(Baothanhhoa.vn) - Hơn 3 năm sống và chiến đấu trên đất bạn Lào, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Như Tú đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ khác nhau, nhưng ông nhớ nhất vẫn là trận đánh chiếm cứ điểm 1311m thuộc cao điểm 1516m giáp Sẩm Thông - Loong Chẹng - Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972.

Ký ức không quên trên đất bạn Lào

Hơn 3 năm sống và chiến đấu trên đất bạn Lào, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Như Tú đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ khác nhau, nhưng ông nhớ nhất vẫn là trận đánh chiếm cứ điểm 1311m thuộc cao điểm 1516m giáp Sẩm Thông - Loong Chẹng - Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972.

Ký ức không quên trên đất bạn LàoCCB Nguyễn Như Tú (người bên trái) ôn lại kỷ niệm khi tham gia trận đánh chiếm cứ điểm 1311m tại nước bạn Lào.

Ông Nguyễn Như Tú sinh ra và lớn lên trên quê hương Thịnh Lộc (Hậu Lộc). Từ khi còn nhỏ, ông đã nung nấu ý nguyện được vào quân ngũ cầm súng đánh giặc. Vì thế, năm 1971, khi vừa học hết kỳ 1 của lớp 10, dù là con trai duy nhất của gia đình nhưng ông đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện tại huyện Nga Sơn, ông cùng đơn vị tập kết tại tỉnh Nghệ An và bắt đầu hành quân sang giúp nước bạn Lào. Để tránh bị phát hiện, cả đơn vị đêm đi, ngày nghỉ, cứ thế cuộc hành quân bộ mất gần một tháng mới đến nơi. Đặt chân sang nước bạn Lào, ông được bổ sung vào Trung đội thông tin, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Vì có trình độ lớp 10, lại nhanh nhẹn nên ông được đơn vị cử đi học mật mã thông tin, sau đó liên tục được tham gia các đợt chiến đấu với kẻ thù.

Hơn 3 năm chiến đấu trên đất bạn Lào, CCB Nguyễn Như Tú đã tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ khác nhau, nhưng ông nhớ nhất là trận đánh chiếm cứ điểm 1311m thuộc cao điểm 1516m giáp Sẩm Thông - Loong Chẹng - Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972.

CCB Nguyễn Như Tú nhớ lại: “Mùa mưa năm 1972, trời trút nước liên tục, thi thoảng mới có lúc ngớt. Cánh lính tình nguyện chúng tôi người nào nhiều có 3 bộ quần áo dài, người ít có 2 bộ và vài bộ quần áo lót. Mưa nhiều quá, quần áo ướt hết không có chỗ phơi nên chúng tôi phải để cả tháng mới giặt một lần. Hết tháng, Tiểu đội tôi có hơn một nửa bị rận bám vào người, ngứa ngáy nhiều đêm không ngủ được. Ngày ấy, tôi là lính thông tin vô tuyến điện. Vì vững về chuyên môn, rất ít khi để mất liên lạc với Chỉ huy Tiểu đoàn nên tôi được thủ trưởng tín nhiệm và ưu ái, không có trận đánh lớn nào mà tôi không được tham gia, đeo máy 702 đi mũi chủ công để bảo đảm “mạch máu” thông tin liên lạc luôn luôn được thông suốt”.

Tháng 10-1972, khi ông đang đi phối thuộc với Đại đội 7, chốt trên cao điểm 1978m thì có điện báo về để nhận nhiệm vụ mới. Háo hức khoác ba lô về Tiểu đoàn bộ, ông nhận lệnh đi phối thuộc với Đại đội phó Đại đội 5, trực tiếp đánh chiếm cứ điểm 1311m mà quân địch mới chiếm được, tạo bàn đạp để bảo vệ cao điểm 1516m do ta chốt giữ. Vì cứ điểm 1311m quân địch mới chiếm giữ được hơn một tuần, chưa kịp làm hầm hào và công sự kiên cố nên nhiệm vụ của đơn vị ông là phải “nhổ” cho bằng được cứ điểm này.

