Những “cây cao bóng cả” của nghệ thuật hát bội
Với người dân xứ Thanh khi nhắc đến chèo mọi người nghĩ ngay đến đất Hoằng Phượng, còn nói đến hát bội thì không đâu vượt qua được đất Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Nơi đây, sức sống mãnh liệt của hát bội vẫn được duy trì qua hàng chục năm bởi những “cây cao bóng cả”, những người đã dành trọn cuộc đời cho đam mê, cống hiến và giữ gìn đến tận ngày nay.
CLB Nghệ thuật truyền thống xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa). Ảnh: Vân Anh
Âm vang mạnh mẽ của trống, réo rắt của nhị, trầm bổng của sáo... khiến chúng tôi dễ dàng tìm được địa điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật truyền thống xã Hoằng Quỳ. May mắn, đúng hôm các thành viên đang diễn tập trích đoạn tuồng cổ “Nữ tướng Đào Tam Xuân đề cờ”, vai diễn nữ tướng để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem khi cảm nhận rõ tính cách mạnh mẽ, quyết liệt nhưng thống khổ, đau đớn khi cùng lúc nhận tin chồng và con bị sát hại. Trích đoạn không dài nhưng đã khiến chúng tôi rất xúc động.
Khi các diễn viên làm sạch lớp mặt nạ, chúng tôi lại một lần nữa kinh ngạc khi nhận ra những vai diễn tài năng, khí phách vừa qua được thể hiện bởi những cụ già đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”. Vừa kinh ngạc chúng tôi vừa tự hào khi nhận ra nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có đất “sống”, đất “diễn” trên mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử này.
Mọi người đều hiểu, nghệ thuật truyền thống đã không còn sức hút mãnh liệt với giới trẻ như trước, không còn nhiều bạn trẻ đam mê và gắn bó với nó. Chỉ những cụ già đã từng sống ở thời “vàng son” của nghệ thuật truyền thống vẫn luôn lưu luyến xem như “báu vật” cha ông để lại mà nỗ lực gìn giữ và phát huy. Nghệ thuật tuồng ở Hoằng Quỳ cũng vậy, đã và đang được gìn giữ bởi những “cây cao bóng cả”. Tuy nhiên, dù không có nhân tố “trẻ” nhưng trên mảnh đất này, tuồng vẫn có sức sống mãnh liệt. Tiếng tuồng cổ không những âm vang trong các dịp lễ lớn của làng, xã, đất nước mà còn vang vọng khắp đường làng, ngõ xóm, những người trung tuổi trong xã ai cũng có thể ca một câu tuồng hoặc diễn góp vui vài ba điệu tuồng. Và “bí quyết” ấy bắt nguồn từ đâu?
Theo ông Lê Đỗ Khải (80 tuổi), Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật truyền thống xã Hoằng Quỳ thì không ai biết nghệ thuật tuồng xuất hiện ở đất Hoằng Quỳ từ khi nào, chỉ biết từ xưa thôn nào ở làng cũng có gánh hát bội, trong đó có gánh hát nổi tiếng khắp vùng, đi biểu diễn khắp nơi, tham gia các cuộc thi của huyện, tỉnh lúc bấy giờ. Điều đó khiến người dân trong làng tự hào và hãnh diện, nhiều đứa trẻ chỉ 12, 13 tuổi đã biết hát tuồng. Niềm tự hào ấy mãi in đậm trong tâm trí người dân lúc đó và mãi về sau.
Bản thân ông Khải biết hát tuồng năm 12 tuổi, được mẹ - một kép chính truyền dạy. Đến năm 15 tuổi ông đã được đứng trên sân khấu diễn cùng mẹ, do vậy tình yêu với tuồng từ lâu đã ngấm vào máu thịt của ông. Sau này dù làm công việc gì, ở đâu trên đất nước ông Khải luôn tiên phong trong hoạt động văn nghệ, mang tiếng hát tuồng giải khuây cuộc sống, làm đẹp cho đời. Tuy nhiên, theo thời gian, các nghệ nhân dân gian già yếu, người trẻ biết đến tuồng qua những câu chuyện tiếc nuối, không được sống ở thời rực rỡ nhất của tuồng nên họ không mặn mà. Quê hương thưa dần những câu tuồng, cũng như không có hoạt động biểu diễn. "Không muốn nghệ thuật tuồng chỉ còn trong tâm trí, năm 2006, tôi tập hợp những người yêu mến tuồng vào một nhóm riêng, năm 2012 thành lập CLB Hát tuồng Hoằng Quỳ, sau đổi tên thành CLB Nghệ thuật truyền thống Hoằng Quỳ nhằm tập hợp thêm những môn nghệ thuật truyền thống khác nữa”, mở đầu câu chuyện khôi phục lại nghệ thuật hát tuồng tại Hoằng Quỳ, ông Khải cho biết.
