(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cửa hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Lợi ích kép” của cửa hàng thực phẩm an toàn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều cửa hàng thực phẩm an toàn với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cửa hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.

“Lợi ích kép” của cửa hàng thực phẩm an toàn

Cửa hàng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Thiên Trường 36, tại thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn).

Mới đầu giờ sáng nhưng cửa hàng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Thiên Trường 36, tại thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) đã nhộn nhịp mua bán do đây là địa chỉ mua sắm tin cậy của người tiêu dùng ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Thắm, quản lý cửa hàng, cho biết: Cửa hàng bày bán sản phẩm như dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột baby, cà chua, các loại rau ăn lá, rau thủy canh,... do công ty sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tất cả các mặt hàng đều bảo đảm chất lượng, có tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; các sản phẩm tươi sống được đóng gói, hút chân không và bảo quản trong tủ mát... Thực tế, người dân ở địa phương đã dần hình thành thói quen sử dụng thực phẩm an toàn cho bữa ăn hằng ngày nên số lượng khách mua bán tại cửa hàng khá ổn định.

Tại cửa hàng thực phẩm an toàn HC Farm (TP Thanh Hóa), chị Lê Mai Phương, khách mua hàng, cho biết: “Gia đình tôi có con nhỏ nên rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, nhất là các loại rau. Thay vì trước đây phải mua số lượng nhiều mỗi khi đi siêu thị thì giờ đây tôi thường đi mua rau sạch hằng ngày tại cửa hàng thực phẩm an toàn. Tuy giá các loại nông sản cao hơn so với tại các chợ truyền thống nhưng có nguồn gốc rõ ràng, các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ đông lạnh, các loại rau, củ đều có giấy chứng nhận an toàn, tươi ngon... Bên cạnh đó, cửa hàng có dịch vụ giao hàng tận nhà nên vừa tiết kiệm thời gian, vừa hạn chế tiếp xúc đông người khi có dịch COVID-19.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 537 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Có thể thấy, hệ thống cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn được nhân rộng đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò là “cầu nối” đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng. Trong khi việc đưa các loại nông sản vào các siêu thị gặp nhiều khó khăn do phải đáp ứng nhiều yêu cầu, thì việc tiêu thụ sản phẩm ở các cửa hàng dễ dàng hơn. Các cửa hàng này đều cam kết mang đến người tiêu dùng những loại nông sản, thực phẩm tươi, ngon, an toàn nhất; ngoài ra, còn liên tục mở rộng các loại hình phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thích ứng trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như sơ chế sẵn thực phẩm, giao hàng tận nhà... Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn với các HTX, trang trại trên địa bàn tỉnh không những giúp ổn định nguồn hàng mà còn tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển nên các sản phẩm nông sản luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cửa hàng luôn đa dạng sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, khi được tiêu thụ sản phẩm ở các cửa hàng thực phẩm an toàn cũng góp phần thúc đẩy người dân đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; cải tiến mẫu mã, bao bì để tăng sức cạnh tranh và khuyến khích bà con nông dân tích cực đầu tư sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại một số địa phương, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản an toàn được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Việc nhân rộng các cửa hàng thực phẩm an toàn hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân, vì vậy, cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để nhập bán các sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, người sản xuất cũng cần chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Từ đó tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]