(Baothanhhoa.vn) - Đêm ngày 10/9 (theo giờ địa phương), cuộc tranh luận đầu tiên và có lẽ là duy nhất trên truyền hình đã diễn ra giữa ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris. Công chúng mong đợi ứng viên tiềm năng sẽ “lộ diện”, song màn tranh luận kết thúc mà không bên nào giành được lợi thế áp đảo.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Donald Trump và Kamala Harris: Kịch bản hay còn ở phía trước

Đêm ngày 10/9 (theo giờ địa phương), cuộc tranh luận đầu tiên và có lẽ là duy nhất trên truyền hình đã diễn ra giữa ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris. Công chúng mong đợi ứng viên tiềm năng sẽ “lộ diện”, song màn tranh luận kết thúc mà không bên nào giành được lợi thế áp đảo.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Donald Trump và Kamala Harris: Kịch bản hay còn ở phía trước

Công chúng mong đợi nhiều điều từ cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ diễn ra vào đêm ngày 10/9, đêm trước ngày thiêng liêng của đất nước, ngày 11/9. Cả cử tri Mỹ và các nhà quan sát bên ngoài đều muốn biết trước ngày bầu cử chính thức ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới. Với sự cân bằng mong manh trong xếp hạng của cả hai ứng viên, cuộc tranh luận được coi là một cơ hội để mang lại lợi thế lớn cho một trong các bên.

Những người ủng hộ Donald Trump đang hy vọng vào một sự thay đổi trong chiến dịch bầu cử. Sau khi xếp hạng của Phó Tổng thống Kamala Harris tăng bất ngờ do cuộc cải tổ trong Đảng Dân chủ và sự ủng hộ của giới tinh hoa Mỹ xung quanh việc ứng cử của bà, chiến dịch tranh cử của ông Trump dường như đã mất đà. Trong những tuần qua, ông Trump và ê-kíp của mình nỗ lực tìm ra chiến lược tối ưu để đối đầu với ứng cử viên mới, nhưng có vẻ việc cố gắng sử dụng các phương pháp truyền thống mà ông từng “đánh bại” bà Clinton hay đương kim Tổng thống Joe Biden tại cuộc tranh luận trực tiếp vào tối ngày 27/6 dường như không thành công. Có ý kiến ​​cho rằng, chiến dịch tranh cử của Donald Trump đang đi sai hướng và phong cách truyền thống cũng như những tuyên bố gây sốc của ông hoàn toàn không có tác dụng. Và tất cả những điều này có thể khiến ông thất bại trong cuộc đua vào tháng 11 tới.

Trong bối cảnh đó, cuộc tranh luận được Đảng Cộng hòa coi là một trong những nền tảng quan trọng để ông Trump có thể giành thêm điểm, đè bẹp đối thủ bằng sức hút và khả năng hùng biện của mình. Thực tế, chủ đích của Đảng Cộng hòa là hoàn toàn dễ hiểu bởi ông Trump có kinh nghiệm khi tranh luận với một nữ ứng cử viên Đảng Dân chủ trước đây, bà Hillary Clinton. Khi đó, các cuộc tranh luận là một trong những nhân tố chính tạo nên chiến thắng của ông Trump.

Những thất bại truyền thông gần đây của Đảng Dân chủ cũng ủng hộ quan điểm cho rằng cuộc tranh luận có thể, nếu không chôn vùi chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris, thì ít nhất cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho bà trên đường đua tới Nhà Trắng. Bài phát biểu đầu tiên mà bà Harris và ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Waltz thực hiện cho CNN được đánh giá là thất bại, khiến những người ủng hộ bà và Đảng Dân chủ đặc biệt lo ngại. Đoạn video dài 17 phút không cho thấy hình ảnh một ứng viên sắc sảo, thay vào đó bà Harris đưa ra quan điểm khá chung chung về các vấn đề then chốt của nước Mỹ, không tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với cử tri Mỹ.

