(Baothanhhoa.vn) - Đối với cộng đồng những người sinh sống trên sông ở Thanh Hóa, từ bao đời nay, khát vọng “lên bờ” luôn âm ỉ cháy và ngấm từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Song, để sở hữu được mảnh đất, ngôi nhà dường như là ước mơ quá xa vời. Hết đời cha đến đời con vẫn lấy thuyền là nhà, cuộc sống đầy rủi ro, bấp bênh, chênh chao như chính con thuyền của họ. Thế nhưng, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU “Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, giấc mơ “lên bờ” của hàng nghìn gia đình đã và đang trở thành hiện thực.

Khát vọng… “lên bờ”! ( Bài 1): Những giấc mơ xuyên thế hệ

Đối với cộng đồng những người sinh sống trên sông ở Thanh Hóa, từ bao đời nay, khát vọng “lên bờ” luôn âm ỉ cháy và ngấm từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Song, để sở hữu được mảnh đất, ngôi nhà dường như là ước mơ quá xa vời. Hết đời cha đến đời con vẫn lấy thuyền là nhà, cuộc sống đầy rủi ro, bấp bênh, chênh chao như chính con thuyền của họ. Thế nhưng, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU “Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, giấc mơ “lên bờ” của hàng nghìn gia đình đã và đang trở thành hiện thực.

Khát vọng… “lên bờ”! ( Bài 1): Những giấc mơ xuyên thế hệMột góc xóm chài Thủy Cơ, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Ảnh: Đỗ Đức

Dòng sông Mã được ví như món quà mà tự nhiên đã ưu ái dành tặng cho xứ Thanh, với chiều dài 242 km, tạo nên một lưu vực rộng lớn gần 9.000 km2 và nhiều phụ lưu chính là sông Luồng (102 km), sông Lò (74,5 km), sông Bưởi (130 km), sông Chu (325 km). Những cư dân vạn chài vốn gắn chặt với sông Mã, sông Chu, kiếm sống chủ yếu dựa vào con nước, nên dẫu đã trải qua nhiều đời nhưng hầu hết các gia đình chỉ cố gắng duy trì được mức sống tối thiểu là cái ăn, cái mặc, không thể có tích lũy để mua đất, làm nhà.

Cha ông đã đúc kết, “an cư” mới “lạc nghiệp”. Thế nhưng, có những số phận, những mảnh đời, dẫu đã đi quá nửa hay đi hết hành trình đời người, thậm chí đã nối qua mấy thế hệ người, vẫn mãi chật vật sinh tồn mà chẳng thể mơ giấc an cư.

Từ những cảnh đời lênh đênh...

Nguyễn Văn Hậu đã bước qua tuổi 42, nhưng vẫn không biết tường tận gốc gác cái xóm chài Thủy Cơ (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) - nơi con thuyền mình vẫn cắm sào neo đậu sau mỗi bận lênh đênh sông nước. Thậm chí, anh cũng không nhớ nổi cái phận đời gắn với mái chèo - con nước “cha truyền con nối” này, đến lượt mình đã là đời thứ bao nhiêu. Mà có lẽ, chính Hậu cũng chẳng thảnh thơi để nhớ, càng chẳng thiết nhớ. Bởi, nỗi lo cơm áo gạo tiền gắn với cuộc sống lênh đênh ăn bữa nay lo bữa mai đã “ngốn” cả thời gian để hít thở, thì nói gì đến hoài niệm cho xa xỉ. Trong câu chuyện thường xuyên đứt quãng bởi những lo lắng, giằng xé bị dằn xuống bỗng chốc chồi lên và cả nước mắt tưởng chừng khô kiệt lại thấm sâu vào từng vết chân chim, Hậu cũng trách than số phận.

Dẫu hoàn cảnh sống của 4 đứa con và những đứa trẻ xóm chài Thủy Cơ đã khá khẩm hơn đời cha mẹ chúng, bởi nhiều đứa đã được đi học, song, bấy nhiêu là chưa đủ để bảo đảm cho chúng một cuộc sống bình yên và thoát kiếp lênh đênh “con nối” - “cha truyền”. Sớm chịu cảnh “gà trống nuôi con” vì người vợ đã lìa đời theo con nước dữ, bị áo cơm ghì chặt khiến người đàn ông ngoại tứ tuần chẳng dám nuôi hy vọng “đổi đời” cho lũ trẻ. Nhìn đứa con trai đầu đã bước qua tuổi 21, phải bỏ học giữa chừng năm lớp 9 để phụ cha nuôi em, Hậu như thấy bóng dáng và số phận mình đang dần hợp lại và thít chặt vào dáng dấp cùng cuộc đời chàng trai trẻ.

