(Baothanhhoa.vn) - Nội dung những bài nói chuyện của Bác 75 năm trước ở Thanh Hóa không chỉ có ý nghĩa đối với Thanh Hóa mà còn rất cần thiết đối với cán bộ, đảng viên cả nước, vẹn nguyên giá trị, mãi mãi trường tồn, soi sáng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Lời Bác vọng mãi ngàn năm

Nội dung những bài nói chuyện của Bác 75 năm trước ở Thanh Hóa không chỉ có ý nghĩa đối với Thanh Hóa mà còn rất cần thiết đối với cán bộ, đảng viên cả nước, vẹn nguyên giá trị, mãi mãi trường tồn, soi sáng nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Lời Bác vọng mãi ngàn năm

Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy

Mùng Một Tết Đinh Hợi cách đây 75 năm (ngày 22-1-1947), Bác Hồ dậy sớm và làm việc như thường lệ. Tháng Giêng - Hai năm 1947 đối với Người và cả dân tộc vô cùng bận rộn. Chúng ta đã giữ được Thủ đô yêu dấu hơn một năm. Đó là một thắng lợi. Nhưng trong tương quan so sánh lực lượng ta - địch, với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ tính toán cẩn thận, kỹ càng việc phá hoại để kháng chiến và vấn đề tản cư, tăng gia sản xuất, rộng hơn là các vấn đề chính trị, quân sự, giáo dục và rút các lực lượng chiến đấu ở trung tâm Hà Nội ra khỏi thành phố để bảo toàn chủ lực, kháng chiến lâu dài.

Ngày 14-2-1947, Bác thảo điện mật gửi Thanh Hóa về chủ trương “vào Thanh kinh lý”. Bức điện nêu 5 điểm, lưu ý đồng chí Đặng Việt Châu lúc đó là đặc phái viên Bộ Nội vụ tại Thanh Hóa chuẩn bị báo cáo các việc; chuẩn bị chỗ khai hội xa thành phố và giữ bí mật; đoàn đi đêm, chuẩn bị địa điểm đón. Đáng chú ý điểm 3 nói về các thành phần dự mít tinh: “Mời các ủy ban tản cư, tăng gia, các điền chủ, đại thương gia, nhà giàu, những người danh vọng, các lãnh tụ dân tộc thiểu số, các cán bộ hành chính và mặt trận các huyện, đại biểu quốc dân liên hiệp, đại biểu công giáo”.

Bác vào Thanh Hóa đầu năm 1947 không phải chuyến đi thăm bình thường mà chứa đựng một tầm nhìn chiến lược không chỉ trong kháng chiến mà còn xa hơn, chuyển tải một thông điệp cho cán bộ và các tầng lớp Nhân dân về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì vậy, Người chuẩn bị kỹ càng. Sau khi gửi điện mật, Người làm việc với Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để thông báo về chuyến đi và bàn, giải quyết một số vấn đề về quốc phòng, nội vụ.

Ngày 19-2, Bác rời núi Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) lên đường vào Thanh Hóa theo tuyến Sơn Tây - Hòa Bình. Cùng đi với Người có Nguyễn Đăng Cao (sau này gọi là Hoàng Hữu Kháng). Chiều tối đến Hòa Bình, Người ngủ lại ở đồn điền Chi Nê.

Khoảng 2-3 giờ sáng ngày 20-2, Bác từ Chi Nê đi tiếp vào Thanh Hóa, khoảng 7-8 giờ sáng đến nơi. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác gặp gỡ và có bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa. Bài nói khoảng 700 - 750 chữ, tập trung vào vấn đề cán bộ.

Trả lời câu hỏi cán bộ là gì, thực chất Bác muốn nói tới vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của cán bộ. Cán bộ như cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy, thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ có nhiệm vụ đem chính sách của Đảng và Chính phủ thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

Nhận thức được vai trò to lớn của cán bộ, mỗi cán bộ phải rèn phẩm chất, đạo đức, phong cách trong công tác, đặc biệt là trong các mối quan hệ. Hai mươi năm trước, trong các bài giảng tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, sau in thành sách Đường cách mệnh 1927, nêu 23 điều tư cách một người cách mạng, Bác đặt ra 3 mối quan hệ: Tự mình phải. Đối người phải. Làm việc phải.

Nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa năm 1947, Bác nêu lên 5 mối quan hệ, nhưng cùng thống nhất với Đường cách mệnh 20 năm trước ở mối quan hệ đầu tiên là đối với mình. Điều này dễ hiểu, khó làm, nhưng phải làm, vì nếu không làm, không “xuôi” thì các điều sau không “lọt”, không thể thực hiện. Mình đã tự mãn, tự túc, kiêu ngạo thì không thể tiến bộ. Mà không tiến bộ thì thoái bộ, đã thoái bộ thì không thể giải quyết tốt các mối quan hệ sau.

Đức tính thứ hai đối với đồng chí mình, cán bộ phải thân ái. Không che đậy điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Không nên ghen ghét đố kỵ.

Đức tính thứ ba là đối với công việc, cán bộ phải nghĩ kỹ, có kế hoạch, cẩn thận nhưng không nhút nhát. Mỗi ngày, buổi sáng phải tự hỏi mình hôm nay làm gì? Tối tự hỏi mình hôm nay đã làm gì?

Đức tính thứ tư đối với Nhân dân, cán bộ phải hiểu đoàn thể (Đảng trong bí mật) làm việc cho dân, Đảng mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là Đảng mạnh. Phải học dân, hiểu tâm lý của dân. Phải giải thích cho dân hiểu, tôn kính dân. Phải làm gương thanh khiết cho dân theo, dân tin, dân phục.

Đức tính thứ năm đối với đoàn thể, cán bộ phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đảng, trung thành với Đảng. Phải hết sức làm việc và dám hy sinh tính mạng, lợi quyền vì Đảng. Phải giữ danh giá của Đảng. Không được báo cáo láo, làm được một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi. Đảng mạnh không có nghĩa chỉ có cái tốt, mà phải hiểu cái tốt ngày càng phát triển, cái dở ngày càng bớt đi. Cái tốt đưa ra mọi người cùng học, cái dở đưa ra để mọi người biết mà tránh.

Trong suốt hơn hai mươi hai năm sau bài nói chuyện (1947-1969), Bác Hồ đã rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, trong đó có nhiều cán bộ ở Thanh Hóa, tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đội ngũ cán bộ đó thực sự đã làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Trong đổi mới, Đảng ta coi cán bộ là gốc của mọi công việc. Đại hội XIII xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, là một bài học đưa lại thành tựu to lớn trong đổi mới. Điều đó chứng tỏ giá trị bài nói của Bác ở Thanh Hóa mang sức sống và giá trị trường tồn, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi.

Chính trị là đoàn kết và thanh khiết từ to đến nhỏ

Cùng ngày 20-2, Bác có bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa. Bài nói bàn về công việc kháng chiến khi nước ta có chiến tranh nhưng vẫn nguyên một sinh khí mới, sức sống mới và tính thời sự nóng hổi. Cái mới, cái sinh khí đó chính là Bác nói tới việc kiến thiết của Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, quân sự. Tỉnh Thanh Hóa kiểu mẫu là tấm gương cho cả nước kiểu mẫu thể hiện gạch nối từ người kiểu mẫu, nhà kiểu mẫu, làng kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu đến nước kiểu mẫu. Nước kiểu mẫu thì thế giới biết nước ta đáng được độc lập, dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi.

75 năm trước và hiện nay, nói đến nông thôn mới - kiểu mẫu, tỉnh kiểu mẫu ai cũng muốn, nhưng không phải muốn là được. Bác Hồ là một kiểu mẫu về phong cách một nhà lãnh đạo biện chứng, kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, đặc biệt là nêu gương. Bác hoàn toàn tán thành Thanh Hóa trong phá hoại - kháng chiến muốn kiến thiết thành một tỉnh kiểu mẫu, vì kiến thiết và phá hoại - kháng chiến tác động qua lại. Muốn kiến thiết phải phá hoại, nhưng trước hết phải phá hoại để đấu tranh thắng lợi rồi mới kiến thiết.

Trước hết phải có niềm tin “nhất định làm được”. Chưa làm đã mất niềm tin thì thất bại. Tin rồi thì phải làm, “xắn tay áo làm”. Làm thì phải nghĩ, kế hoạch thiết thực, điều khiển, phân phối, sắp đặt từng bước việc dễ đến việc khó, tầm nhìn xa, đặc biệt chuẩn bị cán bộ khi người già, chúng ta già thì chết. Tin phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, không mù quáng.

