(Baothanhhoa.vn) - Dù không thực hiện những quảng cáo trên mạng xã hội theo kiểu “nhà tôi ba đời chữa xương khớp”, “bệnh nặng mấy tôi cũng chữa khỏi”,... thế nhưng, không ít cơ sở chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đang phải chịu vạ lây...

Từ những quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội, nhiều cơ sở chẩn trị y học cổ truyền bị vạ lây

Dù không thực hiện những quảng cáo trên mạng xã hội theo kiểu “nhà tôi ba đời chữa xương khớp”, “bệnh nặng mấy tôi cũng chữa khỏi”,... thế nhưng, không ít cơ sở chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đang phải chịu vạ lây...

Từ những quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội, nhiều cơ sở chẩn trị y học cổ truyền bị vạ lây

Lương y Lang Thị Quynh: “Những quảng cáo về thuốc y học cổ truyền khẳng định bệnh gì, nặng mấy cũng chữa khỏi là sai sự thật”.

Bát nháo quảng cáo thuốc đông y gia truyền

Khi dịch COVID-19 bùng phát, trên mạng xã hội, nhất là facebook cũng rộ các loại quảng cáo thuốc nam, đông y gia truyền, kiểu “nhà tôi ba đời chữa xương khớp”, “nhà tôi ba đời chữa yếu sinh lý”, “nhà tôi ba đời chữa tiểu đường”... kèm hình ảnh “lương y” với những lời nói có cánh. Nhiều người bán thuốc đông y còn thuê “diễn viên” nhập vai thành tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu, nghệ sĩ, người có uy tín... dàn dựng clip quảng cáo về công dụng thần thánh của sản phẩm. Những diễn viên này diễn còn hơn thật, mặt nhăn nhó, đi lại khó khăn do đau nhức xương khớp lâu năm, nhưng uống thuốc vào mặt tươi tỉnh ngay, đi lại bình thường, kiểu như bệnh đã khỏi ngay và luôn.

Với tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, sau khi xem những quảng cáo này nhiều người bệnh cả tin đã sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua hàng qua mạng về sử dụng. Thậm chí, nhiều người còn quảng bá, giới thiệu cho bạn bè, người thân, hàng xóm cùng mua. Thế nhưng, dùng sản phẩm đã lâu, nhưng bệnh không thuyên giảm, tiền mất tật vẫn mang mà không biết kêu ai.

Gần đây nhất, trong tháng 5-2022 trên một số đường link facebook, youtube quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng viên xương khớp Hoàng Hường, với nội dung: “Tất tần tật, những gì đau liên quan đến xương khớp từ đầu xuống chân, em giải quyết được hết. Em không khẳng định là uống 1 liều sẽ hết nhưng chỉ cần uống trong 1 - 2 tuần sẽ khỏi đến 50 - 60%. Ai nặng lắm thì 2 tháng là hết... dù xương khớp đau đến cỡ nào”. Điều đáng nói, trước đó chưa lâu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường với số tiền 65 triệu đồng.

Sau những chấn chỉnh, xử phạt của cơ quan chức năng và chính sách hạn chế của facebook, những quảng cáo này đã có thời gian tạm lắng. Tuy nhiên, gần đây, trên youtube lại rộ những quảng cáo thuốc đông y gia truyền. Vẫn với những lời nói có cánh về công dụng thần dược, những clip này đã dùng chiêu trò lồng ghép logo các nhà đài; thậm chí ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của MC nhà đài để người xem tin tưởng vào công dụng thần kỳ của thuốc. Hầu hết quảng cáo này tập trung “lăng xê” các loại đông y gia truyền có công dụng “thần dược”, “biệt dược” chữa bệnh xương khớp, viêm xoang, sỏi thận, gan, yếu sinh lý... Nhiều clip còn xuất hiện MC giới thiệu về “lương y” cũng như hiệu quả của thuốc để tăng sự tin tưởng của người xem.