Thật ra, Hậu chỉ là 1 trong 6 mảnh ghép của đại gia đình mà “của nả” cha mẹ để lại chỉ có mối liên hệ máu mủ và giấc mơ an cư le lói yếu ớt như ngọn đèn treo nơi đầu thuyền mỗi đêm sương lạnh trăng mờ. Họ chắp nối với nhau bằng mảnh lưới, con thuyền và cuộc sống được vận hành theo một “công thức” chung của hầu hết cư dân vạn chài từ xa xưa: sinh trên dòng nước, sống theo con nước và thác về với nước. Bởi vậy, cái gia phả dòng họ của cư dân vạn chài trải cũng dài trên các khúc sông xuôi, ngược và một vòng tròn đời người với “sinh - lão - bệnh - tử” có khi thần sông còn nắm rõ quy luật hơn con người. Vì thế mà, quê hương bản quán hay nguồn cội tổ tiên - vốn dĩ như là một hệ quy chiếu, hay một hệ giá trị có khả năng cấp cho con người một “thân phận”, một “diện mạo” - thì với cư dân vạn chài, cái “thân phận” ấy có lẽ cũng chẳng dư nhiều giá trị để mà ghi tạc. Không sách vở để lưu truyền, có chăng đời trước chỉ để lại cho đời sau vài cái tên đã nằm lại đáy sông hay một rẻo hoang, cồn bãi; dăm câu chuyện chắp vá về gốc gác và những trải nghiệm sống được đúc kết bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu đã đọng thành rong gỉ bám chặt nơi đáy thuyền, hay đã tan vào nước sông từ bao giờ rồi.

Chưa có địa phương hay tổ chức, đơn vị nào tiến hành một cuộc khảo sát, thống kê về “trình độ phát triển” của cộng đồng dân cư vạn chài xứ Thanh, dựa trên các tiêu chí “thô mà thật” như số lượng người học hành đỗ đạt, thành danh và số lượng các xóm chài/làng chài sung túc, giàu đẹp. Thực tế khi nói về họ, chỉ có một nhận định chung nhất: đa phần là hộ nghèo. Đói nghèo vốn dĩ được ví như một dạng “bạo lực”. Thứ “bạo lực” đủ khiến thể chất lẫn tinh thần con người trở nên rệu rã hoặc trơ lỳ. Thứ “bạo lực” càng khiến “đôi cánh” của ước mơ, khát khao chưa kịp bay bổng đã bị “gọng kìm” hiện thực trói buộc, thậm chí bị bẻ gãy ngay khi chưa kịp thành hình. Vậy nên với phần đông cư dân vạn chài, khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà khởi đầu là chốn an cư và chuyện học hành con trẻ, đã trở thành “giấc mơ xuyên thế hệ” của biết mấy lớp người.

... đến một chỉ thị ra đời trong gian khó

Trước nghịch cảnh thì câu hỏi về thân phận người vẫn luôn là điều trăn trở. Với thực trạng đói nghèo, lạc hậu của nhóm cư dân vạn chài, câu hỏi trách nhiệm trước hết được đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và trực tiếp cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách.

Đặt ra vấn đề này, chúng tôi muốn dẫn dắt câu chuyện trở lại những năm đầu của thập niên 2000. Khi ấy, Thanh Hóa vẫn đang là một trong những tỉnh nghèo. Dẫu đất rộng, người đông nhưng thu ngân sách mới dừng ở ngưỡng trên dưới 1 nghìn tỷ, nên Trung ương phải thường xuyên hỗ trợ gạo cứu đói mỗi khi thiên tai, dịch bệnh hay vào mùa giáp hạt. Mức sống người dân đa số ở ngưỡng trung bình và dưới trung bình, thậm chí nhiều nơi thấp sâu so với mặt bằng chung cả nước. Đặc biệt, cảnh sống tạm bợ của không ít hộ nghèo trong những ngôi nhà tranh tre nứa lá dột nát, xiêu vẹo đã trở thành một loại “đặc điểm nhận dạng” nơi xóm làng, thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

“Dân dĩ thực vi thiên”, hiểu một cách nôm na là người dân coi trọng trước hết là no ấm. Và “Có thực mới vực được đạo”, khi cái bụng con người ta đang đói, thì bao nhiêu đạo lý hay ho, tốt đẹp cũng chẳng thể lọt vào tai, thấm vào da thịt và len lỏi vào tâm tưởng. Hiểu rõ vấn đề đó, nên giữa bộn bề lo toan, thách thức lúc bấy giờ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vẫn quyết tâm phải có quyết sách để cải thiện đời sống của một bộ phận người yếu thế trong xã hội. Và rồi, Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV “Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”, được ban hành năm 2003, trong điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tưởng chừng sẽ rất khó thực hiện.

