(Baothanhhoa.vn) - Ngày 2 lượt xuống bến, lên đò vượt sông Mã đến trường, việc học của cả trăm học sinh ở thôn Bèo Bọt (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy) đang trở nên chông chênh, mù mịt... Có một cây cầu cứng, hoặc cầu treo dân sinh là niềm mơ ước, khát khao của người dân làng Bèo Bọt - ngôi làng được ví như “ốc đảo” nằm biệt lập bên kia dòng sông Mã.

Chông chênh trên dòng sông Mã

Ngày 2 lượt xuống bến, lên đò vượt sông Mã đến trường, việc học của cả trăm học sinh ở thôn Bèo Bọt (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy) đang trở nên chông chênh, mù mịt... Có một cây cầu cứng, hoặc cầu treo dân sinh là niềm mơ ước, khát khao của người dân làng Bèo Bọt - ngôi làng được ví như “ốc đảo” nằm biệt lập bên kia dòng sông Mã.

Chông chênh trên dòng sông MãNgười dân ra trung tâm xã, học sinh đến trường bằng cách lên đò qua sông.

Mặc cho cái lạnh giá những ngày đông, tôi có mặt ở bến đò sông Mã, xã Cẩm Thành từ khá sớm. Khúc sông âm u, mù mịt bởi những mảng sương mù ken quánh bủa vây. Gần lại mom sông, trong làn sương mờ đục là hình ảnh người lái đò luống tuổi đang cần mẫn kiểm tra lại đồ đoàn, phao cứu sinh, chuẩn bị chuyến đò ngang. Ông là Cao Ngọc Hoan - người có nhiều năm gắn bó với nghề lái đò - cái nghề mà nhiều lần ông muốn bỏ nhưng không nỡ phần vì trách nhiệm, phần vì thương bà con, thương các cháu.

“Mình bỏ nghề rồi ai sẽ theo nghề? Con em sẽ đến trường bằng cách nào khi chưa có cầu"?. Bởi điều đó nên ông Hoan cứ thế thầm lặng bao năm gắn bó với nghề.

Bên kia khúc sông Mã, những mảng sương mù dần tan đi, hình ảnh người dân, học sinh nháo nhác tự bao giờ. Tôi vội lên đò, cùng ông sang sông! Hỏi rằng học sinh, người dân đông vậy, số phao cứu sinh ít ỏi kia trang bị liệu có đủ, ông Hoan cười, nói rằng đủ sao được, đến an toàn cũng chỉ là tương đối. Nhưng rồi ông cho biết, thường thì những chuyến đò chở học sinh đầu giờ sáng hay khi tan trường là đông đúc, nhộn nhịp, còn bình thường cũng chỉ dăm ba khách qua lại.

Thời gian chạy đò với ông Hoan cũng vô cùng. Có thời điểm đêm hôm, người dân ốm đau, bệnh tật phải đi viện gấp hoặc vì một lý do bất đắc dĩ nào đó, là ông Hoan lại tất tưởi qua sông đón khách. Năm trước, có trường hợp lúc 2 giờ sáng, một thai phụ trở dạ, khó đẻ. Sau tiếng chuông điện thoại, ông gấp rút qua sông đưa thai phụ qua sông, đi cấp cứu kịp thời “mẹ tròn con vuông”. Hay dịp Tết Nguyên đán năm rồi, khi cả gia đình ông đang sum vầy trong bữa cơm tất niên thì tiếng chuông điện thoại réo liên hồi. Đầu dây bên kia giọng hớt hải, báo việc gấp mong ông nhanh qua đón khách. Đó là trường hợp trẻ nhỏ bị đau ruột thừa. Nếu không qua kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Về sau con cái cũng cảm thông, hiểu hơn cái nghề “đặc biệt” của bố...

Đò cập bến, tôi nhường chỗ cho tốp học sinh và cả những phụ huynh đưa trẻ mầm non tới trường. Bước xuống đò tôi nhìn thấy hình ảnh chị Lữ Thị Phấn ngồi nép mình bên lụm cỏ tranh rậm rì, đang tranh thủ quàng lại chiếc khăn cho cô con gái 3 tuổi. Tôi hỏi, sao chị còn chưa lên thuyền? Chị nói với giọng lập bập, hai hàm răng như đá vào nhau bởi chiếc áo trên mình không đủ ấm: “Cứ để các cháu lên trước, ổn định thì mình lên chú à! Con nhỏ, bác lái đò sẽ ưu tiên cho một vị trí an toàn”.

Ngày nào cũng vậy, trừ chủ nhật, tranh thủ đưa con từ 6 giờ sáng đến trường mầm non phía bên kia dòng sông Mã rồi chị lại trở về ra đồng, lên rẫy. Chiều thì khoảng 16h30, chị lại lên đò qua sông đón con. Cứ thế đều đặn, ngày 2 lần lên đò đưa đón con đi học, chưa kể có những hôm phải ra trung tâm xã làm giấy tờ hay đưa bao ngô, bao sắn ra chợ bán. Cũng bởi cách trở về giao thông gây ra không ít khó khăn cho gia đình chị Phấn, bao năm phấn đấu nhưng mãi cũng chưa thoát được cái nghèo. Thế nhưng “bài toán thoát nghèo” đâu chỉ là câu chuyện của gia đình chị. Nói như ông Cao Xuân Tuấn, trưởng thôn Bèo Bọt thì chừng nào còn chưa có cầu cứng, cầu treo, chưa có đường giao thông xuyên suốt nối đôi bờ sông Mã thì đời sống của người dân còn vất vả, còn nghèo, cái khó còn đeo bám. Lũ trẻ đến trường còn gian nan, vất vả.

