(Baothanhhoa.vn) - Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã có những chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

“Đòn bẩy” phát triển sản xuất rau an toàn tập trung

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã có những chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

“Đòn bẩy” phát triển sản xuất rau an toàn tập trungVùng sản xuất rau an toàn tập trung của xã Nga Thành (Nga Sơn).

Được sự hỗ trợ của các cấp, xã Nga Thành (Nga Sơn) đã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư phát triển 5 ha nhà màng, nhà lưới trồng rau, quả tập trung. Các hộ dân tham gia sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu làm đất, ươm giống đến khâu chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, sản phẩm rau, quả an toàn của xã Nga Thành đã khẳng định được chất lượng và có mặt ở các cửa hàng kinh doanh rau, củ quả, thực phẩm sạch trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Thịnh Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Nga Thành, cho biết: Thời gian qua, xã Nga Thành đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các hộ dân dồn đổi diện tích đất canh tác để đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn tập trung. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để thụ hưởng các chính sách của tỉnh và huyện về phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; doanh thu bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm/1.000m2 nhà lưới. Trên những cánh đồng định hướng phát triển sản xuất rau, quả tập trung, địa phương đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư mở rộng diện tích sản xuất.

Ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Nga Sơn đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, như hỗ trợ 70 triệu đồng cho 1.000m2 nhà màng, hỗ trợ 23 triệu đồng cho 1 hộ có diện tích từ 1.000m2 trở lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ chính sách hỗ trợ của huyện đã khuyến khích nhiều hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư sản xuất. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có 250.000m2 nhà màng sản xuất rau, quả, nuôi trồng thủy sản. Tích tụ, tập trung đất đai được 270 ha để sản xuất quy mô lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt doanh thu 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 đến 3 lần so với sản xuất thông thường.

Hiện toàn tỉnh đã hỗ trợ sản xuất 508,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh; xây dựng 942.753m2 nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 812,5 ha sản xuất rau an toàn tập trung; 101,18 ha sản xuất trong nhà lưới. Theo đó, mức hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh là 170 triệu đồng/ha đối với vùng đồng bằng, 200 triệu đồng/ha đối với vùng miền núi. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung đang thực hiện có hiệu quả, được các địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực triển khai thực hiện, góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, gia tăng doanh thu của sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021–2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung chuyên canh, với diện tích 14,3 nghìn ha (có 50% áp dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (TCVN 11041-2:2017); 70% diện tích sản xuất rau an toàn được doanh nghiệp, HTX, cửa hàng và các nhà máy chế biến liên kết với các hộ dân sản xuất và tiêu thụ; 90% sản lượng rau, quả tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, 10% xuất khẩu. Trên cơ sở đó, các địa phương có tiềm năng về đất sản xuất đang tích cực vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, tạo “đòn bẩy” cho người dân phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác. Đồng thời, tích cực vận động, hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác. Khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và hộ dân xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]