Về nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa
94 năm trước, vào ngày 10/7/1930, tại Nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Thiệu Hóa đã được tiến hành. Đây là 1 trong 3 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Di tích cách mạng Nhà thờ họ Vương - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của huyện Thiệu Hóa.
Về Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương, trong những ngày này, chúng tôi được ông Vương Xuân Hạt giới thiệu: “Tại chính nơi đây, ông nội tôi đã sinh sống, hoạt động và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân”. Người được ông Vương Xuân Hạt trân trọng nhắc đến đó là đồng chí Vương Xuân Cát, người Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa. Sinh năm 1901 tại làng Phúc Lộc, tổng Phù Chẩn (nay là thôn Phúc Lộc 1, xã Thiệu Tiến), ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha làm nghề thầy thuốc. Đầu năm 1926, ông tham gia vào nhóm đọc sách, báo “Thập nhân chi hội” và sau đó được chú ruột là Vương Mậu Kiểm, một thầy giáo dạy tư thục và là thành viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên giới thiệu vào tổ chức này. Vốn nhạy cảm với thời cuộc lại được huấn luyện chu đáo, Vương Xuân Cát đã cùng các đồng chí của mình tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân về đường lối cách mạng đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá; chống các hủ tục lạc hậu, vận động mọi người dân học chữ Quốc ngữ; tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn...
Cuối năm 1929, địch khủng bố ráo riết, nhiều người hoạt động trong các tổ chức Tân Việt, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Thiệu Hóa đã bị bắt, giam cầm, tù đày; số đồng chí còn lại phải trốn tránh, lánh đi tỉnh khác hoạt động. Vương Xuân Cát và một số hội viên còn lại nằm im chờ đợi thời cơ hoạt động.
Đầu tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (người xã Hoằng Giang, Hoằng Hóa) là đảng viên cộng sản Đảng bộ tỉnh Hà Nam, đại diện Xứ ủy Bắc kỳ, vào Thanh Hóa xây dựng cơ sở đảng. Đồng chí Chấp đã về hoạt động ở Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân và liên lạc với đồng chí Vương Xuân Cát ở làng Phúc Lộc để trao đổi tình hình và bàn kế hoạch thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở Thiệu Hóa. Vương Xuân Cát chắp mối với các đồng chí nguyên là hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, như: Hoàng Trọng Bình ở làng Ngô Xá (nay thuộc xã Minh Tâm); Ngô Ngọc Toản ở làng Yên Lộ (nay thuộc xã Thiệu Vũ); Lê Xuân Mạc, người cùng làng. Sau một thời gian bồi dưỡng và thử thách, ông cùng các đồng chí này được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 10/7/1930 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa được tổ chức tại Nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến). Tại hội nghị, đồng chí Vương Xuân Cát được bầu làm Bí thư chi bộ. Sau khi nhận nhiệm vụ ông đã nêu hướng hoạt động trước mắt là dựa vào các tổ chức để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, đẩy mạnh hoạt động cách mạng, bồi dưỡng phát triển đảng viên; đồng thời phân công các đảng viên trong chi bộ phụ trách từng vùng để từ đó phát triển cơ sở đảng. Từ 4 đảng viên ban đầu đến tháng 12/1930, chi bộ Phúc Lộc đã có 11 đảng viên chia làm hai tiểu tổ. Tiểu tổ ở tổng Xuân Lai do Hoàng Trọng Bình làm tổ trưởng, tiểu tổ ở tổng Phù Chẩn do Vương Xuân Cát làm tổ trưởng.
Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng ở Thiệu Hóa. Lúc này Vương Xuân Cát cùng các đảng viên trong chi bộ tập trung xây dựng các tổ chức quần chúng, nòng cốt là Nông hội đỏ được thành lập ở nhiều làng trên địa bàn Thiệu Hóa, lan sang cả Thọ Xuân, Yên Định. Vừa lúc phong trào đang lên cao thì tháng 12/1930, địch tổ chức lùng sục triệt phá các tổ chức quần chúng ở tổng Xuân Lai, tổng Phù Chẩn; 7 trong số 11 đảng viên ở chi bộ Phúc Lộc bị bắt, trong số đó có Vương Xuân Cát. Ông bị giam ở nhà lao Thanh Hóa 3 tháng, sau đó bị chuyển sang nhà tù Lao Bảo.
