(Baothanhhoa.vn) - Dăm bữa nửa tháng, nhà hàng xóm của gia đình chúng tôi lại diễn ra một cuộc “khẩu chiến” liên thế hệ, một phản ứng dây chuyền: Mẹ chồng chửi bới con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng, người chồng to tiếng nạt hai mẹ con, người mẹ ấm ức quát tháo mấy đứa con cho bõ tức... Những câu nói khó nghe cứ thế được tuôn ra sắc lẹm, buốt lòng. Đáp lại những lời mắng mỏ, quát tháo của mẹ, đứa con đang học THCS cũng bắt đầu nổi khùng, cãi lại: “Bà im đi”, “bà biết cái quái gì mà nói”... và nhiều câu tệ hơn nữa. Ai nghe cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, chẹp miệng chê bai: “Còn trẻ ranh mà đã như thế, lớn lên cũng chẳng ra cái trò gì đâu!”. Tương lai của đứa trẻ được “đóng khung” trong những định kiến, những lời nhận xét của người lớn như thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bồi dưỡng, phát triển tâm hồn cho trẻ - những vấn đề đặt ra

Dăm bữa nửa tháng, nhà hàng xóm của gia đình chúng tôi lại diễn ra một cuộc “khẩu chiến” liên thế hệ, một phản ứng dây chuyền: Mẹ chồng chửi bới con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng, người chồng to tiếng nạt hai mẹ con, người mẹ ấm ức quát tháo mấy đứa con cho bõ tức... Những câu nói khó nghe cứ thế được tuôn ra sắc lẹm, buốt lòng. Đáp lại những lời mắng mỏ, quát tháo của mẹ, đứa con đang học THCS cũng bắt đầu nổi khùng, cãi lại: “Bà im đi”, “bà biết cái quái gì mà nói”... và nhiều câu tệ hơn nữa. Ai nghe cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, chẹp miệng chê bai: “Còn trẻ ranh mà đã như thế, lớn lên cũng chẳng ra cái trò gì đâu!”. Tương lai của đứa trẻ được “đóng khung” trong những định kiến, những lời nhận xét của người lớn như thế.

Bồi dưỡng, phát triển tâm hồn cho trẻ - những vấn đề đặt ra

Đọc sách là hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc bồi dưỡng, phát triển tâm hồn cho trẻ.

Trước cách hành xử và lời lẽ của đứa trẻ ấy, có lẽ, mọi người không nên phán xét hay cố hình dung về tương lai của nó. Ở một chừng mực nhất định, dường như, đứa trẻ ấy cần sự thương cảm và xót xa nhiều hơn. Vì sao nó phản ứng gay gắt, cực đoan và có những lời lẽ chợ búa với cha mẹ mình? Đó là hệ quả từ môi trường sống và môi trường giáo dục gia đình. Nó sống trong một gia đình mà ở đó, mọi người hằn học, cáu bẳn, sẵn sàng dội vào tai nhau những ngôn ngữ chợ búa, thô thiển thì làm sao để nó trở thành một đứa trẻ biết nói lời hay ý đẹp? Đó là điều rất khó... Và đáng tiếc rằng, đó đang là thực trạng diễn ra ở nhiều gia đình, trong cuộc sống của nhiều đứa trẻ.

Tại một buổi ra mắt sách được tổ chức tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng bày tỏ lo lắng trước việc trẻ em Việt Nam ngày nay được chăm sóc rất tốt về dinh dưỡng nhưng lại không được chăm sóc tốt về mặt tâm hồn... Ít người biết làm “thực đơn” cho con xem gì, nghe gì, nói gì... để nuôi dưỡng tâm hồn cho con mình.

Từ nhiều năm trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng làm một cuộc khảo sát xem hằng ngày mỗi đứa trẻ thường nghe được điều gì trong gia đình mình. Và thật đáng buồn khi kết quả khảo sát cho thấy: Phần lớn ngôn ngữ chúng nghe được từ ông bà, cha mẹ, anh chị là ngôn ngữ thực dụng chứ không phải lớn lên bởi ngôn ngữ của tâm hồn. Trong những ngôi nhà, ngay cả khi quây quần bên mâm cơm gia đình, người lớn tập trung bàn luận, chia sẻ, tranh cãi với nhau về buôn bán, thiệt hơn, danh vọng, tiền tài, quyền chức... Ít ai quan tâm đến việc kể một câu chuyện đẹp. Ông chỉ ra điều tai hại, hệ lụy của điều đó là: Những đứa trẻ được giáo dục bằng ngôn ngữ ấy, khi lớn lên, chúng cũng sẽ hướng con cái đến những điều như vậy, không khác được. Cuối cùng, xã hội chỉ còn thấy những con người thực dụng, các thế hệ thực dụng mà dần thiếu vắng đi tình yêu thương, giá trị nhân văn tốt đẹp.

“Trẻ em như búp trên cành” – non nớt, yếu đuối và lệ thuộc nên rất dễ bị tổn thương. Có vô vàn những yếu tố tác động, dẫu nhỏ nhặt nhưng đủ sức bóp nghẹt sự phát triển tâm hồn của một đứa trẻ. Việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất và năng lực nhằm giúp trẻ phát triển nhân cách một cách toàn diện là một quá trình lâu dài liên tục, diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả từ các phía: nhà trường, gia đình và mọi người trong xã hội.

