(Baothanhhoa.vn) - Làm tại bệnh viện, mặc áo blouse trắng, song những điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi lại đảm nhận cả vai trò của người giáo viên, người mẹ hiền. Những người điều dưỡng ấy luôn dành tình yêu thương cho những đứa trẻ đặc biệt, nỗ lực mang lại niềm vui, kiến thức, kỹ năng cho những trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển.

Những người điều dưỡng đặc biệt

Làm tại bệnh viện, mặc áo blouse trắng, song những điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi lại đảm nhận cả vai trò của người giáo viên, người mẹ hiền. Những người điều dưỡng ấy luôn dành tình yêu thương cho những đứa trẻ đặc biệt, nỗ lực mang lại niềm vui, kiến thức, kỹ năng cho những trẻ tự kỷ, rối loạn phát triển.

Những người điều dưỡng đặc biệtĐiều dưỡng viên tại Đơn nguyên Tâm bệnh hỗ trợ bé vận động.

Đơn nguyên Tâm bệnh, thuộc Khoa Thần kinh – Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), được hình thành nhằm hỗ trợ tư vấn, điều trị cho bệnh nhân nhi có triệu chứng rối loạn phát triển, tự kỷ. Có mặt tại Đơn nguyên Tâm bệnh, chúng tôi phần nào hiểu được cố gắng, kiên trì của những nữ điều dưỡng. Từ căn phòng ngôn ngữ trị liệu, chúng tôi thấy một nữ điều dưỡng với vóc dáng nhỏ nhắn đang ngồi trò chuyện với một bạn nhỏ. Tại đây, không có bơm tiêm, ống thuốc, dây truyền dịch. Phòng điều trị cũng không sặc mùi thuốc men. Chỉ có những đồ chơi, thẻ chữ, tranh ảnh. Nữ điều dưỡng thì liên tục lật giở từng thẻ hình, chốc chốc lại đưa đồ vật lên trước mặt bé hướng dẫn và hỏi. Mọi thứ lặp đi lặp lại đủ để các em ghi nhớ, bắt chước và làm theo. Còn bạn nhỏ với ánh mắt nhìn vô định, thi thoảng nhìn vào nữ điều dưỡng hỏi nhưng không trả lời rồi lại nhìn đi nơi khác.

Sau gần một buổi trò chuyện, giao tiếp cùng bé, chúng tôi thấy nữ điều dưỡng đã nở nụ cười khi bạn nhỏ đã có phản ứng lại. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền cười chia sẻ: “Ngày đầu đến đây, bé đã 27 tháng nhưng không nhận diện được đồ vật, không biết nói, mới chỉ phát ra âm thanh vô nghĩa. Đây là buổi thứ 20 bé đến điều trị. Sau những nỗ lực, hôm nay bé đã bật ra âm thanh đầu tiên và có thể nhận diện được đúng đồ vật. Thấy những chuyển biến tích cực của các em, người điều dưỡng như tôi thấy rất hạnh phúc. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục hơn nữa để điều trị cho các bé”.

Điều dưỡng Hiền trước đây là một giáo viên. Nhưng cơ duyên với nghề, với những trẻ tự kỷ, đã đưa chị về công tác tại Đơn nguyên Tâm bệnh. Chị Hiền chia sẻ: “Cũng là dạy trẻ nhưng lại không giống như giáo viên thông thường. “Học sinh” của tôi là những bé rối loạn phát triển, không biết nói, khó khăn trong vận động hoặc không làm chủ được hành vi. Trong một buổi điều trị, điều dưỡng viên chủ yếu là hướng dẫn, dạy trẻ giao tiếp bằng mắt, bằng cử chỉ, nhận diện đồ vật xung quanh... Nhưng mới đầu các em đều không tập trung, không giao tiếp, nhiều em la hét, khóc và tự làm đau mình. Do đó, khi mới bắt đầu làm điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, tôi đã rất áp lực. Song những áp lực ấy dần mất đi từ lúc nào tôi cũng không hay, mà thay vào đó là sự kiên nhẫn, tình yêu thương dành cho những trẻ rối loạn phát triển, tự kỷ”.