Trong chốn lao tù khổ ải, đồng chí Vương Xuân Cát luôn nêu cao chí khí của người cách mạng, người cộng sản kiên trung, chống chế độ lao tù hà khắc, chống tra tấn dã man, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt đối với tù chính trị. Thời điểm đó, ở Pháp, mặt trận bình dân lên cầm quyền; phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi ân xá cho tù chính trị ở các nước thuộc địa lên cao, trong đó có Việt Nam. Vì thế mà đồng chí Vương Xuân Cát cùng nhiều tù nhân chính trị và các chiến sĩ yêu nước được thả tự do.
Ra tù, về sinh sống với gia đình song ông vẫn bị chính quyền thực dân theo dõi, áp dụng hình thức quản chế tại gia. Mặc dù vậy ông vẫn tìm đủ mọi cách để liên lạc với tổ chức đảng, tiếp tục hoạt động củng cố gây dựng các cơ sở quần chúng, đưa những người giác ngộ cách mạng tham gia ứng cử vào hội đồng hương chính (chính quyền thực dân) để khống chế và loại trừ những tên tay sai, phản động trong tổ chức chính quyền cơ sở.
Năm 1940, Đảng bộ Thiệu Hóa giao nhiệm vụ cho ông Vương Xuân Cát vận động thành lập “Hội phản đế cứu quốc” ở làng Phúc Lộc, từ đó nhanh chóng lan rộng ra khắp phủ Thiệu Hóa. Tháng 5/1941, thực hiện chủ trương của Hội nghị Liên Tỉnh ủy Thanh - Nghệ - Tĩnh, ông đã lãnh đạo các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng ở làng Quan Trung, xã Thiệu Tiến phát động Nhân dân đứng lên chống thuế, không nạp mức tăng thêm.
Từ giữa năm 1941, ông tích cực chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng ở địa phương, vận động Nhân dân tham gia ủng hộ chiến khu Ngọc Trạo cả về vật chất, tinh thần và tiến hành các hoạt động nhằm làm phân tán sự chú ý của kẻ thù đối với chiến khu Ngọc Trạo. Tháng 10/1941, chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, Thiệu Hóa bị địch tấn công, khủng bố ác liệt, địch giăng mạng lưới mật thám dày đặc ở khắp nơi. Vương Xuân Cát vẫn vững vàng cùng các chiến sĩ cộng sản trong Đảng bộ phủ Thiệu Hóa lãnh đạo quần chúng đấu tranh ngoan cường với địch. Tháng 12/1942, ông vận động được 80 người dân làng Quan Trung đấu tranh chống bọn lý hương biển thủ muối, diêm. Ngoài ra còn tổ chức tập hợp quần chúng vào các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc...
Sau khi được huấn luyện quân sự tại làng Yên Lộ, đồng chí Vương Xuân Cát và đồng chí Lê Văn Mạc đã thành lập tổ chức Việt Minh làng Quan Trung. Trong cao trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại hai làng Yên Lộ, Quan Trung đã thành lập được 5 trung đội vũ trang, là lực lượng nòng cốt tham gia đánh chiếm phủ Thiệu Hóa.
“Cả cuộc đời ông tôi gắn với cách mạng. Sau khi góp phần vào công cuộc giành và bảo vệ chính quyền, ông tôi đã tham gia công tác chính quyền làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã, vận động Nhân dân đi bộ đội, dân công tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Ghi nhận những cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông nội tôi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập”, ông Vương Xuân Hạt tự hào nói với chúng tôi.
“Phát huy truyền thống cách mạng của Nhân dân xã Thiệu Tiến nói chung, người bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa Vương Xuân Cát nói riêng, Đảng bộ và Nhân dân trong xã luôn nỗ lực, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn... Thiệu Tiến phấn đấu hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025”, ông Ngô Văn Tịnh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Tiến cho biết.
Bài và ảnh: Kiều Huyền
(Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa”, tập 2, NXB Thanh Hóa, 2017).
{name} - {time}
-
2024-12-27 15:27:00
Trên đất Kẻ Đinh
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-01-26 09:23:00
Trên đất An Lạc Châu
Người giữ gìn văn hóa dân tộc Thổ
Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội
Chủ tịch Tập đoàn DVA tặng quà tết cho người nghèo huyện Ngọc Lặc
Những người giữ nghề tò he ở xứ Thanh
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất Châu Lang
Về làng Như Áng
Tự hào làng Trịnh Điện
Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng Trung
Dấu tích Hội thề Lũng Nhai trên đất Ngọc Phụng