(Baothanhhoa.vn) - Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm (GSGC) tăng mạnh. Để phục vụ tốt nhu cầu thị trường, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tái đàn, chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi.

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm (GSGC) tăng mạnh. Để phục vụ tốt nhu cầu thị trường, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung tái đàn, chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi.

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối nămNgười dân xã Trung Thành (Nông Cống) tập trung chăm sóc đàn lợn phục vụ thị trường cuối năm.

Thời gian qua, huyện Lang Chánh đã khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi GSGC theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với xây dựng các trang trại tập trung, chú trọng công tác xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Những tháng đầu năm 2023, đàn vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng dịch và tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Gia đình chị Lê Thị Chính, thôn Viên, xã Giao An là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn, với tổng đàn hơn 1 vạn con. Trong quá trình nuôi, gia đình chị luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà. Chị Chính cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc 2 lần/tuần. Chị Chính cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu của thị trường thường tăng cao. Vì vậy, gia đình chị luôn chú trọng cung cấp đủ thức ăn, vitamin nhằm giúp đàn gà khỏe mạnh, phát triển nhanh.

Bên cạnh tập trung tăng đàn, người chăn nuôi đang quan tâm phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Gia đình bà Hoàng Thị Hải, thôn Minh Quang, xã Lương Sơn (Thường Xuân) hiện đang nuôi 7 con lợn nái và hơn 200 con lợn thương phẩm. Theo kinh nghiệm của bà Hải, thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa nên ngoài các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin..., bà luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi. Việc cho ăn đầy đủ, bổ sung thêm vitamin và điện giải trong nước uống giúp cho đàn vật nuôi nâng cao sức để kháng, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.

Tính đến đầu tháng 10-2023, toàn tỉnh có 156,9 nghìn con trâu; 248,2 nghìn con bò; 1.129,9 nghìn con lợn; 25,9 triệu con gia cầm. So với cùng kỳ năm trước, tổng đàn GSGC toàn tỉnh giảm nhẹ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2023 ước đạt 204,6 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm 204,7 triệu quả, tăng 14,8% so với cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi 40,5 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ... Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh trên đàn GSGC trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Do đó, công tác bảo vệ đàn vật nuôi được các hộ chăn nuôi đặc biệt chú trọng...

Song song với các biện pháp bình ổn giá thị trường, để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát vận chuyển GSGC qua biên giới; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên tăng đàn ồ ạt, mà cần căn cứ thực tế chuồng trại, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt GSGC trong những tháng cuối năm sẽ không thiếu. Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi; tăng cường cập nhật thông tin về tình hình thị trường, các sản phẩm chăn nuôi để chủ động trong việc tăng, giảm số lượng, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao; chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]