(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 65 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị cán bộ y tế tổ chức tại Hà Nội. Trong thư, Người căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Lời Bác dạy luôn thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc ghi lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”!

Cách đây 65 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho hội nghị cán bộ y tế tổ chức tại Hà Nội. Trong thư, Người căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Lời Bác dạy luôn thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Thanh Hóa.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”!

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh là hoạt động được ngành y tế luôn hướng tới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Ảnh: T.H

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân, Tiến sĩ, bác sĩ (TTND, TS, BS) Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, xoay quanh chủ đề y đức người thầy thuốc và nỗ lực của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phóng viên: Thưa đồng chí! Y đức vốn là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy phục vụ và hết lòng chăm sóc người bệnh. Như Bác Hồ đã nhấn mạnh “Lương y phải như từ mẫu”. Vậy ngành y tế đã và đang thực hiện lời dạy của Bác ra sao?

TTND, TS, BS Trịnh Hữu Hùng: Lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” không chỉ nhắc nhở, yêu cầu người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, mà còn phải có tình thương yêu, tận tụy, trách nhiệm với người bệnh. Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục đội ngũ thầy thuốc nhận thức sâu sắc ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm và tình yêu thương người bệnh, cảm thông, chia sẻ với người nhà bệnh nhân. Đồng thời, thường xuyên quán triệt quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, trọng tâm là thực hiện các quy định về tiêu chuẩn đạo đức của người làm y tế; quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh; quy tắc ứng xử với đồng nghiệp; quy tắc ứng xử của cán bộ lãnh đạo đơn vị y tế.

Cùng với đó, quan tâm phát động nhiều phong trào thi đua nâng cao y đức gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ phong trào này, nhiều cán bộ ngành y đã không quản khó khăn, gian khổ, tận tâm với công việc, hết lòng vì sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, ngành cũng quan tâm “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc; khuyến khích các y, bác sĩ tích cực nghiên cứu, ứng dụng y học tiên tiến vào thực tế khám, điều trị; khuyến khích phong trào tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện của đội ngũ thầy thuốc, nhằm giúp họ tự giác “làm mới” chính mình.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, y đức phải song hành với y thuật, nghĩa là lấy chất lượng đội ngũ làm cơ sở, bên cạnh đó là hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật khám, chữa bệnh, thì mới đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?

TTND, TS, BS Trịnh Hữu Hùng: Đúng như vậy. Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn hiện nay, ngành y tế đã không ngừng xây dựng, củng cố, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, các bệnh viện đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại, mang lại kết quả tốt, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến ngay tại tuyến y tế cơ sở và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh cũng như ngân sách Nhà nước. Điển hình phải kể đến các kỹ thuật tiên tiến, đang được áp dụng, như: Ghép thận từ người cho chết não, thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận bằng động mạch nhân tạo, điều trị túi phình động mạch não bằng can thiệp nút coil, đặt stent điều trị hẹp tắc động mạch cảnh, ứng dụng robot 1 cánh tay trong phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu... tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; phẫu thuật ghép xương hàm tự thân, phẫu thuật khe hở vòm bằng ghép xương cánh chậu tự thân tại Bệnh viện Nhi; phẫu thuật nội soi cắt - khâu kén khí phổi tại Bệnh viện Phổi; phẫu thuật tạo hình mí mắt tại Bệnh viện Da liễu; phẫu thuật phaco phối hợp rạch góc tiền phòng tại Bệnh viện Mắt...

Bên cạnh đó, ngành quan tâm phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện nghĩa vụ luân phiên; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh... Đến nay đã có 7 bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện hạt nhân và chuyển giao 12 chuyên ngành cho các bệnh viện vệ tinh. Thực hiện hiệu quả đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến tỉnh, huyện về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020; với 50% cán bộ bệnh viện đa khoa tuyến huyện xuống hỗ trợ tuyến xã và khoảng 35% cán bộ y tế tuyến xã lên bệnh viện đa khoa huyện học tập. Đặc biệt, ngành cũng đã triển khai đồng bộ đề án tự chủ tại các bệnh viện công lập. Đồng thời, hoàn thành vượt 4 chỉ tiêu HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao (đến hết năm 2019), gồm số giường bệnh/vạn dân đạt 35,5 giường, đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 87,7%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%...

