(Baothanhhoa.vn) - Vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Dương Bá Vậy, xã Thọ Vực (Triệu Sơn) đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu số lượng lớn. Sau 7 năm “làm bạn” với loài chim này, CCB Dương Bá Vậy đã trở thành một điển hình trong lao động sản xuất của Hội CCB huyện Triệu Sơn.

Cựu chiến binh làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân đội, cựu chiến binh (CCB) Dương Bá Vậy, xã Thọ Vực (Triệu Sơn) đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu số lượng lớn. Sau 7 năm “làm bạn” với loài chim này, CCB Dương Bá Vậy đã trở thành một điển hình trong lao động sản xuất của Hội CCB huyện Triệu Sơn.

Cựu chiến binh làm giàu từ nuôi chim bồ câuMô hình nuôi chim bồ câu của CCB Dương Bá Vậy cho thu nhập cao.

Khu đất rộng 2.000m2 nuôi chim bồ câu của gia đình CCB Dương Bá Vậy nằm ngay giữa cánh đồng, cách nhà ông ở chừng vài trăm mét. Lối dẫn vào khu đất ấy là con đường bê tông thẳng tắp, xung quanh là ruộng lúa mênh mông. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền lành của người lính, CCB Dương Bá Vậy chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng quê Thọ Vực, cả đời gắn bó với đồng ruộng, dù không đói nghèo nhưng cuộc sống chẳng có gì dư giả. Trên mảnh đất thuần nông cha ông để lại, làm gì để tạo ra sản phẩm cho thu nhập cao chính là câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi. Sau nhiều năm lăn lộn, bươn chải kiếm sống, tôi nhận thấy những người thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp đều phải nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm thực tế và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Qua nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy bồ câu là mặt hàng dễ tiêu thụ nhưng lại chưa được nhiều người nuôi theo quy mô lớn nên tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu”.

Khởi nghiệp ở tuổi “xế chiều” với mô hình mới mẻ và lạ lẫm hoàn toàn, CCB Dương Bá Vậy không phải không gặp khó khăn. Nhớ lại thời điểm năm 2016, ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn xin chuyển đổi mục đích canh tác đất nông nghiệp của gia đình và dồn điền đổi thửa để thực hiện. Có đất rồi, ông thuê máy móc về san lấp đồng ruộng và tiến hành xây dựng chuồng nuôi. Buổi đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có, để tránh thất bại và cụt vốn, ông Vậy chỉ xây dựng một chuồng nuôi nhỏ và mua 150 cặp chim bồ câu về nuôi thử nghiệm. Bước chọn giống quyết định phần lớn tới sự thành công của mô hình nên ông không mua chim một cách ồ ạt mà mày mò đến các nơi tìm mua những con khỏe mạnh về làm giống. Quá trình nuôi thử nghiệm, thấy bồ câu dễ nuôi, nhanh lớn, ít rủi ro, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, cộng với kinh nghiệm ngày càng nhiều nên ông quyết định mở rộng quy mô. Đến nay, khu nuôi chim bồ câu của CCB Dương Bá Vậy được mở rộng với 3 khu chuồng nuôi, diện tích hơn 2.000m2. Từ 150 cặp chim ban đầu, nay ông có tới 6.000 cặp, trong đó có 5.000 cặp chim sinh sản và 1.000 cặp hậu bị. Điều đáng nói, từ chỗ phải đi mua con giống, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu và tự nhân được con giống để nuôi, tiết kiệm nhiều chi phí và công sức.

Để chim không bị dịch bệnh, chuồng nuôi được CCB Dương Bá Vậy đầu tư kiên cố, ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ô nhỏ để nuôi từng cặp chim. Chuồng nuôi có quạt thông gió, bảo đảm luôn thoáng mát về mùa hè, ấm, kín gió về mùa đông. Ngoài chuồng nuôi, hệ thống máng ăn hay lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp cũng là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình. Để tiết kiệm công sức, thức ăn và nước uống được ông lắp đặt theo dây chuyền. Hàng ngày, ngoài 3 lần cho ăn vào các giờ cố định, ông và những công nhân sẽ dọn vệ sinh chuồng nuôi, cho chim uống vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa, thuốc giải độc gan..., giúp đàn chim luôn khỏe mạnh và ít bị dịch bệnh.

Với quy mô và số lượng lớn, CCB Dương Bá Vậy đã rất sáng tạo khi sử dụng máy ấp trứng để nhân giống. Nói về điểm mạnh của phương pháp này, CCB Dương Bá Vậy cho biết: “Trứng chim bồ câu ấp khoảng 17 hoặc 18 ngày thì nở và sau khoảng 15 ngày nuôi con, chim mẹ sẽ đẻ lứa tiếp theo. Để rút ngắn quá trình ấp trứng và tăng số lần đẻ trứng, tôi đã áp dụng phương pháp ấp trứng bằng máy. Khi chim bố mẹ ấp trứng được một thời gian, tôi lấy trứng thật cho vào máy để ấp tiếp, đồng thời cho trứng giả vào thay thế. Phương pháp này giúp trứng nở nhanh hơn, tỷ lệ nở đạt cao hơn nhiều. Khi chim non nở ra khô lông thì cho cả vỏ trứng và chim non vào ổ để đánh lừa cảm giác của chim bố mẹ, giúp chim bố mẹ dễ dàng chấp nhận chim con. Khi nhìn thấy chim non và cả vỏ trứng, chim bố mẹ sẽ gắp vỏ trứng bỏ ra ngoài và bắt đầu quá trình nuôi con”.

Với kinh nghiệm 8 năm nuôi chim bồ câu, CCB Dương Bá Vậy hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc. Thế nhưng, ông vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm để luôn thành công. Từ công sức và đôi bàn tay lao động chăm chỉ, mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình CCB Dương Bá Vậy đã cho hiệu quả với thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng đã trừ chi phí, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Đình Nam, Chủ tịch Hội CCB xã Thọ Vực cho biết: “Trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ như mô hình trồng nấm, mộc nhĩ, nuôi gà siêu trứng, cá - lúa kết hợp..., nhưng mô hình của hội viên Dương Bá Vậy là một điển hình".

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]