(Baothanhhoa.vn) - Chủ trương, chính sách đưa người dân lên bờ đã có, nhưng quá trình thực hiện lại không hề đơn giản, bởi câu chuyện ở đây không chỉ là "tiền", là "đất", mà còn là cuộc sống, thói quen, tập tục của dân vạn chài từ bao đời nay, thậm chí, là những “cái kén” của sự tự ti và đói nghèo rất khó phá vỡ. Hàng nghìn hộ nghèo sinh sống trên sông được đưa lên bờ là hàng nghìn câu chuyện về sự gian khó, đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và cả các chức sắc tôn giáo.

Khát vọng... “lên bờ”! (Bài 2): Thực thi nhiệm vụ bằng "trái tim nóng"

Chủ trương, chính sách đưa người dân lên bờ đã có, nhưng quá trình thực hiện lại không hề đơn giản, bởi câu chuyện ở đây không chỉ là “tiền”, là “đất”, mà còn là cuộc sống, thói quen, tập tục của dân vạn chài từ bao đời nay, thậm chí, là những “cái kén” của sự tự ti và đói nghèo rất khó phá vỡ. Hàng nghìn hộ nghèo sinh sống trên sông được đưa lên bờ là hàng nghìn câu chuyện về sự gian khó, đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và cả các chức sắc tôn giáo.

Khát vọng... “lên bờ”! (Bài 2): Thực thi nhiệm vụ bằng “trái tim nóng”

Cán bộ phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đến rà soát, tuyên truyền, vận động đồng bào sinh sống trên sông lên bờ.

Chủ trì hội nghị nghe báo cáo tiến độ cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông (đầu tháng 9-2022, sau 6 tháng triển khai Thông báo số 129-TB/VPTU), đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương vừa bám sát để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và hơn hết là bằng một “trái tim nóng”. Bởi thiên tai, thời tiết ngày một thất thường, khắc nghiệt, nếu cấp ủy, chính quyền không lo cho dân từ sớm, từ xa và nhất là không bảo vệ an toàn tính mạng cho đồng bào, sẽ là có lỗi với dân!

Những câu chuyện thấm đẫm tình người

Người dân vạn chài vốn bao năm gắn bó với dòng sông Mã, sông Chu, hình thành nên những tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt riêng, nên việc vận động đưa họ “lên bờ” an cư, không phải ở đâu và lúc nào cũng thuận lợi. Vậy nên, mới có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười mà vô cùng thấm thía, xúc động về tình cảm và trách nhiệm của những người thực thi chính sách tại cơ sở.

TP Thanh Hóa hiện có số hộ dân sinh sống trên sông đông nhất toàn tỉnh, với 124 hộ. Mặc dù số lượng nhà có thể không lớn, song triển khai ở thời điểm này lại là không dễ, bởi các vướng mắc về quỹ đất, nhất là đối với đô thị loại I “tấc đất tấc vàng”. Không những thế, do cần quy hoạch nhóm dân cư này vào một cộng đồng chung, thay vì xen kẽ trong các khu dân cư bản địa, nên địa phương phải bố trí quỹ đất tương đối lớn. Mặc dù đăng ký thường trú trên địa bàn, nhưng suốt nhiều năm nay, hơn 50 hộ gần như “bặt vô âm tín” - không trở về địa phương, cũng không có bất kỳ liên hệ gì với chính quyền. Nhiều hộ trong số đó đã “dạt” vào tận Quảng Trị, Đà Nẵng, hoặc ngược ra Hải Phòng tìm kế mưu sinh. Thế rồi, hơn 6 tháng qua kể từ khi triển khai Thông báo số 129-TB/VPTU, các tổ rà soát gồm cán bộ phường/xã, tổ dân phố/thôn và các chức sắc, chức việc trong giáo phận đã phải làm việc hết công suất bất kể ngày đêm, lần rò từng “kênh” thông tin để nghe ngóng và tìm cách liên lạc với bà con. Trong cuộc tìm kiếm công dân tưởng như “mò kim đáy bể” và cũng “vô tiền khoáng hậu” ấy, bằng trách nhiệm và sự nỗ lực không mệt mỏi, đến nay thành phố đã mời được hầu hết các hộ đang tha hương trở về. Hai bên đã ngồi lại với nhau để cùng trao đổi chủ trương của tỉnh và để chính quyền nắm bắt đúng tâm tư, từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng của bà con.

Là chính sách nhân văn khi hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, chính vì vậy, việc triển khai càng đòi hỏi sự công tâm, khách quan, minh bạch của các chủ thể tham gia. Đặc biệt, phải tránh hai xu hướng là lợi dụng chính sách để trục lợi; hoặc hời hợt, cào bằng, “làm cho có, khó thì kêu”. Đồng thời, do một số vướng mắc về quỹ đất và kinh phí hỗ trợ nên các địa phương cần có thứ tự ưu tiên (hộ nghèo trước, cận nghèo sau, cuối cùng mới đến đối tượng khó khăn khác), tránh nóng vội sẽ không mang lại kết quả cuối cùng là ổn định đời sống để bà con an cư lạc nghiệp.