Phóng viên: Có thể nói, y tế là ngành đã nhận được nhiều sự quan tâm của Bác Hồ lúc sinh thời. Trong Di chúc để lại cho dân tộc, Người vẫn không quên dặn dò phải “phát triển công tác vệ sinh, y tế” và đề cao “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Xin đồng chí cho biết, ngành y tế đã chú trọng thực hiện công tác y tế dự phòng như thế nào?

TTND, TS, BS Trịnh Hữu Hùng: Ngành y tế luôn xác định: Có phòng chống tốt thì người dân không mắc bệnh; các bệnh viện không quá tải thì chất lượng khám, chữa bệnh mới được nâng cao. Chính vì thế, trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng.

Trong năm 2019, ngành y tế đã tổ chức lại hệ thống y tế một cách đồng bộ, như thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa (trên cơ sở tổ chức lại các trung tâm y tế tuyến tỉnh) và sắp xếp lại 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Sau sáp nhập đã tinh giản 31 đầu mối đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thành lập các trạm y tế xã, phường trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đẩy mạnh; công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức thực hiện và đôn đốc các sở, ngành, các địa phương thực hiện tốt các biện pháp giám sát, phát hiện dịch, cách ly xử lý dịch. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 4-2-2020 về việc tăng cường quản lý người Trung Quốc trên địa bàn tỉnh và người Thanh Hóa trở về từ Trung Quốc thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức giám sát, tham mưu cho UBND tỉnh quản lý những người đến từ vùng có dịch; cách ly, theo dõi sát, lập danh sách và khai báo y tế đối với những người tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra, ngành đã xây dựng các nội dung tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để hướng dẫn các địa phương và nhân dân.

COVID-19 là một bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi, các đặc điểm của vi-rút, cơ chế bệnh sinh, cơ chế lây truyền và phác đồ điều trị bệnh còn nhiều vấn đề chưa được khoa học tìm hiểu đầy đủ. Do đó, Sở Y tế đã chủ động tổ chức tập huấn, cập nhật các kiến thức về phòng và điều trị bệnh cho 200 cán bộ y tế trong và ngoài công lập. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cập nhật, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về giám sát, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tỉnh Thanh Hóa... Nhờ đó, đến thời điểm này, Thanh Hóa vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ngoài 1 bệnh nhân điều trị thành công, 20 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với COVID-19; tổ chức tốt việc theo dõi, cách ly các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, người lao động trở về từ vùng dịch...

Phóng viên: Cần khẳng định rằng, nghề y là nghề cao quý và thầy thuốc là những người đáng được tôn vinh. Vậy xin đồng chí cho biết định hướng của ngành trong thời gian tới, nhằm hoàn thành sứ mệnh cao cả đã được xã hội giao phó?

TTND, TS, BS Trịnh Hữu Hùng: Bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra cho ngành y tế nhiều thách thức, khó khăn về cơ chế, ngân sách đầu tư và bối cảnh thực hiện. Song, để không phụ sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân tỉnh nhà, ngành y tế sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhằm tạo những bước đột phá mới. Trong đó, ngành đặt ra các mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát triển khoa học - kỹ thuật; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư; quản lý tốt khám, chữa bệnh BHYT; tăng cường năng lực y tế tuyến xã; khống chế dịch bệnh; kiểm soát tốt an toàn thực phẩm; xử lý cơ bản chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế “Xanh - sạch - đẹp”...

Với việc hiện thực hóa các mục tiêu trên, phấn đấu đưa ngành y tế tỉnh Thanh phát triển xứng tầm khu vực, hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển y tế là 1 trong 5 trụ cột chiến lược phát triển của tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tô Hà (thực hiện)


Tô Hà (Thực Hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]