(Baothanhhoa.vn) - Theo tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái hiểu mình, hài lòng và mãn nguyện có tính chủ quan. Khi mỗi người biết tự cân bằng, điều chỉnh mọi việc hài hòa, hợp lý thì sẽ hài lòng, mãn nguyện và hạnh phúc sẽ đến từ những điều giản dị nhất.

Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3): Hạnh phúc cho mọi người

Theo tâm lý học, hạnh phúc là một trạng thái hiểu mình, hài lòng và mãn nguyện có tính chủ quan. Khi mỗi người biết tự cân bằng, điều chỉnh mọi việc hài hòa, hợp lý thì sẽ hài lòng, mãn nguyện và hạnh phúc sẽ đến từ những điều giản dị nhất.

Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3): Hạnh phúc cho mọi ngườiChương trình trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa).

Với một đứa trẻ, hạnh phúc có thể đơn giản là cái ôm của mẹ hoặc một lời động viên từ bố khi em biết đi xe đạp. Hay với những người có người thân đang cần máu mổ cấp cứu thì tìm được người hiến máu kịp thời để ca mổ thành công chính là hạnh phúc. Và, có những người hạnh phúc là được giúp đỡ người khác. Có thể thấy, hạnh phúc với mỗi người một khác và hạnh phúc có nhiều cung bậc khác nhau. Song, hạnh phúc đều giúp con người gần nhau hơn, yêu thương, sẻ chia và xây dựng một cuộc sống bình yên, no ấm hạnh phúc. Đồng thời, giúp chấm dứt xung đột, mâu thuẫn, thậm chí xóa bỏ nghèo đói và những rủi ro, bất lợi khác.

Hạnh phúc không phải mới được đề cập đến trong thập kỷ qua. Hạnh phúc được quan tâm từ rất sớm. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định trong Bản tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hạnh phúc không chỉ là nhu cầu, là cảm xúc mà còn là quyền của mỗi người, không ai được xâm phạm. Trong lịch sử, các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh cho nền độc lập của đất nước để Nhân dân được sống tự do, hạnh phúc. Khi đất nước giành được độc lập, đi lên xây dựng XHCN và trong tiến trình CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để giúp mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Và trong cuộc sống hiện nay, mỗi người đều luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, hướng tới hạnh phúc bền vững.

Nhận thức được vai trò của hạnh phúc đối với mỗi cá nhân, gia đình và quốc gia, tháng 6-2012, Liên hợp quốc đã công bố Ngày Quốc tế hạnh phúc. Việt Nam là một trong những nước thành viên cam kết ủng hộ Ngày Quốc tế hạnh phúc thông qua việc nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy ý tưởng của Bhutan - một nước được đánh giá là có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, giáo dục, môi trường, tinh thần, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Liên hợp quốc đã chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc, bởi đó là ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau. Nó được xem là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Nên Ngày Quốc tế hạnh phúc luôn truyền tải thông điệp: Cân bằng, hài hòa chính là chìa khóa mang đến hạnh phúc cho từng cá nhân, gia đình và xã hội.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26-12-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2583/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hàng năm”. Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2023 với chủ đề “Hạnh phúc cho mỗi người” cùng với khẩu hiệu “Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho quốc gia hạnh phúc”, như khẳng định rõ hơn về vai trò của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc hướng tới hạnh phúc cho mỗi người. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc; có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc.

Ngày Quốc tế hạnh phúc càng trở nên quan trọng hơn khi cuộc sống đang tồn tại một nghịch lý đó là: cuộc sống đủ đầy hơn, con người được hưởng thụ nhiều hơn thì nhiều người lại khó tìm thấy hạnh phúc hơn. Bởi, cuộc sống hiện nay bị chi phối bởi những tác động của nền kinh tế thị trường, chuộng hư vinh cùng thói vị kỷ cá nhân, ưa hưởng thụ khiến nhiều người không biết bằng lòng, không biết yêu thương, sẻ chia với người khác khiến hạnh phúc đâu đó trở thành một điều “xa xỉ”. Thực tế hiện nay, nhiều cảnh ngang trái, vô cảm đã xảy ra, như: Hình ảnh cụ già loay hoay tìm cách sang đường trước những làn xe hối hả chạy qua nhưng không ai giúp đỡ. Một nữ sinh bị nhóm bạn vây đánh, các bạn trong trường, lớp trở thành khán giả, quay video mà không một bạn nào lên tiếng ngăn cản. Hay tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra phức tạp, tinh vi và xảy ra ở nhiều hình thức: tinh thần, thể xác, kinh tế... Nhiều trường hợp con đánh bố mẹ, anh em đánh chém nhau vì mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích. Những bằng chứng ấy cho thấy, những mảng tối của cuộc sống, sự tha hóa của đạo đức, nhân cách con người. Đó được xem là kẻ thù của hạnh phúc. Bởi, còn bạo lực, xung đột, bất công, vô cảm thì sẽ không có chỗ cho hạnh phúc xuất hiện.

Có lẽ, để hạnh phúc đến với mỗi người, thì mỗi người cần biết yêu thương lắng nghe, chia sẻ và hãy cho đi nhiều hơn. Bởi khi ta hiểu mình, hiểu người, yêu mình, thương người và được hiểu, được yêu thương thì hạnh phúc luôn hiện hữu trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]