Theo ông Tuấn, cũng một cây luồng, một bao sắn, bao ngô... nhưng khi bà con đưa đi bán thì lại bị ép giá thấp hơn so với giá thị trường. “Mỗi lần thu hoạch nông sản, hay cây luồng, cây keo... để vận chuyển ra được bến sông Mã rất khó nhọc, phải dựa vào sức kéo của trâu, bò. Đến khi bán cho thương lái, người dân không chỉ bị ép giá thấp hơn thị trường mà còn gánh thêm khoản chi phí vận chuyển để qua sông. Tính ra, trừ đầu trừ đuôi, trừ phân tro, giống má, thu nhập từ nghề làm nông chẳng được là bao”, ông Tuấn nói.

Thôn Bèo Bọt là khu dân cư biệt lập cách trung tâm hành chính xã 10 km, bị ngăn cách bởi con sông Mã, xung quanh là đồi núi cao bao bọc. Con đường độc đạo duy nhất đến thôn là lên đò qua sông. Cách trở về giao thông bao năm qua chính là “rào cản”, nguyên nhân ghì níu cuộc sống của người dân. Theo thống kê, thôn Bèo Bọt có 87 hộ, hơn 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mường, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Hiện trong thôn có 44 học sinh tiểu học, 21 học sinh THCS, 4 học sinh THPT và hơn 20 cháu khối mầm non vẫn ngày ngày phải lên đò qua sông đến trường.

Nhìn những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, ông Tuấn không giấu được nỗi niềm khi nói về tương lai của con cháu: “Rồi đây, đa phần con em học xong cũng bán xứ đi làm ăn xa, lập gia đình, định cư nơi khác. Quanh đi, quẩn lại dân số chỉ là người già, trẻ nhỏ là nhiều, thôn muốn huy động, triển khai chương trình, hoạt động gì cũng khó”.

Với cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thành - người có thâm niên gần 30 năm gắn bó với điểm trường Phâng Khánh - nơi cô đã dạy biết bao thế hệ học trò của ngôi làng bên kia bờ sông Mã. Nhớ lại thời điểm của hơn hai thập kỷ trước, cô còn chưa quên những khó khăn, vất vả của những ngày đầu đến điểm trường công tác. Lúc bấy giờ, để qua sông vận động phụ huynh cho con em đến trường con đò còn nhỏ lắm, chỉ chở được vài ba người và phải dùng tay để chèo. Nay xã đầu tư con đò lớn hơn, có gắn máy nổ, mỗi chuyến chở được 15 đến 20 người. Dẫu vậy, việc qua lại với các em học sinh cũng rất bất tiện, chưa nói là nguy hiểm. Chính vì vậy, cứ vào mỗi trận bão lũ, nước sông Mã dâng cao, lớp của cô Chuyên lại vắng bóng những học sinh của thôn Bèo Bọt, bởi không gia đình nào dám liều mạng vượt sông cho con đến trường.

Rời thôn Bèo Bọt khi mặt trời đã dần đứng bóng, hình ảnh từng tốp học sinh tan học trở về lại nháo nhác cả một bến sông. Em Lê Thị Lệ (học sinh lớp 9, Trường THCS Cẩm Thành) nói: “Em mong có cây cầu để mẹ em qua sông bán hàng thuận tiện, còn em cũng như các bạn đến trường đỡ vất vả”. Còn em Bùi Quốc Việt (học sinh lớp 8, Trường THCS Cẩm Thành) cho biết: “Mỗi ngày em phải dậy từ 6 giờ sáng để chờ đò đến trường cho kịp giờ vào lớp. Em mong có cây cầu để con đường đến trường của em cũng như các bạn gần hơn, mùa mưa bão không phải nghỉ học ở nhà, ngày nghỉ được qua sông đi chơi với bạn bè”...

Theo thầy Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thành thì ước mơ về cây cầu nối đôi bờ sông Mã không chỉ của bà con làng Bèo Bọt mà cũng là niềm mong mỏi của các thầy cô nhà trường. Việc ngăn cách về giao thông đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học của nhà trường, nhất là vào mùa mưa bão các em không thể đến trường, việc tiếp thu bài vở bị gián đoạn. Chưa kể việc qua sông nguy hiểm, mỗi khi nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, hay các hoạt động phong trào, các em cũng không tham gia thường xuyên, đều đặn được.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành Bùi Tiến Dũng đồng tình với những bất cập về giao thông ở đây dẫn tới đời sống của bà con thôn Bèo Bọt còn nhiều khó khăn, vất vả. Trong đó, để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng nhà cửa, xây dựng nông thôn mới là rất khó khăn. Ví như, để xây dựng được một căn nhà, làm được một con đường bê tông, thì từng viên gạch, bao xi măng... đều phải vận chuyển bằng đò qua sông. Bên cạnh những khó khăn về đời sống, sinh kế, thì con đường đến trường của con em học sinh để lại nhiều trăn trở, các em phải qua sông, phải vượt chặng đường gần chục cây số để đến được trường.

Những khó khăn bất cập này dù bà con đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, nhưng để đầu tư được cây cầu cần một nguồn vốn rất lớn vượt khả năng của xã, của huyện. Trong khi phương án di dân cũng không khả thi, bởi những vấn đề liên quan tới quỹ đất, kinh phí đầu tư hạ tầng cũng như nguồn vốn và kế sinh nhai cho bà con... là vấn đề khồng hề dễ.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]