Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết, các dự án Luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chủ trì thảo luận tại tổ.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý, các ĐBQH cho rằng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được đưa ra thảo luận là hết sức quan trọng. Đây là nội dung rất cần thiết phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy.
Tham gia góp ý vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Điều 11 phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, trong đó Khoản 4 quy định “Việc phân quyền, phân cấp, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật này, bảo đảm quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả. Trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã”. Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắn nội dung này với 2 lý do: Nội dung này không phải là phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, mà là làm thay công việc, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp xã.
ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận tại tổ.
Nếu dự thảo luật quy định nội dung này thì trong thực tế nhiều việc khó, việc nhạy cảm, việc phải chịu trách nhiệm,... cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp xã sẽ đẩy lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trông chờ, ỷ lại vào UBND tỉnh. Như vậy sẽ không phù hợp nguyên tắc “Những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do chính quyền địa phương quyết định và tổ chức thực hiện; phát huy vai trò tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương” (Khoản 5, Điều 4 của Luật này)
Tại Khoản 3, Điều 12 về phân quyền có quy định: “UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem có cần thiết quy định nội dung này trong luật không? Vì nếu đề xuất như nội dung này thì chính là phản ánh, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi quy định pháp luật liên quan về thẩm quyền giải quyết công việc của một luật nào đó; và như vậy phải theo quy trình làm luật, không đáp ứng được yêu cầu giải quyết ngay để tháo gỡ khó khăn trong chỉ đạo, điều hành ở cơ sở.
Do vậy, nếu quy định để mang tính tháo gỡ khó khăn cho cơ sở thì Luật nên viết lại là: “UBND cấp tỉnh được quyền phân quyền cho cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện của địa phương và tự chịu trách nhiệm phân quyền đó”.
Đại biểu Lại Thế Nguyên cũng đề nghị bỏ Khoản 19, Điều 17 về “Căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp xã, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển đô thị, đặc khu”, vì tại Điều 14 đã quy định đầy đủ các nguyên tắc, điều kiện để được ủy quyền.
Đối với Khoản 6, Điều 37 quy định “Trường hợp người được HĐND bầu được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho nghỉ hưu theo quy định hoặc từ trần thì không phải thực hiện thủ tục miễn nhiệm tại HĐND. Thường trực HĐND báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất đối với trường hợp không thực hiện thủ tục miễn nhiệm tại HĐND quy định tại khoản này", đại biểu Lại Thế Nguyên thống nhất nội dung này và đề nghị đối với trường hợp đại biểu HĐND chuyển công tác khỏi địa bàn đơn vị hành chính được bầu thì cũng không phải làm thủ tục miễn nhiệm.
Khoản 3, Điều 39 cơ cấu tổ chức UBND quy định: “Căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã về ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã theo quy định của Chính phủ”.
Đại biểu cho rằng, quy định này là tùy nghi, tùy tình hình ở địa phương để UBND xã thành lập phòng hay không thành lập phòng hoặc làm việc theo chế độ chuyên viên, đề nghị trên nguyên tắc tổ chức bộ máy của Nhà nước nói chung và UBND cấp xã nói riêng nên thống nhất. Do đó, đề nghị UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn vì cấp xã hiện nay sẽ làm hai nhiệm vụ của cấp huyện và của cả cấp xã cũ. Tổ chức các phòng sẽ xây dựng lề lối làm việc khoa học, chuyên môn hóa sâu trong tham mưu ở cơ sở...
ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý tại tổ.
Tham gia góp ý về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, để đảm bảo việc thực hiện chế độ chính sách đối với những người có tài năng trong hoạt động công vụ thì đề nghị nên giao cho Chủ tịch UBND quy định những điều kiện, tiêu chuẩn đối với những người có tài năng trong hoạt động công vụ. Cần phải đánh giá lại tác động, thực tế về quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ. Trong đó, cần đánh giá tác động đối với cán bộ công chức ở những đơn vị sáp nhập mà Nhà nước phải hỗ trợ cho thuê nhà ở công vụ, hỗ trợ về phương tiện đi lại...
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để chuyển đến các cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2025-05-08 10:34:00
Cần có nội dung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sự cố hóa chất
-
2025-05-08 10:18:00
Thiết lập “lưới” sàng lọc cán bộ
-
2025-05-07 18:00:00
[Bản tin 18h] Thống nhất dạy 2 buổi/ngày, miễn học phí từ năm học tới
Mặt trận 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn ký kết bản ghi nhớ giai đoạn 2025-2027
Tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy tiến độ đầu tư công của Tổ công tác số 2
Dấu ấn Thanh Hóa trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Tên các xã sau sắp xếp tại huyện Nông Cống
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tiếp xã giao Đoàn đại biểu Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn
Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”
Cần xem xét bổ sung thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy
Phân công triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Hải quân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025): Trọn “Lời thề giữ biển”