Khi nói đến việc chăm sóc, bồi dưỡng, phát triển tâm hồn cho trẻ, giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất. Bởi lẽ, mỗi con người gắn bó mật thiết với gia đình, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền giáo dục gia đình từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Cha, mẹ là những người thầy, người cô đầu tiên của con trẻ. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình nền nếp, hòa thuận, yêu thương nhau, các thành viên trong gia đình quan tâm, có ý thức, phương pháp giáo dục đúng đắn sẽ tạo môi trường tốt cho trẻ phát triển, cả về thể chất lẫn tinh thần. Giáo dục gia đình là quá trình giáo dục xuyên suốt, liên tục trên cơ sở của tình yêu thương, tôn trọng. Nó đồng thời cũng là bài học trực quan sinh động, thiết thực, dễ tiếp thu nhất về đạo đức, lối sống, tình cảm, văn hóa... Bởi vậy, mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần có nhận thức rõ ràng, nghiêm túc về vấn đề này.

Là mẹ của 4 người con, chị Lê Thị Đáng (TP Thanh Hóa) quan niệm: “Sức khỏe của con người được tính bằng sự phát triển hài hòa cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Chỉ khi thể chất và tinh thần song hành với nhau thì mới có thể tạo nên những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển. Đừng nên xem nhẹ, nghĩ rằng trẻ con biết gì đâu mà nói chuyện tâm hồn, cảm xúc. Việc phát triển tâm hồn đối với một đứa trẻ là điều quan trọng, cần thiết”.

Từ nhận thức như thế, chị Đáng chú trọng rèn luyện cho các con tính tự lập, kỹ năng mềm, chơi nhiều, học cơ bản. Đặc biệt, chị không quá kỳ vọng vào thành tích học tập, không đặt nặng vấn đề trường chuyên, lớp chọn để con cái được phát triển tự nhiên theo năng lực và sở thích. Chị tâm sự: “Mình muốn các con sẽ là những đứa trẻ thú vị, có trải nghiệm, có suy nghĩ tích cực, lối sống tích cực dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa”.

Để đạt được điều đó, chị Đáng luôn tôn trọng, lắng nghe, đồng hành cùng con như một “người bạn” thân thiết. Khi các con bị điểm kém, học hành sa sút, chị lắng nghe các con nói, sau đó trao đổi, động viên, cùng con tháo gỡ vướng mắc để tiến bộ hơn... Đặc biệt, dù bận bịu công việc, eo hẹp thời gian như thế nào, vợ chồng chị vẫn luôn dành thời gian vui chơi cùng con, vun đắp kỷ niệm đẹp cho con.

Là một cô giáo, một nhà thơ, chị Đáng hiểu hơn ai hết lợi ích của văn hóa đọc nên luôn khuyến khích các con đọc sách. Những cuốn sách thuộc các lĩnh vực khoa học thường thức, văn học thiếu nhi... Khi một đứa trẻ biết rung động, nhận thức, yêu cái đẹp thì dẫu nhận thức ấy còn sơ khai thì dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, nó vẫn luôn tìm kiếm, hướng đến cái đẹp. Và đọc sách vẫn luôn được xem là một trong những hoạt động góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao năng lực cảm thụ cái đẹp, trau dồi những tri thức cần thiết trong đời sống, từ đó giúp cho trẻ phát triển trí tuệ, mở rộng sự hiểu biết và phát triển toàn diện về nhân cách. Chị tâm niệm: “Trẻ con là những tâm hồn, nhân cách đang cần có thời gian, có môi trường nuôi dưỡng, hoàn thiện. Đừng biến trẻ thành những con cừu, những con gà công nghiệp. Và điều quan trọng nhất quyết định đến việc phát triển tâm hồn, hoàn thiện nhân cách cho trẻ phụ thuộc vào lối sống, các ứng xử của các thành viên trong gia đình”.

Ngoài môi trường giáo dục gia đình thì nhà trường và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất, hoàn thiện nhân cách cho trẻ. Để làm được điều đó, về phía nhà trường phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, lấy trẻ làm trung tâm... “Thực đơn” dành cho việc nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn trẻ luôn phải được làm mới, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ngoài thời gian học tập trên lớp, nhà trường cần lồng ghép với các chương trình, hoạt động ngoại khóa để tạo điều kiện, không gian cho trẻ được vui chơi, “va chạm” với thế giới bên ngoài, thỏa sức khám phá thế giới tự nhiên... Những hoạt động, trải nghiệm ấy sẽ tạo nên những nốt nhạc sôi động trong khúc ca tâm hồn trẻ, để trẻ cảm nhận được niềm vui khi đến trường. Về phía xã hội cần nâng cao nhận thức, có sự quan tâm, chú trọng, đầu tư hơn nữa đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em.

Một tâm hồn đẹp cần phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương. Đối với tâm hồn non nớt, dễ bị tổn thương như trẻ em, tình yêu thương thực sự là “liều thuốc” vô giá, thành trì đầu tiên, kiên cố nhất đủ sức bảo vệ. Đó không phải là trách nhiệm thuộc về riêng ai mà cần sự nhận thức đúng đắn, chung tay, góp sức từ nhiều phía: gia đình – nhà trường – xã hội, trong đó gia đình là nền tảng quan trọng, đặt nền móng cho việc bồi dưỡng, phát triển tâm hồn, hoàn thiện nhân cách cho trẻ.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]