Thanh Hóa có tiếng văn vật, người đông, đất rộng, của nhiều. Đó là một cơ sở vững chắc, quan trọng để kiến thiết, không phải tỉnh nào cũng có được. Nhưng không phải cứ văn vật, đất rộng, người đông, nhiều của là thành kiểu mẫu. Say sưa, ngủ quên trên quá khứ là phải trả giá đắt. Điều quan trọng là phải biết cái gì mình làm tốt, cái gì chưa tốt để khắc phục.

Bác đặt nhiệm vụ của ngành văn hóa lên hàng đầu thể hiện tầm nhìn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Văn hóa không phải chỉ là biết chữ, mà còn phải học đạo đức, phổ thông chính trị, học thì hành được, chuẩn bị cán bộ. Tức là phải làm cho nước ta trở thành một nước văn minh.

Về chính trị - hành chính, Bác chỉ ra hai mấu chốt của chính trị là đoàn kết và thanh khiết.

Nhận thức này tỏ rõ chính kiến, diện mạo của Bác, mang tinh thần mácxít nhưng rất Hồ Chí Minh. Đoàn kết là sức mạnh vô địch để thắng quân địch, giành độc lập, thống nhất. Phải bỏ thù riêng để trả thù chung. Chia rẽ là bất lợi. Một điểm Bác nhấn mạnh ngay từ sau khi cách mạng thành công, được khẳng định lại ở Thanh Hóa, đó là Chính phủ là đầy tớ của dân. Làm việc dưới chế độ mới Dân chủ Cộng hòa không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Luận điểm đó không phải là chuyện riêng của Thanh Hóa mà chung cho cả nước từ 75 năm trước đến tận hôm nay. Gắn liền với Chính phủ, Chủ tịch toàn quốc đến làng là đày tớ của dân, thì dân là chủ. Bác phê bình loại cán bộ làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia.

Tầm nhìn xa trông rộng thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức của Bác ở chỗ 75 năm trước Người nói với chúng ta sự hư hỏng của cán bộ hôm nay. Trong các nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta nói về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Nhiệm vụ về kinh tế Thanh Hóa phải thực hiện để thành tỉnh kiểu mẫu từ 75 năm trước cũng chính là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ hiện nay. Đó là đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Bác khởi xướng sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng giàu khi nhấn mạnh “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”. Người còn nhấn mạnh thêm mục đích của Thanh Hóa kiểu mẫu là người nào cũng biết chữ, đoàn kết và yêu nước.

Một lời dặn của Bác chứa đựng tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” mà hiện nay đang trở thành một biểu tượng sáng ngời trong cuộc chiến chống đại địch COVID-19. Người nói Thanh Hóa hậu phương có ăn có mặc thì đừng để đồng bào tản cư đói, rét. Mong đồng bào Thanh Hóa ủng hộ, giúp đỡ đồng bào tản cư, tức là giúp đỡ kháng chiến.

Trong phần kết luận cuối bài nói, Bác kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu.

Khoảng 4-5 giờ chiều ngày 20-2-1947, Bác rời Thanh Hóa về đồn điền Chi Nê và nghỉ qua đêm tại đây. Ngày 21-2 và sau đó, Người viết Thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa và bài Thanh Hóa kiểu mẫu.

Thanh Hóa là số ít trong các tỉnh vinh dự được đón nhận nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần của nghị quyết, Thanh Hóa phải phát triển thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, trở thành kiểu mẫu của cả nước.

Làm theo lời Bác dặn, Thanh Hóa phải chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, con người; khơi dậy, phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của vùng đất văn vật, thanh khiết từ to đến nhỏ. Đặc biệt làm tốt công tác xây dựng Đảng về cán bộ, xây dựng chính quyền thật sự là công bộc của dân, phát huy vai trò của dân, lấy dân làm gốc, đem tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân làm lợi cho dân; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng không nằm trên giấy, không là khẩu hiệu, mà phải thật sự thì dân mới tin, phục và yêu. Phải quán triệt tinh thần đoàn kết là sức mạnh vô địch, được dân đồng lòng ủng hộ, việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Thanh Hóa phải là kiểu mẫu của quyết tâm, đồng tâm, tín tâm.

Trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp ngoại lực, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa phải suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi để có được “Giá trị Thanh” trong đổi mới. Phải có niềm tin nhất định đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

PGS. TS. Bùi Đình Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]