Đến nay, đã hơn 8 năm gắn bó với Đơn nguyên Tâm bệnh, chị Hiền đã chứng kiến không biết bao em nhỏ mắc bệnh; em thì nói, không biết cách giao tiếp, em thì khóc cười vô cớ, em thì khó khăn trong vận động, em không biết biểu lộ cảm xúc, ánh mắt nhìn vô định. Điều đó đã khiến chị tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa, yêu thương những trẻ tự kỷ hơn nữa để các em phát triển tốt hơn; được học tập, phát triển, vui chơi như những đứa trẻ khác.

Không chỉ riêng điều dưỡng Hiền, mà các điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh đều cùng nhau nỗ lực, kiên trì, hết lòng yêu thương các em nhỏ rối loạn phát triển, tự kỷ. Kể về những trẻ đến khám và điều trị tại đây với ánh mắt yêu thương, điều dưỡng Lan cho biết, các bé vào đây điều trị, có những bé đã 2 - 3 tuổi nhưng vẫn chưa nói được, chưa nhận diện được đồ vật xung quanh; có bé thì không cảm nhận được cơ thể hay không thực hiện những động tác đơn giản hàng ngày; có bé thì lại rụt rè, không dám gặp người lạ, không dám nhìn vào mắt người đối diện; có bé thì hiếu động quá mức, giành, ném đồ vật không kiểm soát... Hàng ngày, gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các bé mới thấy các em chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, điều dưỡng chúng tôi không chỉ dạy, hướng dẫn các bé mà chúng tôi luôn dành cho các em sự yêu thương, chăm sóc qua những cử chỉ, thái độ.

Chắc hẳn, ai có mặt tại Đơn nguyên Tâm bệnh cũng sẽ cảm nhận được tình thương của điều dưỡng nơi đây dành cho các em khi chứng kiến điều dưỡng dỗ dành, âu yếm các bé. Tại phòng hoạt động trị liệu - nơi những tiếng khóc, tiếng la hét đau đớn của các bé vang lên khi tham gia các bài tập vận động, chúng tôi thấy điều dưỡng Lan đã ôm một bé trai vào lòng vỗ về. Thi thoảng điều dưỡng Lan cúi xuống hỏi và nở nụ cười với bé. Chốc lát, bé trai đã đồng ý hợp tác vận động, không la hét.

Điều dưỡng Lê Thị Lan chia sẻ: “Nhiều em nhỏ vào đây điều trị do rối loạn phát triển, vận động kém. Mới đầu các bé không hợp tác vận động, thường la hét, òa khóc. Trước những âm thanh la khóc ấy, những người điều dưỡng tại đây vẫn phải bình tĩnh, giữ ổn định cảm xúc, nhẹ nhàng với bé. Những lúc này, chúng tôi thường massage để bé giảm đau và dỗ dành bé. Bởi nếu có một cảm xúc hay hành động nóng giận lên các bé thì các bé càng không hợp tác, phản ứng tiêu cực khiến tình trạng bệnh có thể nặng hơn”.

“Khi điều trị cho trẻ rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ, điều dưỡng phải giúp các bé cảm nhận được cảm giác an toàn, vui vẻ. Những người điều dưỡng phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc để các con có thể trải lòng cũng như tham gia các hoạt động. Nếu không kiên trì, không yêu thương các con thì để các con tiến bộ là điều vô cùng khó” - điều dưỡng Lan chia sẻ thêm.

Trẻ mắc chứng rối loạn phát triển, tự kỷ thường có những khiếm khuyết về tương tác xã hội, gặp khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và các hành vi, sở thích, hoạt động. Mỗi trẻ có một biểu hiện, mức độ khác nhau và một phác đồ điều trị riêng. Song, các bé đều có chung sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu từ những người điều dưỡng “đặc biệt”. Họ là những người luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các bé trong những bước phát triển đầu tiên, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]