Bản thân ông Khải là “con nhà nòi” và những người trong nhóm của ông cũng vậy, nên việc phục dựng lại các điệu tuồng cổ không khó. Để có chỗ luyện tập, thành viên trong đội sẵn sàng hiến đất, các thành viên khác góp tiền xây cơ sở. Trang phục, đạo cụ cũng được chuẩn bị đầy đủ, ban đầu đang còn khó khăn thì đội tự làm hoặc đi xin từ những gia đình trong làng còn lưu giữ. “Đầu tư giữ gìn nghệ thuật truyền thống hoàn toàn xứng đáng, nên mọi người đều cố gắng mỗi người một chút, người có công góp công, người có tiền góp tiền” là tâm sự của bác Lê Xuân Hùng (thành viên CLB) nhưng cũng là suy nghĩ của tất cả thành viên CLB.
Bên cạnh đó, trong lòng mỗi người dân xã Hoằng Quỳ dấu ấn tự hào tiếng tuồng cổ năm xưa vẫn còn đó, vì vậy việc lập lại đội văn nghệ như ngọn lửa thổi bùng lên khát khao, được người dân ủng hộ cả về vật chất và tinh thần.
Sau khi thành lập, đội tích cực tham gia hoạt động giao lưu, biểu diễn trong làng, xã. Việc biểu diễn chỉ nhằm mục đích cống hiến, lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo người dân hơn nữa. Chính các cụ đã tự tạo ra cho mình một sân chơi vui, khỏe và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Sân chơi ấy không những thể hiện bản lĩnh người già mà còn cho thấy quyết tâm giữ gìn nghệ thuật truyền thống cha ông. Như cụ Hoàng Ngọc Kỷ đến từ xã Hoằng Sơn, dù đã 86 tuổi nhưng chưa lần nào CLB đi diễn mà vắng cụ. Cụ vừa là đạo diễn, là nhạc công kéo nhị, là người vẽ mặt diễn viên... ở vai trò nào cụ cũng làm tốt công việc của mình. Mỗi lần diễn xong cụ đều ở lại trao đổi, góp ý với các diễn viên. Chỉ giản dị vậy thôi, nhưng ai cũng cảm nhận rõ tình yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này luôn “cháy” trong lòng các cụ. Và dòng chảy tâm huyết đó đã và đang được “nêu gương” trao truyền đến thế hệ tiếp theo.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho chị Lê Thị Nguyên (TP Sầm Sơn), dù nhà cách CLB khoảng 25 km nhưng vẫn muốn gia nhập, vui khỏe cùng các cụ. Chị tâm sự: “Tôi gia nhập CLB một phần vì tình yêu với nghệ thuật truyền thống, một phần vì cảm nhận tinh thần cống hiến, không ngại khó, ngại khổ của những người đáng ra đang “an hưởng tuổi già”. Mỗi lần cất lên tiếng hát bao phiền muộn, áp lực đều quên hết. Hơn thế, tinh thần của các cụ khiến chúng tôi thấy phải có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản của cha ông”. Hiện tại 34 thành viên của CLB, người lớn tuổi nhất đã gần 90 tuổi, nhưng ai cũng đều tận tâm, nhiệt huyết.
Chính sự xông pha, cống hiến của các cụ khiến nhiều người nể phục, danh tiếng của CLB theo đó ngày một vang xa, tạo nên sức sống mãnh liệt cho CLB, đồng thời cũng là sức hút mọi người tham gia chung tay giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, với những người trẻ muốn tìm hiểu và học hỏi nghệ thuật truyền thống, các cụ rất trân trọng và tận tình dạy bảo.
Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-01-11 15:14:00
Chủ tịch Tập đoàn DVA tặng quà tết cho người nghèo huyện Ngọc Lặc
Những người giữ nghề tò he ở xứ Thanh
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất Châu Lang
Về làng Như Áng
Tự hào làng Trịnh Điện
Ngôi đình trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa Bồng Trung
Dấu tích Hội thề Lũng Nhai trên đất Ngọc Phụng
“Cuội chót” nặng lòng với dân ca, dân vũ Đông Anh
Những người trẻ tâm huyết với lịch sử, văn hóa truyền thống
Vùng đất Kẻ Nưa xưa và nay