(Baothanhhoa.vn) - Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành (SBN) cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) Thanh Hóa đã qua 3 “mùa” đánh giá. Ở mỗi năm, thứ bậc, điểm số DDCI của các chủ thể được đánh giá lại có sự xáo trộn so với những năm trước. Tuy nhiên, ngoài kỳ vọng thay đổi chất lượng điều hành vì sự “ganh đua” khi “bị” chấm điểm và xếp hạng, DDCI hướng tới mục tiêu cao hơn là thẳng thắn nhìn rõ những dư địa cải cách cần tiếp tục hướng tới.

Đánh giá DDCI: Những dư địa cải cách nhìn rõ và hướng tới

Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành (SBN) cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) Thanh Hóa đã qua 3 “mùa” đánh giá. Ở mỗi năm, thứ bậc, điểm số DDCI của các chủ thể được đánh giá lại có sự xáo trộn so với những năm trước. Tuy nhiên, ngoài kỳ vọng thay đổi chất lượng điều hành vì sự “ganh đua” khi “bị” chấm điểm và xếp hạng, DDCI hướng tới mục tiêu cao hơn là thẳng thắn nhìn rõ những dư địa cải cách cần tiếp tục hướng tới.

Đánh giá DDCI: Những dư địa cải cách nhìn rõ và hướng tớiVận hành sản xuất tại Trung tâm điều hành Công ty Xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn).

Những chỉ số cần lưu ý

Kết quả công bố DDCI năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa cho thấy, điểm trung vị chỉ số DDCI của cả hai khối SBN và UBND cấp huyện đều có sự giảm nhẹ so với năm 2022. Cụ thể, điểm trung vị của khối SBN năm 2023 là 60,76 điểm, giảm 6,04 điểm so với năm 2022. Điểm trung vị của khối UBND cấp huyện năm 2023 là 60,99 điểm, thấp hơn 6,2 điểm so với năm 2022. Mặc dù, đây là những mức giảm không quá lớn, nhưng cho thấy chất lượng điều hành của các SBN cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện phần nào kém tích cực hơn theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Đặc biệt, với khối SBN, trong khi điểm số giữa các đơn vị có xu hướng cân bằng hơn và năm nay không có đơn vị nào bị xếp nhóm “chưa tốt”, nhưng điểm trung vị của toàn khối lại giảm, cho thấy điểm số của các đơn vị ở nửa trên của bảng xếp hạng có xu hướng giảm so với năm trước...

Không chỉ điểm số chung, mà điểm trung vị của các chỉ số thành phần cũng rất cần được lưu ý. Theo đó, khối SBN ghi nhận sự giảm điểm đáng kể của 5/7 chỉ số so với năm 2022; trong đó “Tính năng động và vai trò của người đứng đầu”, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” là hai chỉ số có điểm số giảm mạnh nhất, ở các mức -1,04 điểm và -1,00 điểm. Với khối UBND cấp huyện, có 7/8 chỉ số bị giảm điểm, trong đó chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” bị giảm điểm mạnh nhất -1,75 điểm; chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” cũng bị giảm điểm đáng kể -1,03 điểm. Điều này cho thấy, môi trường cạnh tranh công bằng giữa các DN là khía cạnh cần được lưu ý cải thiện hơn cả trong thời gian tới.

Cụ thể hơn, trong xếp hạng và điểm số từng chỉ số thành phần DDCI, sẽ nhìn thấy còn nhiều “điểm nghẽn” mà các SBN, các địa phương cùng nhìn nhận và định hướng, hoạch định giải pháp cải thiện rõ rệt hơn. Điển hình như ở khối UBND cấp huyện, phân tích chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin cho thấy, bên cạnh top 5 ấn tượng có điểm số rất cao như các huyện Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Nông Cống, huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa, thì có tới 3 đơn vị điểm số rất thấp và xếp ở nhóm “chưa tốt” là UBND các huyện: Lang Chánh, Mường Lát, Cẩm Thủy. Một số đơn vị bị giảm điểm đáng kể trong chỉ số này so với năm 2022, là các huyện: Hậu Lộc, Như Xuân, Quan Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, với các mức từ -1,81 đến -1,32 điểm.