Nhiều cơ sở y học cổ truyền bị vạ lây

Việc xuất hiện tràn lan các clip quảng cáo dạng này không chỉ khiến người sử dụng mạng xã hội phiền toái, bức xúc, mà nhiều người bệnh đã giảm lòng tin đối với phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Như bà Nguyễn Thị Huệ, ở phố Nam Sơn 2, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa): “Tôi xem ca nhạc trên youtube thấy có quảng cáo thuốc đông y chữa khỏi xương khớp. Tôi xem đi xem lại, gọi điện theo số điện thoại quảng cáo hỏi cẩn thận về công dụng của từng loại thảo dược trong thuốc, rồi mới mua. Tốn gần 5 triệu đồng rồi, khớp gối của tôi vẫn đau, không thuyên giảm được. Nói thật, giờ nói về thuốc cổ truyền tôi không tin lắm”.

Cơ sở Phòng chẩn trị y học cổ truyền lương y Lê Văn Thọ tại xã Lương Sơn (Thường Xuân) trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày có gần 10 bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố đến khám, điều trị các bệnh về xương khớp. Từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát đến nay, bệnh nhân tìm đến cơ sở ít hẳn, ngày nào nhiều nhất chỉ có 3 bệnh nhân. Lương y Lê Văn Thọ cho biết: “Lượng bệnh nhân đến ít có một phần từ tâm lý người bệnh giảm lòng tin với y học cổ truyền nói chung và phương pháp điều trị bệnh xương khớp bằng y học cổ truyền nói riêng do tiếp nhận, hoặc đã mua thuốc từ những quảng cáo sai sự thật của nhiều đối tượng bán thuốc trên mạng xã hội. Là một lương y, tôi thấy bất bình về những quảng cáo sai sự thật, thần thánh hóa một số loại thuốc nam, đông y gia truyền".

Không chỉ chịu tiếng xấu về thuốc lá nam do những quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội, lương y Lang Thị Quynh, chủ cơ sở Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh, tại thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) còn bị cắt ghép hình ảnh đưa vào một số quảng cáo bán thuốc nam không rõ nguồn gốc, địa chỉ. Mặc dù thông qua mạng xã hội gia đình bà đã lên tiếng khẳng định những hình ảnh bị cắt ghép và bà không bán các loại thuốc được quảng cáo, nhưng những quảng cáo này vẫn cứ xuất hiện.

Với kinh nghiệm chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của người Thái đen hàng chục năm qua, lương y Lang Thị Quynh cho biết: “Thông thường, thuốc nam được dùng nhiều để điều trị các bệnh mạn tính và cần có thời gian. Quá trình điều trị phụ thuộc vào cơ địa và tâm lý, niềm tin của người bệnh. Do đó, không thể khẳng định dùng thuốc nam chữa khỏi bệnh ngay như tây y chữa các bệnh cấp tính. Những quảng cáo về thuốc y học cổ truyền khẳng định bệnh gì, nặng mấy cũng chữa khỏi là sai sự thật”.

Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh được nhiều người biết đến là địa chỉ điều trị các bệnh của phụ nữ, bệnh xương khớp, bệnh về đường hô hấp... với rất nhiều bệnh nhân trong cả nước tìm đến, nhưng hiện tại không còn nhiều người đến như trước. Lương y Quynh khẳng định: “Qua trao đổi với nhiều bệnh nhân, tôi nhận thấy những quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội về thuốc nam, đông y gia truyền đã khiến nhiều người bệnh giảm lòng tin vào y học cổ truyền nói chung. Mà y học cổ truyền điều trị bệnh cần rất lớn vào niềm tin của bệnh nhân”.

Trên thực tế, chẩn đoán bệnh, điều trị cấp cứu vốn là thế mạnh của y học hiện đại, song y học cổ truyền lại rất hữu ích đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hoặc bị di chứng do tai biến. Chính vì thế, trong thời đại y học hiện đại phát triển vượt bậc như hiện nay thì y học cổ truyền vẫn mang lại lợi ích cho người bệnh, có thể thấy rõ hiệu quả trong điều trị di chứng hậu COVID-19. Tuy nhiên, dù không thực hiện, nhưng những quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội đã khiến nhiều cơ sở y học cổ truyền trong tỉnh đang gặp khó khăn...

Bài và ảnh: Đồng Thành


Bài và ảnh: Đồng Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]