Các điểm du lịch tâm linh hút khách dịp đầu năm
Hòa cùng sắc xuân của những ngày đầu năm mới, dòng người tìm về các điểm du lịch tâm linh ngày càng đông. Bởi, ngoài việc chiêm bái, cầu mong cho năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc thì đây cũng là dịp để người dân, du khách kết hợp du xuân, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên.
Người dân và du khách tham quan, chiêm bái tại chùa Rồng, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy).
Về xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy), ghé thăm ngôi chùa Rồng, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, và tìm hiểu về đời sống văn hóa – tâm linh của đất và người nơi đây. Ngôi chùa tọa lạc trên một hang đá khá rộng, lịch sử về chùa gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo sử sách ghi lại, trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, khi Lê Lợi hành quân ra phía Bắc, qua huyện miền núi Cẩm Thủy, thấy phong cảnh thôn Vàn, xã Cẩm Thạch có thế núi tựa rồng bay liền cho quân dựng trại, chiêu mộ thêm binh lính. Sau đó, Lê Lợi xây dựng chùa Rồng dưới chân núi Rồng, vì thấy núi giống hình rồng bay. Trong chùa có xây đắp những bệ trên đặt tượng Phật để thờ tự. Đây cũng là ngôi chùa còn giữ được nét nguyên sơ, vẫn còn mái đá.
Để tưởng nhớ công đức của các anh hùng hào kiệt trong nghĩa quân Lam Sơn, hàng năm Nhân dân xã Cẩm Thạch đều tổ chức lễ hội chùa Rồng từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Tham gia lễ hội, đồng bào các dân tộc và đông đảo du khách thập phương được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng với nhiều trò chơi, trò diễn văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc huyện Cẩm Thủy, như: biểu diễn cồng chiêng, hát xường, nhảy sạp, đi cà kheo, bắn nỏ...
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch, cho biết: Cũng nhờ bởi tính thiêng và khung cảnh chùa khá yên bình, độc đáo, vì thế chùa thu hút được khá đông người dân, du khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn nhất là vào dịp đầu năm. Đến đây, ngoài việc cầu may mắn, bình an cho gia đình, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên trong lành và tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, cũng như “tính thiêng” của các nhân vật được thờ phụng. Để đáp ứng nhu cầu chiêm bái, thưởng ngoạn của du khách, xã đã triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường tại chùa; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy trong dịp trước, trong và sau tết. Việc tổ chức lễ hội chùa Rồng cũng được tổ chức một cách trang nghiêm, an toàn, thu hút đông đảo người dân đến tham dự.
Những cuộc hành hương về miền tâm linh dịp đầu xuân năm mới phản ánh nhu cầu tín ngưỡng tốt đẹp trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi nhà. Cũng chính vì vậy, mà những ngày đầu năm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - Đền thờ Trần Hưng Đạo, thôn Thổ Khối, xã Yên Dương (Hà Trung) đã thu hút đông du khách đến chiêm bái. Đền thờ Trần Hưng Đạo là ngôi đền đặc biệt trên mảnh đất xứ Thanh, nơi đã chở che và in đậm dấu chân của vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương và các vua Trần trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai vào mùa xuân năm 1285. Ngoài ra, mảnh đất Tam Giang - Thổ Khối, nơi hội tụ của 3 dòng sông Tống Giang, Hoạt Giang và Lũng Khê, cũng chính là nơi đã được Hưng Đạo Đại Vương lựa chọn làm căn cứ để bảo vệ cho sự an toàn của triều đình và tập trung củng cố, xây dựng lực lượng.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi đền đã được tôn tạo khang trang, bề thế hơn và đã được UBND tỉnh công nhận là một trong các điểm đến tham quan, du lịch của tỉnh. Cùng với đó là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được Nhân dân trong làng, trong xã bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. Tiêu biểu là lễ hội xuân và Khai ấn vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội cũng là dịp để Nhân dân trong vùng và du khách thập phương thể hiện lòng tôn kính, tri ân công đức với Triều Trần và Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương; đây cũng là dịp để người dân cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Những năm gần đây, xu hướng du lịch tâm linh của người dân ngày càng phát triển. Do đó, du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình du lịch trọng điểm, góp phần quan trọng để đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng những tour, tuyến, điểm du lịch hợp lý; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm; cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích. Cùng với đó, nhiều lễ hội truyền thống cũng được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian cũng được khôi phục, duy trì lồng ghép vào phần hội của các lễ hội. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-02-21 10:28:00
Đất làng Trinh Hà
-
2025-02-15 14:54:00
Khám phá vùng đất Thành Sơn
-
2025-02-14 10:24:00
Làng Lú Khoen trên đất Mường Rặc xưa
Kết nối cao tốc với Vườn Quốc gia Bến En
Du xuân ở Xuân Du
Mùa xuân và hành trình về với xứ Thanh
Đánh thức hồn quê, viết tiếp giấc mơ đưa xứ Thanh cất cánh
Không gian văn hóa - tâm linh Thái miếu nhà Hậu Lê
Du xuân trên đất kinh xưa
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
Thăm những ngôi chùa ở xứ Thanh