(Baothanhhoa.vn) - Trước những diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, cùng với các cấp, các ngành, chính quyền và Nhân dân, phụ nữ xứ Thanh đã không quản vất vả, hiểm nguy, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tấm lòng sẻ chia, nhân ái để đóng góp sức mình vào công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Họ như những bông hoa mạnh mẽ, kiên cường trong bão, lũ vẫn tỏa hương, dâng đời những giá trị nhân văn, tốt đẹp.

“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ

Trước những diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, cùng với các cấp, các ngành, chính quyền và Nhân dân, phụ nữ xứ Thanh đã không quản vất vả, hiểm nguy, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tấm lòng sẻ chia, nhân ái để đóng góp sức mình vào công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Họ như những bông hoa mạnh mẽ, kiên cường trong bão, lũ vẫn tỏa hương, dâng đời những giá trị nhân văn, tốt đẹp.

“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũCô giáo Bùi Thị Châm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) giúp các em học sinh ổn định tư tưởng, sắp xếp đồ đạc tại nơi ở mới.

1. Cơn bão số 3, 4 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản đối với nhiều địa phương ở phía Bắc nước ta. Bên cạnh hình ảnh mất mát, đau thương, con số thống kê xót lòng thì những câu chuyện về tình người, nghĩa đồng bào trong bão, lũ khiến chúng ta thêm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Nếu thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) có trưởng thôn Ma Seo Chứ (33 tuổi) quyết định táo bạo, chủ động di dời 115 người dân đến nơi an toàn, sắp xếp chỗ ăn ngủ và tổ chức các phương án nhận đồ tiếp tế cho bà con trước tình thế khẩn cấp, thì tại xứ Thanh, nơi cổng trời Mường Lát có câu chuyện ấm lòng về cô giáo Bùi Thị Châm (34 tuổi) hiện đang là giáo viên hợp đồng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý. Với sự quan tâm, tận tình, yêu thương và trách nhiệm với học sinh, cô giáo Châm đã kịp thời phát hiện sự cố sạt lở đất ở khu vực ký túc xá, nhanh chóng sơ tán hơn 214 học sinh đến nơi an toàn.

Cô giáo Châm tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm địa lý, Khoa địa lý, Trường Đại học Vinh cách đây hơn 10 năm. Năm 2021, khi chồng nhận quyết định chuyển công tác lên Mường Lát, chị khăn gói theo chồng và xin vào dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý. Những ngày đầu lên với mảnh đất nhiều nỗi thiếu khó này, chị có đôi chút hụt hẫng, “lạc điệu”. Nhưng chính nhịp sống yên bình cùng tình người nồng hậu, thật thà nơi đây khiến chị dần yêu mến, gắn bó với làng, bản. Hơn hết, chị Châm vẫn luôn thầm cảm ơn mảnh đất nơi này đã cho chị có cơ hội được sống với đam mê, được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh thân yêu. Chính tình cảm, lòng biết ơn ấy khiến chị Châm không ngừng nỗ lực, cố gắng từng ngày hoàn thiện mình hơn, làm nghề bằng tất cả nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm.

Nhớ lại thời điểm sơ tán các em học sinh thoát khỏi “thảm cảnh” sạt lở đất, chị Châm không khỏi xúc động. Chị Châm kể, hôm ấy, do hoàn lưu của cơn bão số 4 nên Trung Lý mưa rất to. Chị cùng các thầy, cô trong trường kiểm tra khu ký túc xá thấy không có bất thường gì nên về nhà nấu cơm trưa. Tuy nhiên, mưa càng lúc càng dữ dội khiến chị cảm thấy bồn chồn, không yên tâm. Chị Châm che tạm chiếc ô rồi vội vã trở lại trường. Ngay khi đi đến cổng trường, chị đã thấy hiện tượng sạt lở. Biết thực địa nơi đây khi mưa lớn dễ gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chị Châm nhanh chóng đi ra khu vực quả đồi phía sau ký túc xá của học sinh. Lúc bấy giờ, từng mảng đất, đá ở đồi đang trượt dần xuống. Không nghĩ được gì nhiều, chị hớt hải vào ký túc xá hô hoán các em học sinh mau chóng chạy ra khỏi đây. Học sinh vừa chạy vừa hoảng loạn, kêu khóc.

Cảnh tượng hỗn loạn, tình thế ngặt nghèo ấy khiến bất kỳ ai trong cuộc cũng luống cuống, hoảng sợ. Nhưng chị Châm tự trấn an bản thân mình, chị nghĩ: “Bây giờ là lúc các em học sinh cần mình nhất. Bằng mọi giá phải đưa được tất cả các em học sinh ra khỏi khu vực nguy hiểm”. Chị Châm lấy loa thông báo: “Phía sau ký túc xá đang bị sạt lở đất đá, yêu cầu tất cả học sinh nhanh chóng chạy ra khỏi phòng ở, di chuyển về khu phòng học để đảm bảo an toàn”. Nghe tiếng loa thông báo, nhiều thầy, cô trong trường cũng nhanh chóng chạy vào, hỗ trợ học sinh sơ tán vào các phòng học kiên cố.

