Về nơi có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Xã Tân Phúc (Nông Cống) là vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa gắn liền với lịch sử ngàn năm của dân tộc. Người dân nơi đây luôn tự hào có nhiều di tích tiêu biểu, trong đó có 2 di tích là đền thờ Võ Uy ở thôn Ngọc Uyên và đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu ở thôn Thái Sơn được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Đền thờ Võ Uy tại thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc (Nông Cống).
Cũng giống như nhiều làng quê khác, hiện tại các làng ở Tân Phúc còn nhiều đền thờ các vị công thần có công với quê hương, đất nước, nhiều nhất là các công thần thời Lê. Tiêu biểu trong số đó là Võ Uy và Lê Hiểm, Lê Hiêu thuộc những bậc khai quốc công thần đời Hậu Lê. Tại đền thờ Võ Uy, thần phả của đền ghi rõ: Sau hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi đã cắt cử tướng văn, tướng võ, trong đó Võ Uy, ngoài việc tiên phong là bậc Thượng tướng quân thần còn kiêm tướng hậu cần, chia nhau dốc sức đội quân thiết đột địch. Vào năm Giáp Thìn (1424) Võ Uy vâng mệnh hầu Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đem quân thiết đột quân Minh, sai phái quân lên trước phá trận Trấn Năng (Bát Mọt - Thường Xuân), bắt được tướng, lại đuổi chúng đến các huyện Thụy Nguyên (Yên Định, Thiệu Hóa), Nông Cống, Lôi Dương (Thọ Xuân).
Tại trận đánh quân Minh ở Thuận Thiên - An Định, năm 1424 ông đã anh dũng hy sinh. Võ Uy có công lớn đối với triều đình và được vua Lê Lợi phong là Anh hùng hầu lệ Khả Lam cho phù quốc sự. Sau phong nhập Thiếu úy Trương Quốc công, Võ Uy được vua ban quốc tính là họ Lê (họ của vua Lê Lợi). Võ Uy là một trong số 12 công thần hy sinh ngoài mặt trận được an táng tại Lam Sơn cùng với Lê Lai, về sau con cháu đưa dời mộ về Đa Căng, Nông Cống. Nhớ ơn danh tướng Võ Uy, sau khi ông mất, Nhân dân các làng đều lập bàn thờ, tuy nhiên hiện nay còn lại duy nhất là đền thờ Võ Uy ở thôn Ngọc Uyên.
Ông Nguyễn Hữu Chính, trưởng thôn Ngọc Uyên, trưởng ban quản lý di tích đền thờ Võ Uy, cho biết: Đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVI trên diện tích 450m2, kết cấu 5 gian, xây dựng theo lối kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Đền thờ Võ Uy được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh, bom đạn ác liệt khiến ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ phần mái bị nứt, dột, một số cấu kiện gỗ bị mối mọt... Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ năm 2019, cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện, xã Tân Phúc đã vận động kêu gọi người dân địa phương cũng như con em trên mọi miền đất nước đóng góp, tôn tạo lại đền. Sau 2 năm vận động xã hội hóa, ngôi đền được tôn tạo với nhiều hạng mục như hạ giải toàn bộ mái; thay đổi toàn bộ cửa chính; tu bổ, phục hồi các loại ván gió, ván ngạch, gỗ lim; lát gạch, nâng nền; cải tạo khuôn viên... với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.
Cùng với đền thờ Võ Uy, đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu cũng là niềm tự hào của người dân địa phương. Đền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Thần phả của đền ghi rõ: Cụ Hồng Quốc công Lê Hiểm sinh năm 1392 phủ Thiệu Thiên, huyện Ngọc Lặc, là một tướng lĩnh có tài thao lược trong những trận chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Ông mất năm Quý Mùi (1463) thọ 72 tuổi, được vua ban tên Thụy là Trung Định và được tặng phong Thượng đẳng phúc thần Đại Vương.
Cung quốc công Lê Hiêu là con trai độc nhất của cụ Lê Hiểm, là một trong 18 người nghĩa sĩ được dự Hội thề Lũng Nhai. Cha con cụ Lê Hiểm, Lê Hiêu đã tham gia vào nhiều trận đánh lớn, đáng nhớ lớn nhất là trận phục kích Chi Lăng ngày 20/9 năm Đinh Mùi (1427) chém đầu đại tướng Liễu Thăng ở Mã Yên; trận truy quét ở Phố Cát bắt sống 5 vạn quân địch, chém đầu Phó tướng Lương Minh, buộc Thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự tử. Tiếp nối truyền thống của ông cha, Thái sư Lạng Quốc công Lê Phụ là con trai thứ 6 của cụ Lê Hiêu, vào ngày 1/8 năm Nhâm Ngọ (1552) cuộc chính biến do Mạc Đăng Dung nhằm lật đổ nhà Lê nổ ra, lúc đó mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng ông cũng đã tham gia cùng các quan trong triều dẹp yên được chính biến. Ông cùng 7 người con trai tham gia triều chính cùng góp sức xây dựng và củng cố nhà Lê.
Với những công lao to lớn đối với đất nước, cha, con, cháu cụ Lê Hiểm, Lê Hiêu, Lê Phụ đã được các vương triều tặng nhiều sắc phong. Cụ Lê Hiểm được triều Lê tặng 7 sắc phong, triều Nguyễn tặng 3 sắc phong; cụ Lê Hiêu được triều Lê ban tặng 5 sắc phong, triều Nguyễn 3 sắc phong; cụ Lê Phụ được triều Nguyễn ban tặng 7 sắc phong và một chân dung lụa. Đền được xây dựng khang trang, nhưng vì nhiều nguyên do khiến đền bị hư hỏng theo thời gian. Tuy nhiên, trong những ngày đầu xuân năm 2024, niềm vui đến với chính quyền và Nhân dân nơi đây khi nhận được Công văn số 4613-CV/VPTU của Tỉnh ủy về thống nhất chủ trương đầu tư và phương án thiết kế, tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Hiểm - Lê Hiêu, xã Tân Phúc (Nông Cống).
Ông Nguyễn Hữu Bích, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc, cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và chung tay đóng góp của các thế hệ người dân trong xã, các đền thờ này đã và đang được tôn tạo với nhiều hạng mục để xứng tầm với di tích cấp quốc gia. Hy vọng, đây sẽ là nơi không chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng văn hóa làng xã, từ đó để cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương Tân Phúc ngày càng khởi sắc.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Tân Phúc (1930-2013).
- 2024-11-08 14:40:00
Thu hút khách từ thị trường các tỉnh Tây Bắc đến với Thanh Hóa bằng lợi thế và sự khác biệt
- 2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
- 2024-02-17 12:48:00
Du xuân lên thăm đền Tép
Chiêm ngưỡng tòa thành độc nhất vô nhị tại xứ Thanh
Phủ Na trang hoàng rực rỡ đón xuân Giáp Thìn
Chùa Đông Sơn trên đất cổ Hàm Rồng
Một vùng thắng tích
Lan tỏa những việc làm theo Bác ở Thọ Cường
Ngày đông - nói chuyện du lịch bốn mùa
Hành trình khám phá thung lũng Lang Lung, thác Rồng
Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang
Du lịch Thanh Hóa, nhìn từ khách nội tỉnh