa nhưng tranh thủ lúc nghỉ ngơi, mẹ vẫn gọi điện thoại trò chuyện, hỏi han việc ăn uống, học tập của em; những lúc không quá bận công việc, mẹ vẫn dành thời gian đưa em đi chơi, đi nhà sách... nên em không cảm thấy buồn”.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Minh Hoàng rất chăm chỉ đọc sách, báo, xem các chương trình do mẹ Ngọc và đồng nghiệp thực hiện. Minh Hoàng nói: “Với em, công việc của mẹ, của những người làm báo thật cao cả, ý nghĩa. Nhờ có mẹ và những chương trình của mẹ mà em biết nhiều, thêm yêu mến, tự hào về truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa xứ Thanh”. Từ đó, Minh Hoàng tự nhủ với bản thân: “Mỗi lần mẹ đi công tác, con sẽ ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, bố, sẽ cố gắng học tập tốt, đạt nhiều điểm cao để mẹ vui lòng, yên tâm làm việc”. Có lẽ, với những bậc làm cha làm mẹ, chẳng có niềm hạnh phúc nào to lớn hơn thế.

Em Nguyễn Thành Công (14 tuổi, Hoằng Hóa): “Mẹ như con chim gõ kiến chăm chỉ, cần mẫn, yêu nghề”

Nghề báo trong mắt con

Nguyễn Thành Công sinh ra và lớn lên tại làng quê có truyền thống hiếu học, gia đình nhiều người yêu thích, gắn bó với nghề viết. Ông ngoại của em nhiều năm phụ trách công việc truyền thanh xã, là người khéo tay, hay viết, ham đọc. Nhà báo Lê Thị Hiếu - mẹ của em hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Hoằng Hóa. Hằng ngày chứng kiến cuộc sống, công việc của mẹ đã hình thành trong em những suy nghĩ, nhận thức sâu sắc về nghề báo, người làm báo. Những hình dung của Công về mẹ trong tư cách người làm báo thật dễ thương, gần gũi: “Mẹ em thì cứ như chú chim gõ kiến chăm chỉ, cần mẫn, yêu nghề. Mẹ đi đến cơ sở thu thập thông tin, viết bài và truyển tải thông tin, thông điệp tốt đẹp đến với mọi người”.

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách riêng. Nhưng với Công, người làm báo thật nhiều vất vả, lo toan. Công thủ thỉ tâm sự: “Mẹ em lúc nào cũng tất bật, công việc gia đình, công việc cơ quan, có nhiều khi phải theo sự phân công đột xuất của cơ quan”. Những dịp lễ, tết, trong khi mọi người được nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình thì những người làm báo dường như lại “vào guồng” hơn. “Nhiều lúc bản thân em cũng thắc mắc hỏi mẹ: Sao mẹ không được nghỉ làm để chơi cùng các con? Nhưng em không bao giờ giận hờn hay trách móc mẹ. Bởi vì em hiểu, đó là trách nhiệm của mẹ với nghề” - Thành Công chia sẻ.

Dưới góc nhìn, cảm nhận của những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, nghề báo được khắc họa chân thật, thú vị. Không định nghĩa, lý luận hàn lâm, ở đó có câu chuyện về khó khăn, vất vả của người làm báo với bộn bề tin tức, sự kiện, những chuyến công tác xa nhà, trăn trở phía sau từng con chữ... Ở đó có những kỷ niệm vui, đã trở thành mảnh ghép tuổi thơ con trẻ. Và hơn hết, dù các em sau này có hay không theo nghề báo như bố, mẹ nhưng chính từ câu chuyện sống và gắn bó với nghề của họ đã gieo vào tâm hồn của những đứa trẻ ấy suy nghĩ tốt đẹp: Nghề báo là nghề đáng trân trọng, cống hiến cho sự phát triển xã hội.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]