Câu chuyện tách - nhập hộ ở làng chài Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa) là một ví dụ điển hình về quá trình thực thi chính sách tại cơ sở. Số là, qua rà soát ban đầu, toàn huyện có 54 hộ chủ yếu có hộ khẩu thường trú tại xã Thiệu Vũ. Sau nhiều tháng rà soát và công khai đối tượng thụ hưởng trước toàn dân, chính quyền địa phương đã nhận được thông tin phản hồi. Theo đó, chỉ có 27 hộ “gốc” vạn chài, số còn lại là con cái họ vừa tách hộ trước đó chưa lâu. Sau nhiều chuyến khảo sát thực tế, nắm bắt đời sống nơi xóm chài Thủy Cơ, đến các điều kiện sống tại khu tái định cư Thiệu Vũ; đồng thời, sau nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đi đổi lại giữa Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Biện, lãnh đạo địa phương với bà con làng chài, người dân đồng thuận và đề nghị Nhà nước chỉ cấp đất và hỗ trợ nhà ở cho các hộ “gốc”. Số còn lại phần đa là các hộ gia đình trẻ, hoặc sẽ tự “nỗ lực cánh sinh” để ổn định cuộc sống, hoặc sẽ sống cùng cha mẹ để phụng dưỡng đấng sinh thành đã ở tuổi xế chiều.

Tuy rằng, đến thời điểm này, việc xác minh hoàn cảnh của 27 hộ “gốc” vẫn đang được địa phương gấp rút thực hiện, nhằm bảo đảm chính sách đến đúng đối tượng; song không thể phủ nhận, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai chính sách một cách công tâm và khách quan, bằng cả lương tri và trách nhiệm. Đặc biệt, khi đặt đối tượng yếu thế vào trung tâm của chính sách, sẽ có thể khơi dậy tự tôn và tinh thần làm chủ của chính đối tượng được thụ hưởng. Vậy mới nói, để thúc đẩy chính sách được thực thi, thì không chỉ tuân thủ các quy định pháp lý, mà còn phải biết cách vận động, thuyết phục “đi vào lòng người”.

Sức mạnh từ sự đồng thuận

Đa số đồng bào sống trên sông ở Thanh Hóa là đồng bào công giáo (khoảng 308 hộ). Với truyền thống “Yêu nước, kính chúa” và sống “Tốt đời đẹp đạo”, bà con giáo dân dưới sự chăm lo của giáo phận và sự quan tâm của chính quyền, đã gây dựng nên mối đoàn kết lương - giáo bền chặt. Chính vì lẽ đó, chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa thời gian qua không chỉ được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo Nhân dân; mà còn nhận được sự đồng thuận, tin tưởng rất cao của các giáo phận, chức sắc, chức việc và đồng bào giáo dân. Bằng uy tín, trách nhiệm, tình cảm của mình, Tòa Giám mục Thanh Hóa đã tích cực kêu gọi các nguồn lực hợp pháp, để hỗ trợ đồng bào giáo dân có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở, giúp bà con vừa yên tâm giữ đạo vừa chu toàn bổn phận công dân.

Nếu nguồn lực bên ngoài hay cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh là tiền đề; thì tinh thần tự lực, tự trọng, tự tin, tự giác chính là sức mạnh nội sinh hay là chìa khóa để giải phóng con người khỏi những xiềng xích trói buộc của lạc hậu, đói nghèo; đồng thời, thôi thúc sức mạnh tiềm tàng trong con người để tự mình vươn lên và nỗ lực kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Tất nhiên, hành trình phá vỡ “cái kén” của sự tự ti và đói nghèo, luôn đòi hỏi sự hy sinh. Đó cũng là biện giải của Linh mục Phaolo Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Ủy ban Bác ái Caritas Giáo phận Thanh Hóa. Ông cho rằng, với xuất phát điểm rất thấp và cơ chế “tự bảo vệ” yếu, nên khi “lên bờ”, bà con giáo dân cần thời gian để hội nhập với cộng đồng mới, cả về lối sống, tập quán, nhận thức, lối tư duy. Tuy nhiên, để thích nghi hoàn toàn và trở thành một phần của cộng đồng, thì phải có thời gian, ít nhất 1 thế hệ. Đó là người già và lớp trung niên - những người sẽ phải xoay sở với sinh kế để tích lũy và đầu tư cho thế hệ sau. Đồng thời, phải nhận thức rằng, chỉ có thể thông qua con đường học vấn - tuy chậm nhưng chắc - thì mới mong có “đổi đời” thật sự. Nói cách khác, học hành cho con trẻ chính là hy vọng, là tương lai và là cơ sở để mưu cầu hạnh phúc cho cộng đồng này.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông chỉ là một “lát cắt mỏng” trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Song, đó lại là “lát cắt” rất quan trọng, phản ánh mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững và bao trùm. Đặc biệt, mục tiêu này cũng tiệm cận và góp phần hiện thực hóa 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2025, đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng quyết nghị. Đó là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

Nhóm PV Chính trị-xã hội

Bài 3: Không để ai bị bỏ lại phía sau



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]