CCB Nguyễn Như Tú kể: "Theo phương án tác chiến đã được thông qua, quân ta dùng 2 mũi tấn công. Mũi thứ nhất là mũi chủ công, có nhiệm vụ trực tiếp tấn công từ phía trên cao điểm 1516m xuống; mũi thứ hai là mũi thứ yếu, có nhiệm vụ tấn công từ phía dưới cứ điểm 1311m lên. Khi trời tối, 2 mũi bộ binh xuất phát nhưng không được để lộ bất kỳ một tiếng động hay ánh sáng nào. Riêng tôi, chỉ dùng ám hiệu, thổi, gõ vào micro chứ không được nói, chỉ khi nào phát lệnh nổ súng xung phong mới được nói qua micro. Hành trang của mũi chủ công chúng tôi mỗi người mang theo 1 khẩu AK, 4 băng đạn, 2 quả lựu đạn, 1 bi đông nước và 2 bánh lương khô. Mũi chủ công men theo sườn phía Đông từ cao điểm 1516m xuống. Đêm tối, rừng rậm, cây cao to xen lẫn với những bụi lau lách rất khó đi, không có đường mòn nên phải cắt theo bình độ để xác định đúng mục tiêu. Đến khoảng 4 giờ sáng, mũi chủ công chúng tôi đã đến gần mục tiêu. Theo phương án tác chiến, Tiểu đoàn dùng 2 khẩu đạn cối 82 li phát hỏa trước khi bộ binh nổ súng. Tới 5 giờ sáng, sau hàng loạt đạn cối 82 li bắn trúng mục tiêu thì tôi nhận lệnh từ chỉ huy Tiểu đoàn truyền xuống nổ súng xung phong. Ngay lập tức, Đại đội phó Đại đội 5 đứng phắt dậy nổ súng và hô xung phong. B41 phát hỏa, cối 60 li bắn yểm trợ cùng súng AK xông lên. Từ phía dưới cứ điểm 1311m, mũi thứ yếu cũng nổ súng đồng loạt xông lên. Mục tiêu 1311 chìm trong khói lửa. Sau khi được lệnh nổ súng, tôi và các đồng chí bộ binh nhanh như cắt, dùng súng AK truy quét kẻ thù. Gần đến lô cốt dã chiến của địch ở phía trước, tôi rút 1 quả lựu đạn ném trúng và nhanh chóng úp mình xuống chiến hào dã chiến của địch. Từ đó, mọi liên lạc của tôi với Sở chỉ huy Tiểu đoàn hoàn toàn bằng lời nói trực tiếp mà không cần giữ bí mật nữa. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, cứ điểm 1311m đã được giải phóng. Trong trận chiến này, tôi và 2 đồng chí khác đã bị thương bởi một quả pháo của quân địch. Chiếc cần ăng ten 5 cánh sóng của máy 702 bị pháo cắt phăng, tai nghe bên trái của tôi bị mảnh đạn cắt xoẹt, 1 vết thương chạm sọ trái, mất máu khá nhiều. Tôi đã được băng bó vết thương, cấp cứu ở bệnh xá tiền phương Toa tàu D2, sau đó chuyển ra bệnh xá Rừng Sặt, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Cuối năm 1974, CCB Nguyễn Như Tú cùng đơn vị được lệnh rút quân về nước. Năm 1975, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho đến ngày đất nước toàn thắng. Sau đó, ông được cử đi học Đại học Thương nghiệp Hà Nội và trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau từ cấp huyện đến cấp tỉnh ở Thanh Hóa.

Năm 2014, CCB Nguyễn Như Tú về hưu. Sau đó ông tham gia và hiện là Phó trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện (QTN) và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa. Những ngày cuối tháng 8-2022, CCB Nguyễn Như Tú cùng hơn 90 người là QTN và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thanh Hóa được trở lại thăm chiến trường xưa và tham dự “Tuần văn hóa hữu nghị Việt - Lào” tổ chức tại tỉnh Hủa Phăn. Đặc biệt hơn, ông là người duy nhất của Thanh Hóa vinh dự được tham gia cùng đoàn Ban liên lạc toàn quốc QTN và chuyên gia Việt Nam giúp Lào theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHDCND Lào nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào.

Bài và ảnh: Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]