(Baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin khai thác thương mại điện tử (TMĐT) trong các khâu quản lý nguồn hàng, quảng bá sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, tiết kiệm được chi phí giao dịch. Đồng thời, tăng cường mở rộng các hình thức bán hàng đa kênh, đa phương tiện, nhằm thích ứng, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COIVD-19.

Hệ thống bán lẻ từng bước ứng dụng thương mại điện tử

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin khai thác thương mại điện tử (TMĐT) trong các khâu quản lý nguồn hàng, quảng bá sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, tiết kiệm được chi phí giao dịch. Đồng thời, tăng cường mở rộng các hình thức bán hàng đa kênh, đa phương tiện, nhằm thích ứng, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COIVD-19.

Hệ thống bán lẻ từng bước ứng dụng thương mại điện tửNhân viên Siêu thị Co.opmart hỗ trợ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa có 79 siêu thị và cửa hàng tiện ích, 37 chợ, cùng với Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ đã chuyển đổi hình thức quản lý, bán hàng thông qua các website, mạng xã hội như facebook, zalo hay các sàn TMÐT. Xu hướng này đang dần trở thành thói quen mua sắm mới hiện đại văn minh của người tiêu dùng TP Thanh Hóa, từng bước hướng tới nền thương mại hiện đại.

Hệ thống Siêu thị Vinmart của Tập đoàn VinGroup được xem là một trong những đơn vị thành công trong việc ứng dụng TMĐT, tạo thói quen mua sắm các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cho người tiêu dùng thông qua app VinID. Tại TP Thanh Hóa hệ thống Siêu thị Vinmart phát triển khoảng 30 cửa hàng. Với danh mục hàng hóa thiết yếu đa dạng, phong phú như: rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô, người tiêu dùng thành phố có thể yên tâm mua sắm mà không phải trực tiếp đến siêu thị. Chỉ cần chọn tính năng “Ði chợ” trên app VinID, cập nhật địa chỉ nhận hàng, lựa chọn những món hàng cần mua và tiến hành thanh toán online thông qua tài khoản ngân hàng đã liên kết, toàn bộ đơn hàng sẽ được giao tận nhà trong một thời gian nhất định.

Tại Siêu thị điện máy HC Thanh Hóa việc ứng dụng TMĐT đã được triển khai từ năm 2017, song từ năm 2020, khi tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, thì hình thức bán lẻ hiện đại này mới cho thấy hiệu quả rõ nét. Anh Đinh Hữu Thuận, Giám đốc Siêu thị điện máy HC Thanh Hóa, cho biết: Siêu thị điện máy HC đã ứng dụng TMĐT và chuyển đổi số trong nhiều khâu, như: quảng cáo trên website, facebook, fanpage riêng; sử dụng nguồn dữ liệu của khách hàng để thực hiện bán hàng qua tổng đài. Đồng thời, thuê một bên thứ 3 để lọc, khoanh vùng đối tượng khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, siêu thị thường xuyên tổng hợp, cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về sản phẩm để đưa lên website, nhằm tạo cho khách hàng môi trường tốt nhất để so sánh, lựa chọn sản phẩm. 7 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của Siêu thị điện máy HC Thanh Hóa đạt 200 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bán hàng online đạt 20-25 tỷ đồng, tương đương với 12-15%.

Không chỉ có các siêu thị mà nhiều chủ cơ sở bán lẻ truyền thống cũng từng bước ứng dụng TMĐT và nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ Tây thành, cho biết: “Chỉ cần trang bị một máy tính hoặc điện thoại di động thông minh là có thể tích hợp hết toàn bộ dữ liệu xuất, nhập hàng hóa, thông tin của những khách hàng mua sắm tại ki-ốt và thực hiện quảng cáo, bán sản phẩm trên mạng xã hội. Hiện tại, việc ứng dụng TMĐT đã giúp tôi quản lý tốt việc buôn bán, nắm bắt thông tin và chăm sóc khách hàng thường xuyên. Ngoài ra, kinh doanh trên không gian mạng giúp giảm chi phí thuê nhân công nhưng vẫn có thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng số, lượng khách hàng, người tiêu dùng lựa chọn mua sắm qua TMĐT ngày càng nhiều. Nguyên nhân được khách hàng lý giải chính là sự tiện lợi, đa dạng các mặt hàng với đầy đủ thông tin, giá cả. Người tiêu dùng có thể so sánh, lựa chọn để tìm ra mặt hàng phù hợp với giá cả cạnh tranh nhất. Đồng thời, ở thời điểm tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bán lẻ online được xem là một kênh tiềm năng, có nhiều điều kiện phát triển, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, kinh doanh qua TMĐT cũng là một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” khiến các cơ quan, ngành chức năng gặp khó trong công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, khi xảy ra tranh chấp, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế trên cho thấy, lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn TP Thanh Hóa đang ngày càng sáng tạo, chủ động hội nhập với thị trường. Sự thay đổi trong hình thức kinh doanh của nhiều siêu thị, doanh nghiệp không chỉ góp phần tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, của tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mà còn thúc đẩy ngành dịch vụ - thương mại của TP Thanh Hóa tiếp tục phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động dịch vụ - thương mại trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động; thị trường hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, giá cả ổn định. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 30.746 tỷ đồng, đạt 47,3% kế hoạch, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có giá trị tiêu thụ tăng so với cùng kỳ như: đồ dùng gia đình, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng...

Ðể đẩy mạnh phát triển bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ 4.0 hiệu quả, các doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ trên địa bàn TP Thanh Hóa cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, giảm khâu trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, xây dựng hình ảnh, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Thụy Châu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]