Trong tháng đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Harris được thúc đẩy bởi hiệu ứng từ “làn gió mới” khi chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Joe Biden đang ở tình trạng khó khăn đến mức bất kỳ sự thay thế nào cũng đều giúp ứng viên mới tăng điểm chính trị và xếp hạng. Nhưng đến tháng thứ hai, cử tri Mỹ đã bình phục sau “cú sốc” và bắt đầu cố gắng tìm hiểu xem ứng cử viên nào sẽ phù hợp cho nước Mỹ trong bối cảnh hiện nay. Và cuộc tranh luận chính là sân khấu để “lộ diện” ứng cử viên trước cử tri, đồng thời được kỳ vọng sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong chiến dịch bầu cử lần này.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Dmitry Novikov, chuyên gia Trường Kinh tế cao cấp Moscow nhận định, kết quả cuộc tranh luận có vẻ như không đúng theo ý muốn của cử tri. Tính rủi ro cao và sự gay cấn của cuộc đua đã vô hiệu hóa cuộc tranh luận đến mức tối đa, với việc các ứng cử viên hầu như không đề cập sâu đến chủ trương, chính sách mà mình sẽ hướng đến nếu giành chiến thắng. Tránh nói bất cứ điều gì có thể khiến một bộ phận cử tri tiềm năng sợ hãi hoặc mất lòng, cả hai ứng viên đều tập trung chủ yếu vào việc chỉ trích những thành tựu trong quá khứ của nhau, thường theo cách ít mang tính xây dựng hơn. Cuối cùng, sau gần 2 giờ, cử tri Mỹ có thể kết luận được nhiều điều về tài hùng biện của 2 ứng viên, song gần như không kết luận được gì về những gì họ dự định làm với tư cách là tổng thống nước Mỹ trong 4 năm tới.

Trong màn tranh luận về chính sách đối ngoại của Mỹ, hai ứng viên chủ yếu xoay quanh việc mổ xẻ những thất bại trong 2 đến 5 năm qua. Về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, bà Harris bảo vệ quyết định của chính quyền Biden khi chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất của nước Mỹ, đồng thời chỉ trích ông Trump vì cách ông đàm phán thỏa thuận hòa bình với Taliban. Trong khi đó, ông Trump lên tiếng bảo vệ vai trò của chính quyền ông khi đàm phán với Taliban về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và công kích chính quyền Biden về cách họ xử lý những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas là một trong những vấn đề gây chia rẽ chính trị mạnh mẽ nhất đối với Đảng Dân chủ, và bà Harris hầu hết đã thuận theo lập trường của Tổng thống Joe Biden trong vấn đề này khi cố gắng cân bằng quan điểm ủng hộ không dao động đối với an ninh của Israel, đồng thời lên án sự đau khổ của dân thường Palestine ở Gaza. Tại cuộc tranh luận, trong khi bà Harris bày tỏ sự ủng hộ cho một giải pháp hai nhà nước trong xung đột Palestine và Israel, ông Trump đã né tránh câu hỏi và chỉ lặp lại tuyên bố của mình rằng bà Harris và Đảng Dân chủ ghét Israel, và rằng những xung đột này sẽ không xảy ra dưới thời của ông. Rõ ràng, các ứng viên đã không đưa ra bất cứ đề xuất cụ thể nào có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông, một vấn đề chính sách đối ngoại gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ.

Chủ đề quan trọng nhất của bất kỳ cuộc tranh luận nào - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - thường đòi hỏi những kế hoạch chi tiết, cụ thể nhất, nhưng lần này hầu như không có con số. Ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris tuyên bố sẽ tạo ra một “nền kinh tế cơ hội” nhằm bảo đảm cơ hội cho tầng lớp trung lưu và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, bà Harris cho biết Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phải “dọn dẹp mớ hỗn độn mà ông Trump để lại” sau 4 năm ở Nhà Trắng. Bà cáo buộc ông Trump đã để lại cho Mỹ “tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng”, “vụ tấn công tồi tệ nhất đối với nền dân chủ kể từ Nội chiến Mỹ” và “đại dịch sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ”.

Về cơ bản, Phó Tổng thống Kamala Harris đã kiểm soát cuộc tranh luận và liên tục công kích để ông Trump bộc lộ điểm yếu trong gần như toàn bộ 2 giờ của cuộc đối đầu đầu tiên và có khả năng là duy nhất. Màn thể hiện của bà Harris có thể coi là thành công với Đảng Dân chủ khi bà đã không để thua trên mặt trận được cho là “sở trường” của ông Trump. Tuy nhiên, cuộc tranh luận vừa kết thúc - giống như toàn bộ diễn biến của chiến dịch - cho thấy rõ rằng cuộc đua vẫn đang hết sức gay cấn, khó dự đoán. Ứng viên tiềm năng chưa thể “lộ diện” thông qua cuộc tranh luận vừa rồi, kịch hay vẫn còn ở phía trước và chỉ có thể ngã ngũ tại cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]