Sau khi sơ tán các em học sinh xong thì đất đá ở đồi sạt lở nghiêm trọng, đổ ập vào khiến cho 3 phòng trong khu ký túc xá đổ sập. “Thật may mắn là chúng tôi đã kịp thời sơ tán các em ra khỏi khu vực ký túc xá trước khi tình huống xấu xảy ra. Các em ở lại bán trú chủ yếu là ở bản xa, có bản cách trường gần 50 cây số. Các em đã phải xa gia đình, bố mẹ đến trường ở bán trú để theo đuổi con chữ. Thầy cô trong trường luôn coi các em như con. Nhìn thấy các em được an toàn là điều hạnh phúc nhất của những người làm thầy, cô như chúng tôi”, chị Châm bộc bạch. Được biết, ký túc xá khi ấy có khoảng hơn 214 học sinh. Thực chất đây là khu nhà lắp ghép mà nhà trường đang tổ chức cho các em ở tạm trong lúc chờ khu ký túc xá mới được xây dựng hoàn thiện.

Chẳng khó để hình dung, nếu như chị Châm không vì sốt ruột, nóng lòng lo cho học sinh mà bỏ dở bữa cơm trưa, “đội mưa” lên trường kiểm tra tình hình; nếu các thầy cô giáo khác trong trường không nghe thấy tiếng loa mà kịp thời vào hỗ trợ sơ tán học sinh thì điều tồi tệ gì sẽ xảy ra. Chị Châm và các thầy cô chính là “người hùng” của các em. Tấm lòng, tinh thần trách nhiệm của thầy, cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý đã viết nên khúc ca đẹp nơi cổng trời Mường Lát.

2. Trung tá Lê Thị Thúy, Trưởng Công an phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa đã có 23 năm trong ngành, trong đó có 19 năm công tác, trải qua nhiều vị trí, địa bàn làm việc khác nhau. Nhận nhiệm vụ tại địa bàn phường Thiệu Dương chưa được bao lâu nhưng Trung tá Thúy lại có nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với nơi này. Trên cương vị trưởng công an phường, chị đã đồng hành, kề vai sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Thiệu Dương đi qua đại dịch COVID-19 và mới đây nhất là đợt ngập, lụt cục bộ.

Thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, do mực nước sông Chu, sông Mã chảy qua các phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa như Thiệu Khánh, Thiệu Dương dâng cao, khiến các hộ dân sinh sống khu vực ngoại đê bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại khó khăn. Phường Thiệu Dương có 10 phố, trong đó có 7 phố ngoại đê với gần 9.000 người dân rơi vào tình trạng ngập, lụt.

Do đã xây dựng phương án, lường trước các tình huống từ trước đó nên ngay trong đêm nước bắt đầu dâng lên, lực lượng công an phường dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Trung tá Lê Thị Thúy đã thường trực, bám nắm địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các hộ có người già neo đơn, gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em để tổ chức di dân, di dời tài sản của người dân đến địa điểm tránh, trú an toàn. Đồng thời huy động lực lượng ứng trực 24/24 tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Khi nước lũ dâng cao, lực lượng công an phường cùng lực lượng tăng cường chia thành 5 tổ công tác, huy động xuồng máy tiếp cận các khu vực ngập lụt sâu để tiếp tục di dời người và tài sản, tiếp tế nhu yếu phẩm... Chị Thúy cho biết: “Thời điểm đó, chúng tôi “thường trực chiến đấu” với nỗ lực gấp đôi, gấp ba. Đường dây nóng của chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của người dân yêu cầu giúp đỡ. Bất kể ngày đêm, Nhân dân cất tiếng gọi là chúng tôi lên đường”.

Những ngày “căng thẳng” ấy, Trung tá Lê Thị Thúy tạm gác lại những bộn bề gia đình, con cái để thường trực tại đơn vị, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chẳng kém cạnh bất kỳ “đấng nam nhi” nào, chị Thúy sẵn sàng lăn xả vào các điểm ngập lụt sâu để hỗ trợ người dân. Chị Thúy bộc bạch: “Mình là “nhạc trưởng” mà không xông pha, đi đầu thì lấy gì để làm gương, cổ vũ anh em. Nhưng quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm làm sao hỗ trợ bà con được nhanh nhất, hiệu quả nhất. Mưa lũ diễn biến bất thường, đôi khi chậm một chút thôi là hối hận không kịp”.

Đó là bản lĩnh, là “sự nhạy cảm” của người có kinh nghiệm ứng phó với lũ lụt. Chị Thúy nhớ lại ký ức những lần cùng gia đình chạy lụt ở vùng quê Xuân Hòa, Thọ Xuân. Cũng chính thực tế ấy càng làm chị Thúy thấm thía hơn hoàn cảnh của người dân Thiệu Dương lúc ấy, càng mong có thể đóng góp sức mình giúp đỡ bà con.

Việc làm của cô giáo Bùi Thị Châm, Trung tá Lê Thị Thúy là những câu chuyện ấm tình người trong bão, lũ. Khi được hỏi, cả cô Châm và Trung tá Lê Thị Thúy đều khiêm tốn đáp lời: “Đó là lương tâm, trách nhiệm. Ai trong hoàn cảnh của mình cũng sẽ làm như thế”. Tuy nhiên, ở đời, nhất là trong những tình huống cam go nhất, sống đẹp cũng là một lựa chọn khó khăn.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]