Khát vọng… “lên bờ”! ( Bài 1): Những giấc mơ xuyên thế hệNhững đứa trẻ ở xóm chài Thủy Cơ luôn được cha mẹ buộc dây vào người để tránh rơi xuống sông, nhưng vẫn có nhiều cái chết thương tâm do đuối nước. (Ảnh: Đỗ Đức)

Thế nhưng, chỉ sau 5 năm kể từ khi chính sách được ban hành và triển khai, đã có tới 17.249 “Ngôi nhà 08” mang tên “Đại đoàn kết” được dựng lên, để thế cho hàng nghìn mái tranh xiêu vẹo - một biểu tượng sinh động và khắc nghiệt của sự nghèo đói. Đặc biệt, đã có 16/27 huyện, thị xã, thành phố, với 497/634 xã, phường, thị trấn đã xóa bỏ hoàn toàn những ngôi nhà tranh tre dột nát, tạm bợ ra khỏi đời sống cộng đồng. Sau gần 2 thập kỷ triển khai, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã cấp đất và hỗ trợ làm được 812 ngôi nhà cho hộ nghèo sinh sống trên sông. Đồng thời, nhiều địa phương đã quy hoạch quỹ đất và cấp đất cho đối tượng, để bà con có “chốn trở về” khi đã tích lũy đủ vốn liếng dựng nhà, ổn định cuộc sống.

Hơn 800 ngôi nhà, đó là kết quả hiện hữu của một quyết sách “vượt nghịch cảnh”. Mỗi ngôi nhà được dựng lên không chỉ bằng vôi vữa vật chất; mà bằng cả tiền của, mồ hôi công sức từ sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng. Và hơn hết, đó là thành quả từ 100% nỗ lực, 200% quyết tâm, 300% vượt khó của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa ròng rã suốt nhiều năm liền. Cũng từ trong quá trình thực thi chính sách, mối quan hệ giữa người dân - chính quyền cơ sở càng được gắn kết bằng một chữ “đồng”: đồng tâm, đồng lòng, đồng sức, thậm chí là “đồng cam cộng khổ”. Và, đáng trân quý hơn là từ những “Ngôi nhà 08” ấy, nhiều hộ dân đã “giã từ quá khứ” lênh đênh nay đây mai đó, để hòa nhập và dựng xây cuộc sống mới. Đó cũng ví như một “cuộc cách mạng” để viết lại cuộc đời cho nhiều thân phận yếu thế.

“Lên bờ” để an cư lạc nghiệp là khát vọng bao đời của những con người mà cuộc đời họ ví như cánh buồm đã bạc màu, rệu rã. Cảnh sống tựa “lời ru trên những khúc sông buồn”, man mác như thước phim đen - trắng cũ quay chậm và không lời bình. Ước mơ mà ngay cả trong những giấc mơ xa xỉ nhất, có lẽ cũng không nhiều người mơ tới ấy đã trở nên hiện thực hóa từ Chỉ thị số 08-CT/TU. Dù chưa thể bao trùm hết các đối tượng thụ hưởng, song có thể khẳng định, Chỉ thị số 08-CT/TU là một quyết sách đúng đắn, kịp thời và có giá trị thực tiễn, giá trị nhân văn lớn lao: hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và “lấy nghĩa để duy trì, lấy nhân để cố kết”. Đây cũng là chính sách mở đường để Thanh Hóa triển khai các chính sách an sinh xã hội, tạo động lực để đưa nhóm dân cư yếu thế thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu, đồng thời, tạo tiền đề để tỉnh xây dựng những quyết sách cùng cơ chế mạnh mẽ hơn, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng sống lênh đênh sông nước của một bộ phận dân cư, mà trong đó, những mảnh đời như Nguyễn Văn Hậu chắc chắn rồi sẽ trở thành câu chuyện của “thời quá khứ”.

Ngày 10-10-2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU "Về đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông”. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, sau gần 2 thập kỷ kiên trì theo đuổi, toàn tỉnh đã xây dựng được 48.007 ngôi nhà “Đại đoàn kết” (trong đó, thực hiện theo Chỉ thị 08 là 17.249 nhà; theo Chương trình 135 là 30.758 nhà). Riêng đối tượng là hộ nghèo sinh sống trên sông, đã cấp đất, hỗ trợ làm được 812 nhà (trong đó, 795 nhà hoàn thành giai đoạn 2003-2020 và 17 nhà thuộc 2 huyện Thọ Xuân (4 nhà) và Yên Định (13 nhà) hoàn thành trong năm 2021); ngoài ra, có 4 huyện đã hoàn thành bố trí đất ở cho đồng bào trước năm 2010, gồm Hà Trung, Thường Xuân, Triệu Sơn và Hoằng Hóa.

Nhóm PV Chính trị-xã hội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]