Được biết, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin của khối UBND cấp huyện được cấu thành từ 12 chỉ tiêu cụ thể của 4 nhóm tiêu chí: Hiệu quả của cổng thông tin điện tử; công khai quy trình, thủ tục, thông tin; đánh giá văn bản ban hành; mức độ dễ dàng tiếp cận thông tin. Phân tích DDCI với chỉ số này cũng đã chỉ ra, tuy điểm trung bình của các chỉ tiêu năm nay cũng đạt mức khá cao nhưng chỉ có 1/12 chỉ tiêu đạt điểm số cao hơn năm trước, còn lại 11/12 chỉ tiêu có điểm số thấp hơn năm trước.

Cùng với đó, với chỉ số chi phí thời gian của khối UBND cấp huyện, bảng xếp hạng năm 2023 ghi nhận TP Sầm Sơn là đơn vị dẫn đầu, với 8,92 điểm. Đứng thứ hai là huyện Hoằng Hóa, với 8,76 điểm. Ở chiều ngược lại, thị xã Nghi Sơn và huyện Mường Lát là 2 đơn vị đứng cuối bảng, với 5,10 và 5,15 điểm. Đáng lưu ý, đây là năm thứ hai thị xã Nghi Sơn đứng cuối bảng ở chỉ số này.

Với khối SBN, trong khi điểm số về chi phí không chính thức của các đơn vị dẫn đầu bảng rất cao như Văn phòng UBND tỉnh đạt 9,59 điểm; Sở Công Thương đạt 8,85 điểm thì một số đơn vị ở top cuối chỉ được chấm điểm ở mức rất thấp như: Sở Giáo dục và Đào tạo 4,95 điểm; Cục Quản lý thị trường 5,19 điểm; Bảo hiểm Xã hội tỉnh 5,19 điểm; Sở Tài nguyên và Môi trường 5,73 điểm...

Cũng ở chỉ số này, các chỉ tiêu cấu thành phản ánh khá rõ rệt tình trạng DN phải trả chi phí không chính thức như: 26% DN trả lời cho rằng họ buộc phải trả chi phí không chính thức nếu muốn công việc do SBN giải quyết được thuận lợi, tăng nhẹ so với tỷ lệ 22% của năm 2022. Về nhóm tiêu chí “mức độ phổ biến của hiện tượng nhũng nhiễu”, có 76% DN đánh giá hiện tượng gây khó khăn cho DN tại SBN có xu hướng giảm bớt so với năm 2022, tuy nhiên vẫn có khoảng 25% DN phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn phổ biến tại SBN; trong đó, đáng lưu ý, ở 1 số SBN tỷ lệ DN phản ánh nhũng nhiễu vẫn lên tới 59%.

Hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện hơn

Sau khi phân tích, đánh giá DDCI 2023, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình khuyến nghị một số vấn đề cụ thể thuộc các nhóm cần được chú trọng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Đánh giá DDCI: Những dư địa cải cách nhìn rõ và hướng tớiCông chức sở, ngành giải quyết thủ tục hành chính cho DN, người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, ở cả hai khối SBN và UBND cấp huyện, mặc dù chỉ số hỗ trợ DN có cải thiện về điểm số nhưng vẫn cần lưu ý rằng, ở một số địa phương, công tác tiếp dân, đối thoại với DN định kỳ vẫn còn chưa được thực hiện tốt. Tỷ lệ DN được mời, tham gia vào hoạt động đối thoại DN ở một số địa phương còn thấp; đồng thời, cộng đồng DN ở một số địa phương còn chưa đánh giá cao tính nghiêm túc trong việc xử lý kiến nghị của DN. Đây là những khía cạnh cần được một số địa phương đặc biệt lưu tâm cải thiện.

Liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, nhìn chung các địa phương của Thanh Hóa có điểm số khá tốt và không có địa phương nào có điểm dưới trung bình, nhưng ở một số chỉ tiêu quan trọng, vẫn có những địa phương có điểm số thấp đáng lưu ý. Đặc biệt, ở một số địa phương, chỉ có khoảng 71% DN cho rằng “không phải trả chi phí bảo kê”; thậm chí có địa phương, chỉ có 55% DN cho rằng “hiện tượng trả chi phí cho dịch vụ bảo kê hoặc hỗ trợ xã hội phi chính thức để được yên ổn sản xuất, kinh doanh trên địa bàn là không phổ biến”. Do vậy, các địa phương có điểm số thấp ở các chỉ tiêu này cần xem xét rà soát lại công tác an ninh trật tự trên địa bàn, bảo đảm DN có thể yên tâm tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, với vấn đề tiếp cận đất đai ở các địa phương và giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới đất đai vẫn tiếp tục là lĩnh vực có điểm số thấp, với 16/27 địa phương có điểm nằm ở mức dưới trung bình. Sự chênh lệch điểm số giữa các đơn vị nhóm đầu và các đơn vị nhóm cuối ở chỉ số này cũng đặc biệt lớn, phần nào phản ánh mức độ khác biệt lớn về địa hình, mật độ dân cư và mật độ đô thị hóa của các địa phương trong tỉnh. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa cần thúc đẩy các giải pháp cải thiện vấn đề tiếp cận đất đai có tính chuyên biệt và sáng tạo cho từng địa phương.

Cùng với đó, các khía cạnh liên quan tới nhũng nhiễu DN và chi phí không chính thức, tuy có được cải thiện nhẹ ở một số chỉ tiêu, nhưng căn bản vẫn chưa có những chuyển biến đột phá so với hai năm trước. Do vậy, đây tiếp tục là một vấn đề cần được quan tâm. VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình cũng kiến nghị có thể vẫn cần xem xét tiến hành thêm các khảo sát chuyên sâu để có cơ sở đưa ra các biện pháp giải quyết hợp lý, đặc biệt là với một số SBN và địa phương có tỷ lệ DN phản ánh tiêu cực cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện công tác thanh kiểm tra DN, giảm những trường hợp thanh kiểm tra nhiều lần, thanh kiểm tra kéo dài.

Liên quan tới chỉ số cạnh tranh bình đẳng, nhiều đơn vị trong tỉnh năm nay có điểm số giảm sâu ở chỉ số này, trong đó có tới 11/27 UBND cấp huyện có điểm số “chưa tốt”. Vẫn có tới gần một nửa (45-46%) DN có cảm nhận rằng, chính quyền dành nhiều ưu tiên cho các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài hơn là cho các DN nhỏ và vừa. Thậm chí có tới gần 1/3 DN tham gia khảo sát cho rằng các hợp đồng đấu thầu, mua sắm của chính quyền “chủ yếu rơi vào tay các nhóm lợi ích”. Do vậy, các địa phương cần có giải pháp cải thiện chỉ số này; đồng thời cần nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền để cộng đồng DN hiểu rõ hơn về chính sách điều hành của cấp chính quyền. Nhóm địa phương cần lưu ý cải thiện chỉ số này là với điểm số dưới 4, bao gồm UBND các huyện: Hậu Lộc, Thường Xuân, Quan Hóa, Triệu Sơn, Quan Sơn, Cẩm Thủy và thị xã Nghi Sơn.

Được biết, trong năm thứ 3 thực hiện khảo sát DDCI, nhóm nghiên cứu đã có những sự điều chỉnh nhất định về phương pháp khảo sát, nhằm mang lại kết quả xác thực hơn, phản ánh chính xác hơn ý kiến của cộng đồng DN. Kết quả khảo sát này sẽ tiếp tục góp phần giúp tỉnh Thanh Hóa xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu DDCI, giúp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các SBN và UBND cấp huyện theo dõi được mức độ thay đổi của các chỉ số và các chỉ tiêu, từ đó đưa ra các chính sách trúng, đúng, thiết thực hơn trong công tác hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của tỉnh và của từng địa phương.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]