(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, ngư dân đang tấp nập chuẩn bị cho tàu thuyền ra khơi, rồi cập bến trở về với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt.

Để ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển

Những ngày này, tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh, ngư dân đang tấp nập chuẩn bị cho tàu thuyền ra khơi, rồi cập bến trở về với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt.

Để ngư dân vững tin vươn khơi, bám biểnNgư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Từ sáng sớm tinh mơ, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) đã rộn ràng, tấp nập. Nhiều ngư dân đang sửa soạn lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho hành trình vươn khơi. Vừa kiểm tra lại lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu mang biển số TH-90388-TS, thuyền trưởng Phạm Văn Hưng chia sẻ: Thuyền của tôi “mở hàng” từ sáng mùng 4 Tết Nguyên đán. Nhờ thời tiết thuận lợi nên đã giúp chuyến ra khơi “trúng đậm” được luồng hải sản lớn. Thành quả này giúp chúng tôi có thêm chi phí để sắm sửa ngư cụ và cũng là động lực để ra khơi cả năm. Tôi cùng các thuyền viên đang kiểm tra lại tàu và sắm sửa thêm một số vật dụng như đá, lương thực, thực phẩm, bánh, nước ngọt để chuẩn bị cho hành trình vươn khơi dài ngày. Trước khi đi chúng tôi đều sắm sửa lễ vật để cúng cá ông, cúng thuyền, cúng bến... cầu bình an, may mắn và được nhiều “lộc biển”. Đối với những ngư dân như chúng tôi, vươn khơi bám biển không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mà cũng là mong muốn góp phần giữ gìn biển đảo quê hương.

Không chỉ những ánh mắt hân hoan, phấn khởi của ngư dân mà các thương lái cũng vui mừng vì những ngày mở hàng đầu năm đã nhộn nhịp, đắt hàng. Khắp khu vực bến cá xã Hoằng Trường những chuyến xe liên tục vào ra, những khay cá nặng được những bàn tay thoăn thoắt đang hối hả chuyển từ tàu xuống các khoang hàng khiến cho không khí sôi động, tấp nập hẳn lên. Theo một số tiểu thương đang thu mua hải sản tại đây cho biết: Những phiên chợ đầu năm thường “cháy hàng” do nhu cầu tiêu dùng hải sản của người dân sau tết tăng cao. Bởi vậy, ngư dân đánh bắt đến đâu là chúng tôi thu gom đến đó. May mắn là từ ra tết đến nay thời tiết thuận lợi, ngư dân cũng tích cực bám biển nên hàng hóa cũng đa dạng và nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) hiện có 138 phương tiện khai thác thủy, hải sản. Việc ra khơi “đón lộc” những ngày đầu năm mới như một nghi thức truyền thống của ông cha từ xa xưa truyền lại ở nơi đây. Ngư dân Nguyễn Văn Cường ở thôn Nam Huân theo nghề đi biển đã lâu cho biết: Ngư dân chúng tôi quanh năm lênh đênh trên biển nên ai cũng cầu mong cho chuyến ra khơi đầu xuân được thuận lợi, để cả năm suôn sẻ, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Đặc biệt, sau tết cũng là thời điểm biển có nhiều luồng tôm, cá, nên rất dễ trúng đậm. Chính vì thế, ngay từ mùng 6 tết chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện như lương thực, ngư lưới cụ, tu sửa máy móc, trang thiết bị để ra khơi ngay. Theo ước tính trong 1 tuần đi biển chúng tôi khai thác được trên 40 tấn cá, với tổng thu nhập trên 500 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc Nguyễn Văn Huân, cho biết: Từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán đến nay trên địa bàn xã đã có 70% tàu thuyền ra khơi để khai thác thủy, hải sản. Để ngư dân ra khơi an toàn, hiệu quả, ngay trong những ngày đầu năm mới xã đã tích cực thông tin diễn biến thời tiết để bà con nắm bắt. Đồng thời luôn khuyến cáo ngư dân thường xuyên tu sửa, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ; trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, an toàn hàng hải. Trong quá trình đánh bắt, các tàu cũng phải tích cực cập nhật các bản tin dự báo thời tiết của các đài thông tin duyên hải và cơ quan chức năng. Qua đó, để đảm bảo cho việc ra khơi được an toàn.

Để tạo điều kiện cho ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển, ban quản lý các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đã nâng cao tinh thần, trách nhiệm, điều động nhân viên, phân ca trực sẵn sàng hỗ trợ tàu thuyền ra, vào cảng cá. Tại Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) từ đầu năm đến nay đã có 40 tàu thuyền rời cảng ra khơi đánh bắt. Đồng hành với ngư dân, ban quản lý cảng cá thường xuyên nắm bắt tình hình, sắp xếp lịch trình xuất bến, tăng cường kiểm tra các điều kiện về an toàn của phương tiện. Đồng thời, luôn khuyến cáo chủ tàu, thuyền chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng mỗi khi gặp sự cố.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6.513 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản. Trong đó, có 1.162 phương tiện công suất lớn có chiều dài từ 15m trở lên. Các phương tiện này hầu hết đều đánh bắt ở những vùng khơi dài ngày. Để nâng cao hiệu quả của nghề đánh bắt thủy, hải sản và để đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền cho ngư dân về điều kiện bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền khi ra khơi, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn ngư dân cách phòng tránh tai nạn, rủi ro trên biển; tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn, sự cố trên biển...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]