(Baothanhhoa.vn) - Những tưởng khó khăn, thách thức sẽ dần bị đẩy lùi sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhưng bất ổn chính trị - kinh tế thế giới tiếp tục tác động sâu rộng lên nền kinh tế, kéo theo nhiều hệ lụy đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, tăng giá và không ổn định. Dòng vốn cho sản xuất bị ngưng trệ ở nhiều thời điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến các chuỗi cung cầu vốn đã nhiều rạn nứt. Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm doanh nghiệp (DN) cần sự hỗ trợ cả về cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để vượt khó vươn lên.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Những tưởng khó khăn, thách thức sẽ dần bị đẩy lùi sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhưng bất ổn chính trị - kinh tế thế giới tiếp tục tác động sâu rộng lên nền kinh tế, kéo theo nhiều hệ lụy đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, tăng giá và không ổn định. Dòng vốn cho sản xuất bị ngưng trệ ở nhiều thời điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến các chuỗi cung cầu vốn đã nhiều rạn nứt. Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm doanh nghiệp (DN) cần sự hỗ trợ cả về cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để vượt khó vươn lên.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanhDây chuyền sản xuất sữa gạo lứt giàu protein của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thanh Tâm (Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa) sản xuất kính cường lực và cửa cuốn, cửa xếp cung ứng cho nhiều thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Hàng năm, DN sản xuất hàng chục nghìn m2 kính cường lực và các sản phẩm khác đưa ra thị trường, tạo việc làm cho 90 lao động với thu nhập trung bình 9-10 triệu đồng/tháng. Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc công ty chia sẻ: “Dù là nghề ít bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ trong dịch bệnh COVID-19 do hoạt động xây dựng vài năm qua vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, khi giá xăng dầu biến động liên tục khiến đơn giá vận chuyển các nguyên vật liệu thường xuyên thay đổi. Để giữ được mối hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung và với biên độ dao động giá đầu vào không quá lớn, đa phần DN không điều chỉnh giá bán ra, chấp nhận giảm lợi nhuận để ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động”.

Từ cuối năm 2022, bước sang đầu năm 2023, thị trường đã chứng kiến sự gia tăng của DN rời bỏ thị trường. Điển hình trong 2 tháng đầu năm, khi số lượng DN mới gia nhập thị trường chỉ có 285 DN, giảm 26% so với cùng kỳ thì có tới 443 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 10% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 34 DN thông báo giải thể, tăng 47,8% so với cùng kỳ, 35 DN đã giải thể, tăng 75% so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại thị trường cũng giảm tới 59% so với cùng kỳ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng DN rút lui khỏi thị trường trên địa bàn tỉnh cũng là hạn chế chung của tình hình cả nước. Nguyên do là sau hơn 2 năm chống dịch, khả năng chống chịu của DN bị bào mòn, sức ép lạm phát còn cao, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, đơn hàng, thị trường xuất khẩu lại bị thu hẹp do sức cầu toàn thị trường giảm. Điều này khiến cộng đồng DN đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhiều DN phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động, thông báo giải thể, giải thể DN.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Đối với DN, mà đặc biệt là DN nhỏ và vừa hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do khả năng tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực khác còn hạn chế. “Sự sống” của các DN hiện không còn tính bằng năm, bằng quý mà có thể được tính bằng ngày, bằng giờ với nguy cơ đào thải rất nặng nề. Trong bối cảnh này, ngoài chính sách cởi mở hơn về nguồn vốn, DN cần hơn hết sự vào cuộc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như hạn chế các tác động tiêu cực lên sản xuất, kinh doanh.

Để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, mới đây tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng giao Sở Nội vụ giám sát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ DN trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp xúc với DN; tham mưu, tháo gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngày 10-2 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển DN tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Theo đó, Thanh Hóa sẽ dành gần 15 tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ cho các DN tập trung vào công tác nghiên cứu thị trường, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, cụ thể như: hỗ trợ 2,5 tỷ đồng chi phí tư vấn chuyên sâu cho DN xuất khẩu tiếp cận thị trường mới; hỗ trợ 0,55 tỷ đồng cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; hỗ trợ 2,42 tỷ đồng cho kinh phí tư vấn và áp dụng chuyển đổi số; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN hơn 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về quản trị DN hơn 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN 268 triệu đồng.

Được biết, ngay trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất, đưa ra các gói tín dụng lớn với lãi suất cho vay ưu đãi, giảm từ 0,5 đến 3%/năm cho khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như DN nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Đây là thông tin tích cực đối với các DN trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh được dự báo tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Tuy nhiên, để tiếp cận được với nguồn vốn này, DN cần đáp ứng được các yếu tố về tính khả thi và hiệu quả hoạt động, thu hồi dòng vốn. Đồng thời với các chính sách, biện pháp hỗ trợ, các DN cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, từng bước vượt qua thách thức trong điều kiện nền kinh tế được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]